Ở Sài thành thèm chén canh chùm ngây quê nhà

Qua bao mùa giông bão, cây vẫn tràn đầy nhựa sống, thân già bong hết lớp vỏ sần sùi này đến lớp vỏ sần sùi khác.

Lên năm tuổi, trước nhà đã có cây chùm ngây cao, gốc to hơn cột cái nhà, tán rộng che mát cả góc sân. Vào mùa gặt, ba thường chặt nhánh vừa để lấy lá non nấu canh, vừa có nắng to mà phơi phóng.

Cây cũng là người thân

Ở Sài thành thèm chén canh chùm ngây quê nhà ảnh 1

Dù thân già cỗi nhưng chùm ngây vẫn cho lá non quanh năm. Ảnh: TRI TRẦN

Nắng gắt, lần cày trở lúa đến đoạn bóng cây đổ dài xuống là tôi dừng lại tận hưởng bóng mát, chỉ vài giây thôi cũng thấy đã đời. Bóng cây đổ xuống đến đâu có thể đoán chính xác giờ, vì thế nó còn là “chiếc đồng hồ” để chị em tôi canh giờ đến lớp buổi chiều.

Những đêm sáng trăng, thân cây là nơi bọn trẻ trong xóm úp mặt chơi năm mười.

Ba cũng không nhớ rõ cây do ông bà trồng hay tự mọc từ lúc nào mà chỉ biết đời ông sơ, cây đã sừng sững trước sân. Xây nhà, làm lại sân phơi, ba né cây chùm ngây đi mặc dù khoảng sân có hẹp lại. Theo ba, cây đã là “người thân” của gia đình, nó xứng đáng phải được nâng niu, chăm sóc.

Qua bao mùa giông bão, cây vẫn tràn đầy nhựa sống, thân già bong hết lớp vỏ sần sùi này đến lớp vỏ sần sùi khác.

Hoa chùm ngây trắng muốt. Ảnh: TRI TRẦN

Cây là chứng nhân của những năm tháng thăng trầm được mất, của vui buồn diễn ra trong căn nhà tranh vách đất lúc bấy giờ.

Nhờ cây chùm ngây mà thực đơn rau mắm thường xuyên của gia đình bảy cái tàu há mồm thêm phong phú. Trước cũng như bây giờ, xách rổ rảo một vòng quanh vườn thế nào cũng có được ít rau tập tàng nấu tô canh giải nhiệt nhưng tôi thích nhứt món canh chùm ngây.

Cây cao quá mái nhà, lần hái phải dùng rựa quéo (liềm cột vào cây tre đực). Muốn hái nhánh cao hơn thì phải bắt thêm cái thang tre, phải cắt nhánh chừa một gang tay để nảy ra nhiều nhánh non khác.

Quãng ấy, ba làm việc ở hợp tác xã nông nghiệp lương tháng dăm ký lúa, năm thì mười họa mới mang về ít thịt bò rẻo. Đó là bò của hợp tác xã đến ngày mổ bán, thương đám trẻ ăn uống thiếu chất nên các cô, chú chia cho một ít để có cái bồi bổ.

Lần nghe tiếng xe cút kít là biết ba về, trên ghi đông treo lủng lẳng miếng thịt gói trong lá chuối. Chị em tôi dành nhau mở miếng thịt còn nóng hổi, chạy ù xuống bếp khoe với má rồi kéo nhau ra sân hái chùm ngây cho má xào thịt bò. Mùi thịt bò tươi thơm nức mũi quyện với mùi đặc trưng của chùm ngây tỏa đi khắp xóm.

Sự hồi sinh kỳ diệu

Những ngày đầu xa nhà, thèm chén canh chùm ngây cứ như trẻ con thèm sữa vậy. Khoảng gần 25 năm trước, Sài Gòn không phải chợ nào cũng có bán chùm ngây, quán cơm bụi thì không gì khác ngoài các loại canh rau lỏng bỏng nước.

 Cây chùm ngây ở quê tôi giờ xếp vào hàng cổ thụ, trên dưới 200 năm rồi còn gì. Đến nhà ăn giỗ, các cụ ở tuổi xưa nay hiếm thường bảo, xưa vùng này bom đạn rót xuống như mưa, bằng chứng là quanh đó còn bao hố bom, là chứng tích của cuộc chiến ác liệt, tàn khốc, thế mà cây vẫn đứng đó hiên ngang. Mầm sống hồi sinh sau thời gian tàn lụi.Ảnh: TRI TRẦN

Mãi nhiều năm sau, Sài Gòn rộ lên món ăn bài thuốc từ cây chùm ngây. Khắp chợ, vựa kiểng và tiệm thuốc nam đâu cũng bán lá nấu canh, thuốc viên chiết xuất hoặc cây giống.

Có điều chùm ngây ở đây không thơm ngon như chùm ngây ở quê, dẫu được nấu với tôm, bò ngoại nhập. Cũng dễ hiểu, có thể do thổ nhưỡng hay chỉ vì thèm và nhớ cái dư vị ngọt ngào của quê nhà, của ký ức.  

Người sành ăn bảo chùm ngây chỉ “hạp” với tôm đất. Người thì ưng tô canh chùm ngây nấu với nạc dăm… Ấy là nói cái ăn ở thời đủ đầy, chứ cái đói dai dẳng, có vài lát thịt mỡ bé tẹo tao lên cho dậy mùi rồi đổ nước, sôi bùng thì vò chùm ngây thả vào thì đã là… sang.

Độ chục năm trước, cây chùm ngây ở góc sân bỗng dưng chết rụi, thân mục dần, ai cũng tiếc. Tiếc vì đã mất đi một món quà của thiên nhiên cho cái ăn, cho bóng mát và cho nhiều kỷ niệm đẹp.

Tiếc vì sự mất mát, trống trải nơi góc sân… Ngày cây “đổ bịnh”, người qua lại nói an ủi “bom đạn, bão lụt thế kia mà nó không hề hấn gì thì không dễ mà chết”.

Chuẩn bị cho bữa canh chùm ngây. Ảnh: TRI TRẦN

Thiệt, mùa sang mùa, từ nền đất tươi xốp nơi gốc cây chùm ngây đã mục nát lại nảy lên nhiều mầm xanh. Đó chẳng phải là điều kỳ diệu? Kỳ diệu hơn là sự sống hồi sinh sau thời gian dài tàn lụi.

Mầm sống ấy lần nữa chinh phục thời tiết khắt nghiệt, vẫn vững chải, kiên cường trước bao biến cố như người dân quê mình vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm