Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn: ‘Tôi thấy bực mình vì TP mình chậm quá...’

Người đang cất công làm cái chuyện lẽ ra Nhà nước phải làm là một ông bầu sân khấu tư nhân - bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDECAF. Ông đã làm thành công rất nhiều chương trình cho thiếu nhi như Nhà hát múa rối Nụ Cười suốt 20 năm, rối nước trong Đầm Sen và Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng hơn 10 năm, chương trình kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa 15 năm, nay là kịch lịch sử cho học sinh.

Mê nụ cười trẻ thơ đến… hết thuốc chữa

. Phóng viên: Vì sao ông lại chọn làm các chương trình sân khấu cho thiếu nhi, có phải vì không có ai làm nên ông nghĩ làm sẽ dễ thành công không?

+ Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tôi làm vì trách nhiệm và vì mê nữa. Cách đây hơn 30 năm, tôi ra Hà Nội xem được vở kịch thiếu nhi Hoàng tử học nghề của Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi rất thích. Sau đó chẳng thấy ai làm sân khấu thiếu nhi nên tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm. Làm sân khấu cho trẻ con là trách nhiệm của người nghệ sĩ, của người làm sân khấu trên khắp thế giới. Thế giới người ta rất quan trọng chuyện này bởi sân khấu là một phương tiện giáo dục, học tập, xây dựng nhân cách, thẩm mỹ cho trẻ con rất hiệu quả. Để cho các em tiếp xúc với loại hình sân khấu từ nhỏ còn là cách giúp các em có sự cảm thụ nghệ thuật đích thực một cách căn bản; là cách xây dựng một thế hệ khán giả có trình độ thẩm mỹ tốt trong tương lai, xây dựng lớp khán giả cho nghệ thuật đích thực. Tuy nhiên, sâu xa bên trong khi làm sân khấu thiếu nhi là vì tôi mê nhìn thấy nụ cười của trẻ thơ khi các em chăm chú theo dõi sân khấu. Lúc ấy ánh mắt, nụ cười của các em trong veo, biểu cảm tuyệt vời. Tôi mê một cách điên cuồng, hết thuốc chữa suốt 31 năm làm sân khấu thiếu nhi đến giờ rồi.

Vở Huyền thoại Thánh Gióng - một trong những vở kịch lịch sử dưới tay ông bầu Huỳnh Anh Tuấn rất được thiếu nhi yêu thích.

Làm cho Lê Lợi, Trần Bình Trọng… gần gũi

. Mục đích của ông khi làm kịch lịch sử để đưa vào trường học là gì, thưa ông? Đó có phải cũng là một cách kinh doanh không?

+ Như đã nói, tôi cho đây là trách nhiệm của xã hội, bao gồm cả mình. Tôi thấy rằng cho các em xem kịch lịch sử trong trường học là một phương pháp sư phạm ngoại khóa rất tốt. Các vở kịch sinh động, hấp dẫn, nhiều câu chuyện không có trong sách giáo khoa giúp các em yêu thích lịch sử, khác hẳn cách dạy lịch sử khô khan khiến học sinh sợ, chán học lịch sử như trước nay. Đây còn là cách định hướng, giáo dục nhân cách tốt cho các em bằng các tấm gương lịch sử. Trước sự xâm lấn của phim ảnh ngoại quốc, các làn sóng ngoại lai, chương trình giải trí vô bổ, độc hại thì xem những vở kịch lịch sử các em có thể biết nhiều hơn lịch sử của ông cha, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc ở các em, đưa các em lại gần loại hình nghệ thuật-giải trí lành mạnh, có giá trị chân - thiện - mỹ. Với việc làm kịch lịch sử này, kinh doanh với tôi chỉ là phụ.

. Vấn đề làm sao để kịch hấp dẫn và làm sao giữ được đúng câu chuyện, tính cách nhân vật lịch sử được ông và các cộng sự giải quyết thế nào?

+ Chúng tôi bám sát những sự kiện và tính chất tiêu biểu của mỗi nhân vật lịch sử như Lê Lợi thì kiên nhẫn với 10 năm gian khổ trong núi rừng Lam Sơn; Trưng Nữ Vương thì vì nghĩa quên thân; Thánh Gióng thì tấm lòng chống giặc cứu nước sục sôi, ba năm không nói, vừa nghe lời rao cầu người chống giặc bèn bật dậy ngay; Trần Bình Trọng bất khuất với tinh thần “thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”… Tuy nhiên, chúng tôi xây dựng bất cứ người anh hùng nào trước nhất cũng phải là một đứa trẻ ngoan biết vâng lời cha mẹ, yêu thương quan tâm những người xung quanh, đoàn kết với bạn bè, người thân, tài giỏi khi học hành, làm việc từ nhỏ và luôn yêu quê hương đất nước. Xây dựng nhân vật như thế các em sẽ cảm thấy gần gũi, thích thú lại mang tính giáo dục cao.

Làm sẵn hết nhưng chưa được quan tâm

. Đến nay dự án đưa kịch lịch sử vào trường học của ông đã làm được những gì?

+ Chúng tôi đã diễn được khoảng 80 suất tại 60 trường học ở TP.HCM với hơn 80.000 học sinh đến xem ba vở Thánh Gióng, Trần Quốc Toản ra quân, Sơn Tinh Thủy Tinh. Hiện chúng tôi vừa hoàn thành thêm hai vở mới là Đinh Bộ LĩnhTrưng Nữ Vương để tiếp tục đi diễn. Tôi cũng đang làm việc với Thành ủy Đà Nẵng để đưa dự án này ra đấy. Sau Đà Nẵng sẽ là các tỉnh, thành khác như Nha Trang, Vũng Tàu…

. Ông nghĩ gì khi ông đang làm cái công việc mà lẽ ra các cơ quan có chức năng phải làm?

+ Tôi thấy bực mình, chứ không phải bực tức, vì TP mình làm kịch lịch sử cho thiếu nhi chậm quá trong khi đây là một việc thiết thực phải làm, cần làm, nên làm. Tôi đã làm việc với các cơ quan có chức năng ở TP một số lần về việc đưa kịch lịch sử vào trường học. Theo tôi biết, chủ trương của Thành ủy cũng đã có nhưng việc triển khai, thực hiện của các sở, ngành liên quan chậm quá. Đáng lẽ việc này Nhà nước phải làm, đằng này mình làm sẵn hết các cơ quan nhà nước lại chẳng mấy quan tâm. Toàn là tôi tự đến các trường học tự liên hệ để diễn cho các em xem. May mắn và rất cảm ơn là ban giám hiệu các trường tôi đến đều rất ủng hộ, quan tâm nhiệt tình đến dự án này, còn các em thì rất hào hứng. Riêng Đà Nẵng thì lãnh đạo rất quan tâm đến dự án. Đà Nẵng đang tính chuyện sẽ xuất ngân sách tài trợ 100% cho 131.000 học sinh cấp I, cấp II của mình mỗi năm xem hai vở kịch lịch sử với giá 10.000 đồng/em/vở. Nếu làm được việc cực kỳ tốt đẹp này Đà Nẵng cũng chỉ mất khoảng 2,6 tỉ đồng mỗi năm cho toàn dự án mà kết quả thu được lại vô cùng to lớn. So lại TP.HCM, tôi rất buồn vì sự thờ ơ của những người có trách nhiệm trong khi TP mình là một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn nhất nhì đất nước.

. Xin cám ơn ông.

Bền bỉ hành động cho nghệ thuật dân tộc

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn là người Sài Gòn. Ông tốt nghiệp ngành sư phạm, khoa toán nhưng không trở thành một thầy giáo mà trở thành một thầy tổng phụ trách đội rất được các em thiếu nhi yêu quý. Sau đó ông Tuấn về công tác ở Nhà Thiếu nhi quận 1, TP.HCM và thành lập nên Đội rối Nụ Cười, hiện phát triển thành Nhà hát múa rối Nụ Cười. Năm 1997, ông thành lập Kịch IDECAF là sân khấu kịch tư nhân đầu tiên của cả nước. Năm 2000, ông xây dựng chương trình sân khấu thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa. Năm 2007, ông lập Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng. Năm 2012, ông lập tiếp Nhà hát dân tộc Nón Lá. Dự án đưa kịch lịch sử vào trường học được ông kiên trì triển khai hơn ba năm qua mới phát triển được như hôm nay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.