"Rừng đá" lớn nhất thế giới

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vinh dự còn là trách nhiệm bảo vệ vùng di sản và những nét văn hóa độc đáo được hình thành từ chính cuộc sống khắc nghiệt trên đá.

"Rừng đá" Đồng Văn

Không cần phải dùng bất cứ lời hoa mỹ nào để nói về sự hùng vĩ, rợn ngợp của cao nguyên đá Hà Giang. Khi đặt chân đến đây, đâu đâu cũng thấy điệp trùng những mỏm đá tai mèo xám lạnh. Cao nguyên đá trải dài ở 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang gồm Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn với tổng diện tích 574 km2, ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển.

"Rừng đá" lớn nhất thế giới ảnh 1

Một góc Cao nguyên đá Đồng Văn

Theo khảo sát của các nhà khoa học, cao nguyên Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, với 11 hệ tầng, trong đó có loại trầm tích cổ nhất có niên đại từ 600 - 400 triệu năm. Bên cạnh đó, cao nguyên đá còn đa dạng về thạch địa tầng, loại hình khoáng sản và đa dạng cổ sinh học với hàng nghìn loại của 120 giống thuộc 17 nhóm sinh vật.

Theo TS Trần Tân Văn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cao nguyên đá Đồng Văn có mặt các trầm tích từ kỷ đá vôi có niên đại cách đây hàng trăm triệu năm. Ở khu vực này hội tụ hơn 20 cảnh quan, không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, mà còn có giá trị làm giàu cảnh quan như: Vườn hoa đá Khau Vai, vườn thú đá Lũng Pù, bãi hải cẩu Vân Chải, hoang mạc đá Sảng Tủng...

Thật không ngoa khi nói rằng, đá đã tạo cho nơi đây một cảnh quan kỳ thú. Nhiều khúc sông, đoạn suối đột ngột hiện ra từ vách đá rồi lại bất ngờ mất hút một cách bí ẩn trong hang và trở thành dòng chảy ngầm trong lòng đất. Len lỏi vào các ngõ ngách trên cao nguyên đá, điều đặc biệt ấn tượng với du khách là mỗi khối đá có hình dạng khác nhau, tạo thành kiệt tác của thiên nhiên.

Theo đánh giá của GS Michile Dusar, Sở Địa chất (Vương quốc Bỉ), Hà Giang được xác nhận là một trong những vùng văn hóa sớm nhất của Việt Nam. Quần thể thiên nhiên và điều kiện lịch sử đã kiến tạo thành 3 tiểu vùng văn hóa đặc sắc ở nơi đây, đó là văn hóa vùng núi cao nguyên đá, văn hóa vùng núi đất cao và văn hóa vùng núi đất thấp.

Nét văn hóa hình thành từ đá

Với mênh mông, bạt ngàn rừng đá, không khó hiểu khi cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở cao nguyên Đồng Văn luôn gắn liền với đá. Bà con bật đá trồng ngô, làm chuồng chăn nuôi gia súc bên những vách đá cheo leo; đá dùng để làm tường, làm hàng rào, tạo cho những ngôi nhà nơi đây một nét kiến trúc độc đáo.

Mùa xuân, bên cạnh sắc màu xám lạnh của đá là rực rỡ cánh hoa đào và trắng tinh hoa mận; bên bờ rào đá, tiếng khèn môi của chàng trai người Mông da diết, réo rắt vẫy gọi bạn tình. Vì vậy, việc hình thành công viên địa chất toàn cầu không thể bỏ qua những yếu tố văn hóa cấu thành nét riêng có của một vùng đất cổ.

Từ trên đá, bao đời nay, đồng bào các dân tộc luôn đau đáu, kiếm tìm cho mình một cuộc mưu sinh. Sự vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng không kém phần bền bỉ, quật cường của đồng bào đã trở thành đề tài khám phá vô tận. Hình ảnh những người phụ nữ Mông, những đứa trẻ vùng cao nguyên đá với đôi mắt trong veo, ngơ ngác đã được ghi lại, được tái hiện qua nhiều chất liệu.

Nhưng dù ở góc độ nào thì đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá cũng hiện lên với vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, cuộc sống tuy còn bao gian khó nhưng vẫn không thiếu vắng tiếng cười, không thể thiếu vắng phút giây lãng mạn của cô thiếu nữ bên thảm hoa cải vàng rực giữa mùa đông se sắt; phút thẹn thùng, giấu mặt sau lưng áo bạn khi nghe tiếng khèn môi như đang hướng đến mình. Tất cả những điều bình dị đó, không phải nơi nào cũng lưu giữ được. Phải chăng, cao nguyên đá luôn níu bước chân người từ chính những điều rất đỗi bình dị ấy?

Và cũng từ cuộc sống gắn bó với đá mà rất nhiều phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của các dân tộc được hình thành. Những ngôi nhà trình tường với hàng rào đá thơ mộng, những nương đá quanh nhà, “chợ tình” Khau Vai và các sản vật đặc trưng tuy phải “mọc” lên từ kẽ đá nhưng vẫn thấm đượm vẻ ngọt ngào như mật ong, thảo quả, rượu ngô...

Đặc biệt hơn, chính từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã hình thành một lối canh tác độc đáo. Mùa vụ ở đây có khi tính bằng năm, đến cái lưỡi cày cũng có thiết kế khác biệt để có thể len lỏi giữa từng khe đá, xới tung chút đất ít ỏi để gieo mầm xanh trên đất. Và chính trong hoàn cảnh ấy, vẻ đẹp của ý chí, của sức sáng tạo hun đúc trong con người nơi đây mới hiện lên rõ nét. Cùng với những lớp đá, rừng đá điệp trùng, sức vươn của con người, của cỏ cây hoa lá cũng xứng đáng là bài thơ đầy thi vị.

Tuy nhiên, được công nhận là công viên địa chất toàn cầu đã khó, việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể lại là chặng đường gian nan. Theo ông Dusar, chính tập quán lấy đá làm nhà, làm tường rào vô hình chung có thể phá vỡ rừng đá, vì vậy, trở thành công viên địa chất chính là cách tốt nhất để bảo tồn những giá trị trên vùng cao nguyên này.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ và nhân dân ở các thôn, bản trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường trên cao nguyên đá; đồng thời có biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân ở đây đang khai thác đá bừa bãi để làm vật liệu xây dựng và đập phá nhũ đá để rào tường nhà và rào nương rẫy.

Cao nguyên đá Đồng Văn đang đứng trước cơ hội lớn, cơ hội để một vùng đất vốn đã nên thơ nên họa được cả thế giới biết đến với những giá trị văn hóa độc đáo. Điều cần làm bây giờ là địa phương và các ngành chức năng cần có kế hoạch bảo vệ cụ thể, để những nét đẹp văn hóa từ cảnh sắc, con người ấy sẽ không bị cuộc sống hiện đại làm cho biến mất. Để mỗi khi nhắc đến cao nguyên đá là người ta nghĩ ngay đến những rừng đá rợn ngợp, đến một vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ được tạo nên bởi chính những con người biết vươn lên từ đá.

Theo ĐĂNG NGUYÊN (Agroviet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm