NS Phạm Tuyên đạt 11/12 phiếu xét Giải Hồ Chí Minh

Như chúng tôi đã đưa tin, xung quanh việc xét Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gây ra nhiều bức xúc trong giới âm nhạc suốt thời gian qua. Bản thân nhạc sĩ Phạm Tuyên thấy không thoải mái khi phải đứng ra viết đơn xin xét giải thưởng.

Do đó, Hội nhạc sĩ Hà Nội đã đứng ra làm đơn xin xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông. Chủ tịch Hội nhạc sĩ Hà Nội, Hồ Quang Bình đã đâm đơn đi khắp nơi để kêu cứu cho trường hợp rất bất công với vị nhạc sĩ của “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” được toàn dân yêu mến.

Đến chiều 23/8, Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi công văn lên Bộ VH-TT&DL đề nghị Hội đồng cấp Bộ và cấp Nhà nước xét công lao nhạc sĩ Phạm Tuyên và có phần thưởng xứng đáng với những cống hiến của ông cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Trên cơ sở đó, chiều 26/8, Bộ đã tổ chức cuộc họp liên ngành do Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì và đi đến kết luận: Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đồng ý đưa danh sách tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên vào diện xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay.

Cụm 5 tác phẩm nhạc sĩ Phạm Tuyên lựa chọn để kê khai là: Những ngôi sao ca đêm - bài hát sáng tác từ thập niên 1960, nổi tiếng với tiếng hát Lê Dung; Từ làng sen - bài hát trở thành truyền thống của Nghệ An và cả nước mỗi ngày sinh nhật Bác; Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng - bài hát thiêng liêng của cả dân tộc; Tiến lên đoàn viên - bài hát dành cho thế hệ thiếu niên ra đời cách đây hơn 50 năm nhưng vẫn được yêu mến và Đêm trên Chalo - bài hát viết về bộ đội biên phòng nhưng vượt ra khỏi giới hạn không gian, trở thành bài hát bảo vệ biển đảo, thành bài ca giữ nước.

Tại buổi họp giao ban với báo chí của Bộ VH-TT & DL hôm qua (7/10), đại diện Bộ cho biết: Trong phiên họp Hội đồng cấp Bộ đã bỏ phiếu kín đánh giá cụm tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Kết quả có 11/12 (91,6%) tổng số thành viên Hội đồng đồng ý trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Như vậy có thể gần như chắc chắn nhạc sĩ Phạm Tuyên sẽ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay.

NS Phạm Tuyên đạt 11/12 phiếu xét Giải Hồ Chí Minh ảnh 1
Có ý kiến cho rằng Bộ VH, TT & DL nên xem lại quy chế xét giải không khi cứ phải có tác phầm đề xuất bởi có thể thấy việc chọn 5 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên là khá khiên cưỡng. 

Có đánh giá cho rằng cụm tác phẩm xét Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Phạm Tuyên lần này phải chăng không xứng đáng nên mới phải xét đặc cách. Vì chính bản thân nhạc sĩ cũng từng đề cử những tác phẩm tâm đắc nhất trong đợt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2001 nhưng do không đoạt giải nên đã bị đẩy xuống trao Giải thưởng Nhà nước. Nếu căn cứ vào đó sẽ thấy Giải thưởng Hồ Chí Minh kém chất lượng so với Giải thưởng Nhà nước.

Trước ý kiến này, ông Nguyễn Hải Anh – Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng Bộ VH, TT & DL cho biết:

“Hội đồng cấp Bộ trên cơ sở đề nghị của Hội đồng cấp cơ sở đã bỏ phiếu xét cho 5 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Hôm đó Hội đồng cấp Bộ có 12 người, thì có 11 thành viên có mặt, 1 thành viên đang đi công tác không về kịp. Cả 11 thành viên đều nhất trí đồng ý với cụm tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên và xem xét đưa lên Hội đồng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Về ý kiến cho rằng cụm tác phẩm lần này của nhạc sĩ Phạm Tuyên không bằng cụm tác phẩm đã được trao Giải thưởng Nhà nước cho ông năm 2001 thì Hội đồng cấp cơ sở là Hội Nhạc sĩ VN và Hội đồng cấp Bộ, đã xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Kết luận chung của hội đồng là kết luận của chúng ta.

Trước đây thì nhạc sĩ Phạm Tuyên đã trình lên Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2001 năm ca khúc: Đảng cho ta cả một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Đợt này nhạc sĩ đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 5 ca khúc khác là: Những ngôi sao ca đêm, Từ làng sen, Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng, Tiến lên đoàn viên, Đêm trên Chalo.

Tôi nghĩ rằng đây là những ca khúc hết sức tuyệt vời của nhạc sĩ. Nó là thành quả của cả một sự nghiệp âm nhạc cách mạng của Phạm Tuyên".

Trước câu hỏi giờ đã có kết quả xét đặc cách cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, kết quả là rất tốt; vậy sao không xét đặc cách cho ông từ những tháng đầu năm nay khi Hội Nhạc sĩ Hà Nội có văn bản gửi cho Bộ mà cứ phải cứng nhắc đi theo quy trình qua Hội đồng cấp cơ sở? Có nên xem lại quy chế xét giải không khi cứ phải có tác phẩm đề xuất bởi có thể thấy việc chọn 5 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên là khá khiên cưỡng? Sao không xét toàn bộ quá trình hoạt động của nhạc sĩ mà lại cứ phải căn cứ vào mấy tác phẩm để xét?

NS Phạm Tuyên đạt 11/12 phiếu xét Giải Hồ Chí Minh ảnh 2
Ông Nguyễn Hải Anh – Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng Bộ VH, TT & DL (ngoài cùng bên phải). 

Ông Nguyễn Hải Anh – Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng Bộ VH-TT&DL trả lời: “Việc xét giải thưởng ở đây là cho tác phẩm chứ không phải cho tác giả. Tác phẩm đó có giá trị nghệ thuật sâu sắc, có tác động lớn trong xã hội,... thì được xem xét tặng giải thưởng.

Các tác giả khi muốn xét tặng giải thưởng thì phải tuân theo quy trình xét giải. Quy trình này được Bộ VH-TT&DL thực hiện theo thứ tự các khâu từ cấp cơ sở đến cấp Bộ, cấp Tỉnh, Thành phố rồi trình lên cấp Nhà nước.

Còn những tác giả nào có đóng góp to lớn cho Đảng và Nhà nước thì được Đảng và Nhà nước xem xét tặng huân chương các loại. Huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Sao Vàng, huân chương Độc lập,…”.

Còn với câu hỏi tại sao cứ bắt các nghệ sĩ phải làm đơn xin xét giải dẫn đến việc nhạc sĩ Phạm Tuyên không làm đơn và hệ quả là việc xét tặng cho ông bị chậm trễ khiến phải làm trường hợp đặc cách. Giờ đã xét đặc cách cho ông thì có tạo ra tiền lệ không cần đơn cũng xét hay Bộ sẽ sửa quy chế?

Ông Nguyễn Hải Anh cho biết thêm: “Trong thông tư của chúng tôi không có bất kỳ một từ “đơn” nào. Tất cả là bản đăng ký của tác giả gửi về hội đồng xét tặng giải thưởng. Bản đăng ký này rất quan trọng. Nó là quyền lợi và trách nhiệm của tác giả. Bởi vì có tác phẩm không phải có một tác giả mà là đồng tác giả đồng sáng tạo ra nó. Vì vậy để đảm bảo rằng việc đăng ký cho tác phẩm đó lên xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước có được đồng thuận hay không thì bản thân tác giả phải có bản đăng ký.

Và hơn nữa trong sự nghiệp sáng tác của mình tác giả có thể sáng tác hàng trăm hàng nghìn tác phẩm và tác giả đó là người duy nhất biết mong muốn mình sẽ đem tác phẩm nào ra xin xét tặng. Chúng ta không thể xét tặng cho 800 bài hát hay 1.000 tác phẩm của nghệ sĩ được".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 30/1/1930, quê ở Bình Giang, Hải Hưng. Ông là con thứ 9 của nhà báo Phạm Quỳnh.

Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 với cụm tác phẩm gồm các ca khúc: 1. “Đảng cho ta cả một mùa xuân”, 2. “Bám biển quê hương”, 3. “Chiếc gậy Trường Sơn”, 4. “Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ”, 5. “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

Năm 2005, nhạc sĩ làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm gồm các ca khúc: 1. “Đảng cho tôi sáng mắt sáng lòng” (thơ Aragon), 2. “Bài ca người thợ rừng”, 3. “Từ làng Sen”, 4. “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”, 5. “Đêm trên Cha Lo”, 6. “Gửi nắng cho em” (thơ Bùi Văn Dung), 7. “Tiến lên đoàn viên”, 8. “Chiếc đèn ông sao”, 9. “Cánh én tuổi thơ”. Hội đồng giải thưởng chuyên ngành thuộc lĩnh vực âm nhạc không bỏ phiếu, nhưng thấy xứng đáng tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (ghi trong biên bản).

Theo Việt Anh (VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm