Sinh viên mang kịch vào quán cà phê

Bên cạnh các sân khấu quen thuộc, những người mê kịch ở Sài Gòn vẫn còn địa điểm khác để thưởng thức món ăn tinh thần truyền thống này là quán cà phê. Đến đó, khán giả vừa thưởng thức cà phê vừa trải lòng mình với nhiều vở diễn dài hơi, được đầu tư nghiêm túc do các sinh viên - diễn viên không chuyên dàn dựng, biểu diễn. Đó là nhóm kịch NNCK.

Những diễn viên tay ngang

Trưởng nhóm NNCK Hoàng Minh Phi cho biết: “Nhóm bắt đầu diễn kịch cà phê từ năm 2006, từng trải qua rất nhiều thăng trầm ở nhiều quán như Bệt, Lít, Nhện… Trong nhóm chỉ có mình từng học dở dang Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh, còn những diễn viên trụ cột khác đều xuất thân là dân ngoại đạo. Phương Thảo từng là sinh viên CĐ Quản trị doanh nghiệp, Hoàng Vũ đang là sinh viên ngành CNTT ĐH Văn Lang, Hồng Vy đang theo học ngành quốc tế ĐH Công nghiệp. Cơ duyên và lòng đam mê đã đưa tụi mình đến với nhau và đến với nghệ thuật cà phê kịch”.

Bạn Nguyễn Hoàng Vũ chia sẻ: “Mình học CNTT nhưng từ nhỏ đã rất thích diễn. Trong một lần đi xem NNCK diễn ở quán Bệt, mình hâm mộ lắm nên xin vào nhóm. Các bạn vui vẻ đồng ý và mình được giao nhiệm vụ chỉnh nhạc. Lần nọ, một diễn viên đột ngột bỏ vai, thế là mình được cho vào chữa cháy. Diễn xong vai, mình lại chạy vào trong tiếp tục chỉnh nhạc. Sau đó, mình được nhóm giao những vai nhỏ, dần dần cứng nghề hơn, được đảm nhận nhiều vai chính, thứ chính”.

Sinh viên mang kịch vào quán cà phê ảnh 1

Phương Thảo, Hoàng Vũ, Minh Phi trong Nửa đời hương phấn. Ảnh: HT

NNCK cho biết những vở kịch được diễn đều do nhóm tự viết kịch bản, lấy ý tưởng từ những câu chuyện thực tế trên báo, mạng xã hội. Nhiều vở được chuyển thể từ cải lương sang kịch như: Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển… Nhóm cũng được một lượng lớn khán giả yêu thích với những vở mang ít nhiều chất kinh dị: Bóng hồn, Tiếng chim ngừng hót, Ầu ơ…

Lên sân khấu là việc trọng đại

Trách nhiệm với nghề, với khán giả nên vở nào diễn lần đầu tiên đều được NNCK ghi hình. Về xem lại, nhóm sẽ rút ra những điều hay và chưa hay để phát huy và khắc phục cho những suất diễn sau.

“Khó khăn lớn nhất của nhóm vẫn là tài chính vì đa phần các bạn đều là sinh viên” - Phương Thảo nói. Để có được những vở kịch chất lượng cho khán giả, nhóm phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để đầu tư nội dung, trang phục… Những vở đương đại thì sử dụng trang phục hằng ngày của chính các bạn nhưng có những vở phải mua vải rồi đặt may”. Thảo kể: “Trong vở Giấc mơ đêm trăng rằm, tiền cát sê của cả nhóm không đủ để chi trả trang phục, đầu tóc cho vai bà tiên của Thảo. Thà không diễn chứ nhóm không chấp nhận việc mang đến cho khán giả những sản phẩm hời hợt, vội vàng. Vở Dương Quý Phi lên kịch bản rồi bị hủy vì nhóm không đủ tiền đầu tư đàng hoàng cho trang phục”.

“Mọi người trong nhóm đều không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng ai cũng lao động nghiêm túc và xem nghề diễn kịch cà phê là cái nghiệp. Sống với cái nghề bán nước mắt, nụ cười, vui buồn, hạnh phúc, đau khổ đều cùng nhau trải qua nên dù thế nào cũng không bỏ nó được vì quá đam mê, trân trọng nó. Mỗi lần bước lên sân khấu như một việc trọng đại trong đời…” - Minh Phi tâm sự.

Ở đâu cũng có thể là sân khấu

Nhiều nhóm kịch cà phê diễn trong một không gian sân khấu nhỏ, khán giả sẽ quây quần quanh bục diễn. Nhưng NNCK lại có nét riêng. Nhóm tận dụng mọi khung cảnh, ngóc ngách, bàn ghế… có sẵn ở quán để tạo một sân khấu linh động, gần gũi. Có nhiều đêm khán giả đến chật cả quán, phải đứng xem vì hết ghế. Có khi lưa thưa vài người, thậm chí có đêm không có khán giả nhưng nhóm vẫn diễn. Lúc đó, ai xong phân đoạn của mình thì trở xuống bàn cà phê làm khán giả bất đắc dĩ cho bạn diễn.

Sân khấu của NNCK không chỉ trong quán cà phê mà còn là các mái ấm, vùng quê xa xôi, những nơi mà có nhiều người chưa biết kịch là gì. Minh Phi kể về một lần diễn ở Bến Tre: “Sân khấu của bọn mình lúc đó là một góc nhà của một người dân. Mọi người đến xem đông lắm, già trẻ, lớn bé đều có. Mọi người đang im lặng xem kịch, tâm trạng diễn viên cũng đang đoạn cao trào bỗng một cụ già ở dưới nói vọng lên: “Đói bụng rồi, ăn cơm đi rồi diễn tiếp con!””.

Nhiều người thắc mắc tại sao NNCK không phát triển nhóm thành một nhóm kịch chuyên nghiệp, diễn tại các sân khấu lớn. Nhóm tâm sự: “Chúng tôi mong muốn NNCK mãi là nhóm kịch cà phê đúng nghĩa là phục vụ khán giả tại các quán cà phê. Nhiều người ngỏ ý hỗ trợ nhóm phát triển hơn, trang bị âm thanh, ánh sáng hiện đại hơn… nhưng xin cho chúng tôi từ chối vì như thế sẽ làm biến chất văn hóa kịch cà phê. Chúng tôi mong muốn kịch cà phê được công nhận như một loại hình nghệ thuật và thật sự hạnh phúc khi được gọi là diễn viên kịch cà phê”.

Nhiều quán cà phê kịch còn dè dặt

Kịch cà phê thường diễn trên một sân khấu rất nhỏ, có nơi chừng 2 m2. Sân khấu không có kỹ xảo, tiết chế dàn dựng cảnh trí, diễn viên nói thoại mộc, không có micro.

TP.HCM hiện có khoảng năm quán cà phê đang hoạt động theo hình thức cà phê kịch nhưng chỉ có một vài trong số đó như: Bệt, Lít (quận Phú Nhuận), Q2 (quận Gò Vấp)… công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số còn lại khá dè đặt vì còn nhiều khó khăn trong việc xét duyệt tác phẩm và giấy phép biểu diễn.

ĐÔNG TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm