Phim ‘xác’ Tây, ‘hồn’ ta được mùa

Sự đổ bộ của những phim nước ngoài được Việt hóa đã mang đến sự phong phú, những món ăn lạ cho đời sống phim Việt Nam.

Thách thức lớn cho các nhà làm phim

Thường thì những bộ phim được Việt hóa đã nổi tiếng trước đó, nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả quốc tế mới được giới làm phim các nước chú ý để mua lại kịch bản về sản xuất. Đây vừa là lợi thế nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho các nhà làm phim.

Theo đạo diễn Hoàng Minh Phi, ngay cả ở Mỹ họ cũng thường xuyên săn lùng chuyển hóa kịch bản phim của nước ngoài, thường là những bộ phim gần gũi với số đông. Và ở thị trường phim trong nước cũng vậy, xu hướng này giúp các nhà sản xuất phim dễ dàng chạy theo nhu cầu của nhóm khán giả đang hướng đến.

Hàng chục bộ phim đã được Việt hóa và phát sóng như Hãng phim Gia Đình Việt với Mùi ngò gai (kịch bản Hàn Quốc), Hãng phim Việt với Người mẹ nhí (kịch bản Tây Ban Nha), Nhật ký Vàng Anh (Bồ Đào Nha), M&T Picture với Hoa dã quỳ (Hàn Quốc)... Tháng 12 này, Bạn gái tôi là sếp của đạo diễn Hàm Trần được Việt hóa từ phim ATM Errak Error của Thái Lan ra mắt khán giả. Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng công bố Việt hóa bộ phim ăn khách Sắc đẹp ngàn cân (200 pounds beauty) của Hàn Quốc. Mới đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng chia sẻ năm 2017 anh sẽ đảm nhận đạo diễn một bộ phim làm lại từ phim Hàn, do Tập đoàn CJ sản xuất.

Phim Việt hóa Bạn gái tôi là sếp của đạo diễn Hàm Trần dự kiến công chiếu từ ngày  23-12, đang được kỳ vọng sẽ là bộ phim tình cảm hài được trông đợi nhất năm 2016.

Bên cạnh việc tăng trưởng mạnh với số lượng phim ra rạp không ngừng tăng lên qua mỗi năm, các đài truyền hình hiện cũng có thể cần tới cả ngàn tập phim để phát vào những giờ vàng mỗi năm. Kịch bản hẳn không thiếu nhưng không phải kịch bản nào viết ra cũng đạt chất lượng để các nhà sản xuất thực hiện. Và dù chưa hẳn phim của họ có gì sáng tạo  nhưng có sức hút, có nhiều chuyện để xem hơn giống như một giải pháp an toàn để phim có khán giả.

Bởi vậy, thật khó có lý do gì để từ chối một kịch bản phim gốc của nước ngoài vừa hài hước, có tính giải trí lại vừa cảm động, sâu sắc, nhân văn lại được khán giả ưa chuộng nồng nhiệt ở nước sở tại. Vì sự đón nhận đó đã là cơ sở để đảm bảo về chất lượng kịch bản cho nhà sản xuất thay vì chạy theo những kịch bản phim mới của tác giả trẻ viết hời hợt và nghèo nàn ý tưởng.

Phải chạm được trái tim khán giả Việt

Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, người làm bộ phim Em là bà nội của anh, chia sẻ phim gốc Miss Granny đã có một sườn kịch bản tốt và chặt chẽ, công việc chuyển thể của anh khi đó dễ dàng hơn, anh không cố gắng sáng tạo, bày vẽ thêm gì. Rủi ro duy nhất có thể xảy ra với anh khi đó là phim không tạo được hiệu ứng nhiều như phim gốc, bởi bản phim gốc làm rất xuất sắc. Để tránh điều ấy xảy ra, cần làm một phim gần gũi với người Việt Nam nhất. Bộ phim đó cần thật thà nhất có thể với chính cảm xúc cá nhân của đạo diễn. Việc giữ lại được cấu trúc và làm bộ phim khá gần với phiên bản gốc khi đó là một quyết định không dễ dàng, bởi áp lực khi nhìn vào khán giả và đặc biệt là giới phê bình phim rất thích đòi hỏi phim phải sáng tạo, phải mới, phải khác. Quyết định của anh khi đó là không phải đi làm vừa lòng giới phê bình, không phải chứng tỏ tài năng là một đạo diễn có sự sáng tạo mà quan trọng nhất khi làm mới bộ phim là phải làm sao chạm được trái tim của khán giả.

Nhiều đạo diễn cũng đánh giá cao cách làm này, vì cho rằng có thể giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản phim chất lượng cho các nhà sản xuất và đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Vì ưu điểm của kịch bản được Việt hóa thường giúp nâng cao được tính hấp dẫn và giải trí nhờ lời thoại hóm hỉnh, cách thức giải quyết mâu thuẫn sinh động, tạo được những nút thắt khiến khán giả muốn theo dõi.

Theo chia sẻ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhiều phim Việt hóa gần đây xem được và khán giả cũng thích như phim Em là bà nội của anh. Trên thế giới, những tác phẩm điện ảnh hay cũng được chuyển thể qua nhiều nước. Ví dụ như Chiến tranh và hòa bình, không chỉ Liên Xô mà cả Mỹ cũng sản xuất. Như vậy điện ảnh rất cần sự quảng bá rộng, miễn có doanh thu, có người xem và có lợi cho các nhà làm phim, các nhà đầu tư... và đương nhiên, không phạm luật.

Nhà biên kịch NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam:

Có lợi thì cứ làm, miễn không phạm luật

Hiện một năm Việt Nam chiếu khoảng 200 phim nước ngoài, trong khi đó phim Việt chỉ được mấy chục phim. Nhà nước hiện cũng chưa tập trung đầu tư kinh phí cho việc sản xuất phim. Việc các nhà sản xuất phim, các công ty tư nhân đưa phim nước ngoài vào Việt Nam theo cách như vậy là chuyện bình thường. Có cung thì có cầu. Giống như kinh doanh, họ thấy có lợi thì họ làm, miễn là việc đó không vi phạm pháp luật hay vi phạm các luật của điện ảnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm