Sở hay Cục cấp phép ca khúc trước 1975?

Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản (số 94/NTBD-PQL) gửi các sở địa phương về việc sưu tầm lên danh sách các bài hát của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các bài hát sáng tác trước năm 1975.

Gần 40 năm vẫn chưa xong

Thực tế gần 40 năm qua việc ra danh mục các ca khúc được phép phổ biến được bàn thảo rất nhiều lần. Từ đầu năm 2008, cục hứa sẽ có một trang mạng phổ biến danh mục này vào giữa quý II-2008 nhưng mãi đến đầu năm 2011 trang mạng này mới ra đời. Và cho đến nay, lượng được cấp phép đã trên 1.200 bài nhưng trang mạng chỉ cập nhật danh mục 750 bài. Trong danh mục của cục rất khó xác định ca khúc nào được cấp phép hay chưa, cấp ngày nào, của nhạc sĩ nào… Ví dụ như nhạc sĩ Phạm Duy, hiện tại Phương Nam Phim đã được cấp phép khoảng 170 ca khúc, trong khi danh mục cục công bố 91 ca khúc được cấp phép từ năm 2010. Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn danh mục chỉ hiển thị hai ca khúc Xin cho tôiTa đã thấy gì đêm nay. Không ít nhạc sĩ quen thuộc như Nguyễn Hữu Thiết, Y Vân… danh mục không hiển thị ca khúc được cấp phép.

Ngay tên gọi của danh mục cục cũng chưa nhất quán; khi là “danh mục các bài hát trước năm 1975 và trong thời kỳ chung tay xây dựng đất nước được phép phổ biến”, khi là “danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến” và trong văn bản gửi các sở là “danh sách các bài hát của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các bài hát sáng tác trước năm 1975”. Tên gọi không chỉ khác nhau về chữ nghĩa mà cả về tiêu chí thời gian, đối tượng làm người ta băn khoăn liệu có phải là ba danh mục khác nhau.

Sở hay Cục cấp phép ca khúc trước 1975? ảnh 1

Năm 2012, việc ca sĩ Vi Thảo bị thu hồi đĩa Tàu đêm năm cũ đã từng xới lên việc cần thiết danh mục ca khúc được cấp phép. Ảnh: Phương Nam Phim

Chuyện của cục hay của sở?

Ngay văn bản đề nghị lần này, các sở địa phương không biết đường thực hiện. Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT&DL TP Hà Nội, hiểu là “không phải bắt sở sưu tầm; chỉ là nếu có sẵn danh mục bài hát thì báo cáo lại cho cục. Và qua đây, cục muốn tìm thêm những ca khúc chưa được công bố mà thuộc các kho tư liệu, qua kênh cá nhân…”. Ngược lại, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, lại cho biết trước đây sở từng lập ban tư vấn, hội đồng thẩm định cấp phép. Những ban này phải huy động nhiều nguồn nhân lực để thẩm định cả nội dung lẫn nhân thân tác giả. Bởi có những tác giả nhân thân có vấn đề không thể cấp phép, dù ca khúc không vấn đề. Khó nhất trong việc sưu tầm là thời gian và kinh phí. “Muốn làm được phải thành lập ban bệ, một quá trình chỉn chu và có kinh phí hoạt động cho nó trong một giai đoạn nhất định chứ không thể làm khơi khơi. Đây là sự nôn nóng và làm chưa có phương pháp! Hơn thế nữa theo quy định của Nghị định 79 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu), toàn bộ thẩm quyền cấp phép ca khúc trước năm 1975 và hải ngoại thuộc về Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VH-TT&DL” - ông Nam khẳng định.

Nên tách biệt trước năm 1975 và hải ngoại

Cục nên tách ca khúc trước năm 1975 và ca khúc hải ngoại ra hai diện khác nhau. Ca khúc hải ngoại không phổ biến ở Việt Nam làm sao biết để sưu tầm và giới thiệu? Tôi cho rằng quản lý nhà nước không nên làm việc đó. Đối với tác phẩm hải ngoại nên theo quy trình: Nếu tác giả muốn phát hành tại Việt Nam thì phải thông qua một tổ chức nào đó đề xuất, từ đó cơ quan quản lý xem xét cấp phép. Cơ quan quản lý không thể tự động xem xét và cấp phép, bởi nó sẽ dẫn đến hậu quả tác giả phản ứng rằng họ không có nhu cầu phát hành ở Việt Nam, không muốn giới thiệu tại Việt Nam tại sao các ông làm? Và thực tế này chúng tôi đã gặp!”.

Ông VÕ TRỌNG NAM, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM

Hãy để các hãng băng đĩa đề xuất

Chúng tôi rất hoan nghênh việc công bố danh sách. Nếu cục rà soát và làm ra danh sách thì các đơn vị xin phép sẽ tiện hơn và tránh được tình trạng ai xin người đó biết. Hiện danh mục đã hiển thị trên trang mạng, tuy nhiên danh mục không đầy đủ và rất khó dò tìm. Tôi nghĩ cục làm một văn bản bằng định dạng Excel với nhiều cột từ tên tác giả, tên ca khúc, năm được cấp… thì người cần tìm kiếm sẽ ra ngay, việc cập nhật cũng dễ dàng hơn!

Ông LÊ LÂM VIÊN, Giám đốc Phương Nam Phim

Cục nên để các hãng chọn tác giả, tác phẩm gửi danh sách lên cục, trên cơ sở đó cục duyệt cấp. Bởi hãng băng đĩa biết nhu cầu họ cần những tác phẩm nào và hãng sẽ có trách nhiệm với việc đề xuất đó.

Ông HUỲNH TIẾT,Giám đốc Bến Thành Audio-Video

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm