Sẽ có một Saigon Bigband

.PV: Tại sao anh muốn thành lập Saigon Bigband khi mà chính club Sax n’Art của anh lẫn các chương trình jazz nước ngoài biểu diễn ở Việt Nam vốn đã ít người nghe?

+ Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn: Thành lập một nhóm big band là rất khó nhưng dù gì chúng ta cũng phải bắt đầu, bởi nếu không thì không biết bao giờ. Cứ bắt đầu với những kế hoạch ngắn trước mắt. Tất cả sự thành công chỉ mang tính ước lệ mà thôi.

Tôi và các thành viên đều phải kiếm sống nhưng tất cả chúng tôi là nghệ sĩ, phải biết khai thác chữ “sĩ” ấy làm sao, phải có điều gì đó để giới thiệu với công chúng, phải làm gì để chính chúng ta thấy hạnh phúc, sau đó cho mọi người cùng hạnh phúc.

. Hiện nay liệu có đủ điều kiện để lập nhóm big band?

+ Hiện nay đã hội đủ mọi điều kiện; đó là uy tín của cá nhân tôi, các đồng nghiệp ủng hộ, khả năng tài chính tương đối, bạn bè cũng hỗ trợ... Lập một nhóm 3-4 người thành đã khó, đây là nhóm mà cái gì cũng 20: từ bộ đồng phục, cái nơ, giá nhạc, đèn..., tác phẩm phải mua bản quyền từ Mỹ... Nhưng điều quan trọng nhất là sự hứng khởi và sự tập trung của những thành viên. Minh chứng rõ nhất là trong mấy tháng tập luyện vừa qua các nghệ sĩ đều tham gia bằng tinh thần mà hoàn toàn không đòi hỏi chi phí. Các nghệ sĩ hoàn toàn không vị lợi mà làm vì mê jazz, điều này làm cả nhóm rất hạnh phúc và tôi cảm thấy vui vì mình đủ uy tín để anh em tin tưởng, giao phó.

Sẽ có một Saigon Bigband ảnh 1

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn (trái) trong một buổi tập với khoảng một nửa thành viên nhóm Saigon Bigband. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

. Ngay tại Mỹ và Anh, big band jazz thịnh hành vào những năm 1930-1940, còn từ những năm 1950 đến nay thì không mạnh lắm, tại sao anh vẫn chọn big band?

+ Hiện nay trên thế giới, bên cạnh dàn nhạc giao hưởng, không có thành phố lớn nào lại không có một dàn big band. Vậy mà một TP Sài Gòn gần chục triệu người lại không có một nhóm big band. Chúng tôi làm nên Saigon Big Band chỉ để trả lời cho câu hỏi đó.

Tập họp cả nhạc sĩ nước ngoài

. Ở Sài Gòn kiếm người chơi được jazz đã khó, làm sao anh kiếm được đến 20 thành viên để chơi jazz big band?

+ Đúng là rất khó kiếm nhạc công chơi nhạc jazz. Bởi người nhạc công nhạc jazz cần nhiều kỹ năng tổng hợp và nhất là tính ngẫu hứng. Tuy nhiên, trong một ban nhạc big band, tính ngẫu hứng không đòi hỏi nhiều nhưng lại đòi hỏi trình độ hòa tấu với dàn nhạc nhiều người. Một cái khó nữa là các bạn chơi nhạc ở Sài Gòn vẫn chưa có nhiều điều kiện để tiếp xúc với loại hình này. Vì thế để chọn ra được đủ thành viên Saigon Big Band mất nhiều thời gian.

Hiện tại, thành viên của nhóm đều là những nghệ sĩ có khả năng nhưng chưa có kinh nghiệm với big band nên cần nhiều thời gian để làm việc. Họ đều là những giảng viên, sinh viên giỏi của Nhạc viện TP.HCM, một số nghệ sĩ tốt nghiệp nhạc viện đang công tác tại các đoàn nhạc. Trong đó có hai nghệ sĩ nước ngoài, một người Anh (guitar) và một Hàn Quốc (alto saxophone) đang dạy nhạc tại các trường quốc tế trên địa bàn thành phố.

. Muốn chơi đúng tinh thần jazz big band thì phải có những hoạt động mang tính cộng đồng như diễu hành, biểu diễn ngoài trời... Saigon Big Band sẽ làm điều này như thế nào?

+ Kinh phí cho một buổi diễn như buổi ra mắt nhóm tại Nhà hát TP.HCM vào tối 17-1 sắp tới là quá lớn. Tôi rất mong có một khán phòng nào đó để mỗi tháng một lần giới thiệu loại hình big band.

May mắn nhóm đã được Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh và Nhà hát TP.HCM mời bàn thảo hoạt động 2013. Trong đó có phần biểu diễn của Saigon Bigband trong các chương trình Không gian âm nhạc ngoài trời vào Chủ nhật hằng tuần trước sảnh Nhà hát TP.HCM.

Tôi cũng dự định sẽ có những buổi nói chuyện, biểu diễn tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ở đó ngoài nghe nhạc, các bạn trẻ có thể trao đổi những gì liên quan đến nhạc jazz, big band, nhạc cụ... Tôi thích biểu diễn ở Nhà văn hóa Thanh niên bởi đó là nơi có thể tổ chức với kinh phí nhỏ, phù hợp các bạn sinh viên, một đối tượng khán giả dễ tiếp nhận những điều mới, sáng tạo nhất...

Phổ cập cái mới cho công chúng

. Khi anh chọn một loại hình âm nhạc dành cho số đông, liệu anh có đang bình dân hóa chính mình, trong khi Trần Mạnh Tuấn xưa là “không hạ thấp mình xuống để gần gũi với khán giả”...

+ Từ trước đến nay những việc tôi làm luôn có tính chia sẻ với công chúng. Bao nhiêu album của tôi phát hành, trước đây chứng minh tôi là người tiên phong làm phong cách nhạc jazz âm hưởng dân gian và lại gần được gần công chúng, đó là tính chia sẻ. Trong sự chia sẻ đó, tôi luôn muốn mình được đưa kiến thức mang tính hội nhập đến với công chúng. Nếu không đưa ra những sáng tạo mới thì khó có thể là nghệ sĩ thực thụ. Những sáng tạo đó ngoài tính chia sẻ thì phần nào có tính định hướng cho người nghe.

. Nhưng sự quá kỹ càng trong việc đầu tư một tác phẩm đôi khi lại làm anh xa dần người nghe.

+ Tôi vốn lâu nay đã vậy, có muốn làm bình dân hóa mình cũng không làm được. Nghệ sĩ không cần phải đến hẹn lại lên, không thể bắt, ép tâm hồn người ta mỗi năm có một sản phẩm nếu tâm hồn không rung động.

Và cái câu “lâu rồi Trần Mạnh Tuấn không xuất hiện”, dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác. Ví dụ về sức khỏe, tôi không phải là người sức khỏe trơn tru như mọi người, tôi chỉ sống với một mắt, một quả thận ghép... Thế nhưng tôi không coi đó là những khiếm khuyết mà vẫn thấy mình được nhận quá nhiều, qua hoạn nạn mình lại được nhiều người ủng hộ, yêu mến hơn nhưng rất nhiều người thấy mình mất nhiều hơn được. Tất cả nhanh hay chậm, vui hay buồn đều do cách mình nhìn sự việc, mọi sự thanh thản là thanh thản, không có gì phải ầm ĩ thì mình sẽ thanh thản.

Big band hóa nhạc Việt

Ngoài những tác phẩm quốc tế, anh có ý định hòa âm những tác phẩm Việt Nam cho Saigon Bigband không, thưa anh?

+ Nói đến big band chắc chắn nhóm sẽ chơi những tác phẩm jazz kinh điển. Nhưng bản thân tôi cũng luôn muốn đặt tiêu chí “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” vì tôi cũng là nghệ sĩ đại sứ thương hiệu hàng Việt Nam (Cười).

Lâu nay tôi đem nhiều nhạc Việt ra “chinh chiến” trong các liên hoan âm nhạc tại nước ngoài, vì thế chắc chắn Saigon Bigband sẽ có chơi những tác phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, phải thấy một thực tế, lâu nay nhạc Việt có thể làm những dàn nhạc nhỏ và ở mức chấp nhận được tại các liên hoan âm nhạc nước ngoài. Nhưng với Saigon Bigband để ở mức “chấp nhận được” với các tác phẩm Việt Nam thì cần có từ một đến hai năm hoạt động, tập luyện để có kinh nghiệm.

. Xin cảm ơn anh.

Đã từng thử nghiệm với nhạc Việt

Trong chương trình kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn từng thử phối một số ca khúc có tiết tấu của nhạc sĩ thành big band để chơi chung với dàn big band và được khán giả khá yêu thích. Dự kiến Saigon Bigband sẽ có những tác phẩm nhạc Việt theo phong cách big band, tuy nhiên “phải chọn lựa rất khéo, không phải tác phẩm nào của Trịnh hay nhạc Việt cũng chơi được theo phong cách big band mà phải chọn những bài tiết tấu” - nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.

_____________________________________

Big band (ban nhạc lớn) là một loại hình thu nhỏ của dàn nhạc giao hưởng gồm từ 12 đến 25 thành viên. Big band xuất phát từ Mỹ vào khoảng năm 1920 và phổ biến trong khoảng năm 1930-1940. Mô hình ban nhạc big band thường chơi nhạc jazz nhiều nhất với thành phần nhạc cụ chính là dàn kèn đồng. Từ sau năm 1975 đến nay, big band vắng bóng hoàn toàn tại Việt Nam.

Nhóm Saigon Bigband sẽ chính thức ra mắt khán giả vào tối 17-1-2013 tại Nhà hát TP.HCM. Saigon Bigband gồm có 20 thành viên chơi các nhạc cụ: piano, guitar, guitar bass, trống và dàn kèn đồng gồm loại kèn trumpet, trombone, saxophone...

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm