Phố ông đồ Sài Gòn bị đổi “sắc”

Con phố này xuất hiện đầu tiên nhờ sự khai phá của nhà thư pháp Bùi Hiến. Với chất nghệ sĩ rong chơi, nhà thư pháp bày một manh chiếu với giấy bút, mực tàu ra vỉa hè để bán chữ - cũng là chỗ để anh em văn nghệ sĩ chân đất ghé chơi, đàn hát nghêu ngao cùng nhau.

Khách thấy hay, lạ ghé đến ngày càng đông. Vậy là chẳng bao lâu, kế bên chiếu của Bùi Hiến nhanh chóng có thêm nhiều chiếu thư pháp khác, trong đó có khá đông giới sinh viên mỹ thuật, văn chương, nhà thơ trẻ có khả năng viết thư pháp bày hàng… Thành lệ, mỗi năm con phố mỗi đông vui, được người Sài Gòn biết tiếng.

Phố ông đồ Sài Gòn bị đổi “sắc” ảnh 1

“Phố ông đồ” đã trở thành nơi bán thư pháp công nghiệp đóng khung, lộng kiếng sẵn như trong cửa hàng, cửa hiệu chuyên nghiệp. Ảnh: HÒA BÌNH

Năm nay, chưa đến 22 tết con phố này đã bị những người buôn bán chuyên nghiệp… “chiếm đóng”. Những chiếc chiếu thư pháp viết tay bị đẩy lùi nhường chỗ thư pháp công nghiệp được đóng khung, lộng kiếng sẵn và cả tranh như cách người ta vẫn bán trong các cửa hàng, cửa hiệu sang trọng, chuyên nghiệp. Đến 23 tết, Bùi Hiến thành người đến trễ, chiếc chiếu thư pháp của anh trở nên lạc lõng bởi con phố đã bị đổi sắc.

Riêng với những người Sài Gòn vốn yêu mến nét tài tử, dân dã và cả sự tao nhã của thú chơi thư pháp viết tay ngày xuân, tết này đi ngang con phố tự dưng buồn. Tiếc lắm một nét văn hóa mang phong vị xưa hiếm hoi mới có được ở Sài Gòn đang bị làm mất đi...

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm