Ở chung cư hiện đại, nhớ lại thời bao cấp

Tại đây những hình ảnh đường phố, quầy hàng xén thời bao cấp được phác họa vừa thân quen, vừa khác lạ trong 250 bức ký họa và cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa & hồi ức" tại triển lãm Ký ức Hà Nội.

Buổi ra mắt cuốn sách và triển lãm Ký ức Hà Nội vì thế giống như là một cuộc tao ngộ của những người dân đã bước ra từ những tập thể cũ của Hà Nội, đã từng đi qua thời bao cấp.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm Urban Sketchers Hanoi - những người làm nên cuốn sách và những bức tranh trong triển lãm, chia sẻ: “Triển lãm và cuốn sách để đánh dấu một giai đoạn, giữ lại những bức hình trong một năm hoạt động của nhóm. Chúng tôi muốn những người tham quan được sống lại một thời Hà Nội. Nhà tập thể là minh chứng của thời đổi mới, gắn với kỷ niệm của một thế hệ nên nhóm ký hoạ lại để ghi lại ký ức xưa”.

Một góc của tập thể xưa. 

Còn PGS-TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, cảm nhận triển lãm như làm cho chính mình, bởi vì cả tuổi thơ của bà đã gắn bó với thời bao cấp.

“Đôi khi tôi rất băn khoăn làm sao để kể cho các em bé về một thời bố mẹ sống và lớn lên trong một hoàn cảnh vật chất rất thiếu thốn nhưng lại giàu có sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau” - PGS-TS Phạm Thúy Loan nói. 

Triển lãm khơi gợi lại ký ức thời bao cấp.

“Chúng tôi ngày xưa định kỳ phải dọn dẹp khu tập thể. Gia đình này luộc sắn chia cho gia đình bên cạnh. Giá trị lớn là yếu tố cộng đồng là kiến tạo cộng đồng đô thị, yếu tố cộng đồng là yếu tố quan trọng trong việc kiến tạo đô thị. Khi chúng ta chưa có đô thị chúng ta có cộng đồng làng nhưng đến bây giờ chúng ta khó có cộng đồng dân cư trong đô thị bởi vì cộng đồng dân cư chúng ta quá lớn, mọi người quá tập trung vào đời sống riêng mình. Trong các đô thị mới bây giờ kiến tạo cộng đồng rất là mỏng” - PGS.TS Phạm Thúy Loan chia sẻ.

Triển lãm Ký ức Hà Nội sẽ kéo dài một tháng, khách tham quan ngoài thưởng ngoạn những bức tranh vẽ Hà Nội cũ sẽ được thưởng thức “mâm cơm thời bao cấp” như một cách trở về tuổi thơ đầy thiếu thốn nhưng đầy yêu thương và chia sẻ của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm