Phim Việt “lột xác” nhờ kỹ xảo

Với phim Việt ra rạp hiện nay, khán giả đòi hỏi cao hơn. Ngoài câu chuyện kể có hợp lý, hấp dẫn… hay không còn là kỹ xảo, âm thanh, phục trang… có làm đã mắt, đã tai người xem như thế nào.

Việc dùng kỹ xảo trong phim Cô gái đến từ hôm qua đã bồi đắp thêm tưởng tượng cho người xem. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Dấu ấn Thiên mệnh anh hùng

Cách đây năm năm, bộ phim Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ ra rạp đã làm khán giả hy vọng xa hơn về dòng phim võ hiệp cổ trang Việt Nam. Bởi võ hiệp cổ trang vốn là sở đoản của điện ảnh Việt từ trước đến nay. Đạo diễn nào đụng đến làm phim thể loại này y như phim cầm chắc lỗ.

Và dưới bàn tay Victor Vũ thời đó, cuộc truy tìm bức huyết thư trong câu chuyện Thiên mệnh anh hùng đã đưa được những hình ảnh đẹp của võ thuật và phong cảnh Việt Nam lên màn ảnh. Đó là một trong những bộ phim đầu tiên với hình ảnh đẹp như mơ từ flycam, quay tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) khiến sau khi bộ phim đóng máy, Ninh Bình càng trở thành điểm đến của du khách. Chính thành công bước đầu trong Thiên mệnh anh hùng với một số kỹ xảo như quay hành động trong studio, xóa dây và ghép vào cảnh thật; cảnh mưa rơi kỹ xảo khi tập võ; con kỳ lân hiện ra từ tượng đá… rất mượt trên màn ảnh đã giúp tên tuổi của nhóm Vinamation được biết đến nhiều hơn.

Sau Thiên mệnh anh hùng, rất nhiều cảnh kỹ xảo trong các phim Tốc độ và đường cong, Cô dâu đại chiến, Hiệp sĩ mù, Siêu nhân X… được các nhà sản xuất và đạo diễn chọn Vinamation để thực hiện. Khán giả được xem những cảnh như xe đua bốc cháy dữ dội, cả garage bị thiêu hủy… đều do nhóm kỹ xảo này thực hiện.

Một Tấm Cám thuần Việt

Cùng với Vinamation, năm ngoái bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, một bộ phim với các cảnh 3D hoàn toàn 100% do êkíp Việt Nam thực hiện đã làm khán giả mãn nhãn. Êkíp Cyclo Animation đã thực hiện thuần thục công nghệ CGI (Computer Generated Imagery - công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) để tạo nên các cảnh kỹ xảo như thật, xem phim chân thực. Cái khó nhất trong phim Tấm Cám ở phần xử lý làm sao để các con quái vật trong phim vừa không giống các con quái vật từng xuất hiện trên các màn ảnh để bị so sánh và hơn cả, chuyển động của quái vật phải thật nhuần nhuyễn. Chưa kể đến các cảnh kỹ xảo trong phim từ triều đình, làng Tấm, cảnh biến hóa, thác nước... “Quả thật bộ phim này là một thử thách lớn với cả nhóm. Nhưng quan trọng nhất, chính đạo diễn phải là người hiểu biết nhất định về kỹ xảo để tránh mỗi bên đều giữ góc nhìn của mình” - chị Lâm Thảo Tranh, đại diện nhóm Cyclo Animation phụ trách kỹ xảo 3D cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể, chia sẻ.

Ngay khi chọn thực hiện nhiều kỹ xảo, bản thân đạo diễn Ngô Thanh Vân của phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng gặp nhiều áp lực. “Không chỉ kinh phí mà từ sản xuất đến chọn bối cảnh cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể có thể nói là bước thử nghiệm để đẩy xa hơn làm phim với công nghệ 3D. Các diễn viên diễn xuất trong phim bị thách thức bởi những cảnh với quái vật là hoàn toàn diễn trong tưởng tượng, quá trình dựng phim mới đưa hình ảnh quái vật 3D vào”.

Sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể, rất nhiều phim Việt ứng dụng kỹ xảo thuần thục làm thỏa mãn cả phần nghe lẫn nhìn của khán giả. Gần nhất là những kỹ xảo trong phim Cô gái đến từ hôm qua đã giúp bộ phim này tạo được những cảnh trong tưởng tượng của nhân vật hấp dẫn hơn.

Bởi hiện tại, khán giả Việt ra rạp không còn quá khờ dại để xem những bộ phim “lơ ngơ” về hình ảnh và âm thanh. Ngay cả phim truyền hình hiện tại cũng đã có nhiều hãng sản xuất đầu tư không thua gì phim điện ảnh. Thế nên một bộ phim ra rạp kỹ xảo ngô nghê ngay lập tức khán giả sẽ phì cười. Đã lâu rồi khán giả ra rạp xem phim Việt không còn cảnh khen kiểu “lửa cháy trong phim như thật”, “đánh như phim Hong Kong”… mà những ngón đánh, phục trang, màu sắc… đã đâu vào đó trong phim Việt. Âu đó cũng là niềm vui.

 

Trình độ làm hậu kỳ ngang hàng khu vực

Nếu trước đây phim điện ảnh Việt thường sử dụng máy quay cho tốc độ khung hình chuẩn là 24 hình/giây thì ngày nay con số đó lên đến hàng trăm, hàng ngàn hình/giây. Riêng về mặt kỹ xảo, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là CGI, các êkíp Việt còn tham gia trong nhiều dự án phim nước ngoài. Song song với đó, đội ngũ nhân sự, đặc biệt ở khâu hậu kỳ cũng có trình độ rất cao. Khâu hậu kỳ của hầu hết phim điện ảnh đều có thể thực hiện tại Việt Nam mà không cần phải qua các nước bạn, điển hình là Thái Lan như trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.