Phim tết Giáp Ngọ, hài vẫn chiếm lĩnh

So với hai mùa tết qua thì tết năm nay phim Việt nhiều hơn về số lượng, thế nhưng nhìn lại năm bộ phim Việt công chiếu tết này chỉ duy nhất Cuộc chiến với chằn tinh (29-1) là phim thần thoại có yếu tố hành động, còn lại là bốn phim hài: Cô dâu đại chiến 2 (17-1), Hai Lúa (17-1), Năm sau con lại về (18-1) và Cưới chạy (24-1).

Tranh nhau độc quyền danh hài

Như nhiều năm trước, phim mùa tết vẫn dựa trên công thức “diễn viên hài hoặc đẹp + kịch bản hài + nội dung đơn giản = hốt bạc”. Nhìn lại năm ngoái, lượng phim ra rạp bốn phim, tổng doanh thu mùa phim tết cũng chỉ trên dưới 120 tỉ đồng. Nhưng trong 120 tỉ đó thì Mỹ nhân kếNhà có năm nàng tiên đã hốt hơn 100 tỉ đồng bởi hai bộ phim này áp dụng triệt để công thức trên. Thứ nhất là Mỹ nhân kế với những mỹ nữ đẹp, khoe hình thể như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Diễm My, Ngọc Quyên… bất kể nội dung lỗ chỗ chẳng đâu vào đâu, phim vẫn thu về hơn 55 tỉ đồng. Đứng sau Mỹ nhân kếNhà có năm nàng tiên khi phim này độc quyền được danh hài Hoài Linh, danh hài Việt Hương… để đạt doanh thu hơn 51 tỉ đồng.

Cô dâu đại chiến 2 được dự đoán sẽ có doanh thu khủng trong mùa phim tết này. (Ảnh do Galaxy cung cấp)

Hiểu được sự quan trọng khi nắm trong tay át chủ bài là danh hài từ phim Nhà có năm nàng tiên, năm nay các phim tết tranh nhau danh hài. Êkíp sản xuất Nhà có năm nàng tiên năm ngoái năm nay đã tan đàn xẻ nghé thành hai phim: Năm sau con lại vềHai Lúa. Nếu Năm sau con lại về độc quyền Hoài Linh thì Hai Lúa lại có những gương mặt trẻ đang thu hút khán giả trong suốt năm qua như diễn viên Trấn Thành, ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi, nghệ sĩ hài Thúy Nga, diễn viên Don Nguyễn. Phim Cưới chạy lại công bố độc quyền danh hài Việt Hương và trong phim còn có diễn viên hài Chí Tài, Hoàng Mập…

Ngoài phần diễn viên thì câu chuyện của những phim hài năm nay cũng khác nhau. Thế nhưng nội dung không quá khó đoán bởi hầu hết phim tết nội dung đã nằm ở tựa phim. Như Năm sau con lại về là những tréo ngoe của một cặp vợ chồng già dàn cảnh để đón cô con dâu độc đáo mà con trai đón về sau những năm du học. Ngoài những tình huống gây cười thì phim còn lồng một phân đoạn Dương Quá và Tiểu Long Nữ như trong truyện Thần điêu đại hiệp (Kim Dung) do danh hài Hoài Linh và Thanh Trúc đóng hứa hẹn đưa đến những pha cười sảng khoái cho khán giả khi xem phim. Hay Hai Lúa là bộ phim kể câu chuyện Hai Lúa đi lạc. Lạc từ vùng sông nước, đồi núi đến tận thắng cảnh nổi tiếng thế giới Angkor Wat của Campuchia. Và Cưới chạy hiển nhiên sẽ nói đến những vấn đề yêu thuê, cưới thuê, những cắt cớ trong tập quán từng vùng miền…

Mỹ nữ và chằn tinh

Đối trọng với những phim quy tụ danh hài trên là phim Cô dâu đại chiến 2 khi tập hợp một dàn mỹ nữ: Vân Trang, Lê Khánh, Lan Phương, Yu Dương, Maya… Kiểu phim của Cô dâu đại chiến 2 hút khách không phải bằng danh hài mà bằng những tình huống hài trong tình yêu giữa những mỹ nam - mỹ nữ và phần hóa trang của các diễn viên.. Câu chuyện Cô dâu đại chiến 2 khai thác là những mối quan hệ tình cảm, cuộc chiến chinh phục lẫn nhau giữa đàn ông và đàn bà cùng những cái kết không rõ ràng.

Món lạ trong bữa tiệc phim tết năm nay chính là bộ phim Cuộc chiến với chằn tinh. Bộ phim này hoàn toàn không theo công thức mùa phim tết mà là bộ phim được xây dựng dựa theo truyện cổ tích dân gian Việt Nam - Thạch Sanh. Cuộc chiến với chằn tinh cũng có số phận khá long đong khi mất hơn ba năm từ ngày thực hiện phim mới được ra rạp và phim chưa vào giai đoạn hậu kỳ thì đạo diễn và cũng là người viết kịch bản cho phim (đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu) qua đời. Với tâm huyết mong muốn thực hiện một bộ phim hoàn toàn “made in Vietnam” nên toàn bộ khâu vẽ kỹ xảo 3D đều được thực hiện tại Việt Nam và do các kỹ thuật người Việt thực hiện.

Hầu như với các khán giả trẻ thì hai bộ phim Cô dâu đại chiến 2Năm sau con lại về sẽ là hai phim cạnh tranh nhau như trường hợp Mỹ nhân kếNhà có năm nàng tiên năm ngoái. Nhưng với khán giả nhỏ tuổi và những buổi xem phim cả gia đình thì Cuộc chiến với chằn tinh có lẽ là lựa chọn an toàn hơn cả khi bộ phim có thể giúp các em nhỏ tưởng tượng nhiều hơn nữa từ một truyện cổ tích vốn đã rất quen thuộc.

QUỲNH TRANG

Nhiều phim hài chiếu kỹ thuật số

Ngoài năm phim được phát hành ở các hệ thống rạp chiếu hiện đại trên, ở nhiều địa phương đặc biệt ở các tỉnh, thành phía Bắc vẫn còn hệ thống rạp chiếu sử dụng máy chiếu kỹ thuật số với hơn 50 rạp. Chính vì thế, nhiều nhà sản xuất đã đầu tư phim hài mùa tết để chiếu cho những rạp này; đáng chú ý trong đó là hai phim: Cổ tích thời @ và Chôn nhời.

Cổ tích thời @ đại diện cho hài miền Nam với sự tham gia của các cây hài như Công Lý, Nhật Cường, Jimmy Khánh, Văn Toản, Hồ Liên, Thanh Nhàn, nữ diễn viên Lan Phương… Kịch bản phim xuất phát từ chính thực tế cuộc sống với tiếng cười sắc bén, nhân văn khắc họa lại các câu chuyện nổi cộm trong năm vừa qua mà điển hình là những sự kiện của giới showbiz.

Phim hài Chôn nhời lại là đặc sản hài miền Bắc với sự tham gia của các danh hài đất Bắc: Quang Thắng, NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Quốc Anh, NSƯT Kim Oanh, Thành Trung, Hán Văn Tình... Câu chuyện của Chôn nhời xoay quanh vợ chồng người bán thịt chó ở đầu làng xu nịnh quan huyện để cuối năm được cất nhắc làm quan. Chất liệu của phim được lấy từ những câu chuyện thời sự xảy ra trong năm 2013 và được thể hiện dưới hình thức dân gian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm