Tặng 8 triệu đồng để người H’Mông đưa người chết vào quan tài

Ông Lâu Minh Pó, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, Thanh Hóa, cho biết hơn chục năm trước, vào thời điểm ông còn đang chức trưởng Ban Tuyên giáo huyện, ông luôn nghĩ về một cuộc chiến thay đổi hủ tục tang ma của đồng bào người H’Mông tại quê hương. Huyện ủy ra sức vừa động viên tuyên truyền, vừa ra chính sách hỗ trợ cho các tang ma người H’Mông. Thế nhưng họ không thể vượt qua được quyền lực của các trưởng họ người H’Mông. Một khi trưởng họ không đồng ý thì người trong họ không bao giờ dám làm trái.

Bước qua lời nguyền sáu năm mà... chưa chết

Ông Lâu Minh Pó luôn trăn trở làm sao chấm dứt hủ tục tang ma cùng các tác hại đến môi trường, sức khỏe, cảnh nợ nần, nghèo đói của đồng bào H’Mông. Có lúc ông nghĩ sẽ không thể thực hiện được nữa, nhưng rất may đã có một sự kiện đặt tiền đề cho sự thay đổi.

“Đó là vào tháng 3-2013, khi ông nội mất, tôi được dòng họ cử làm người tổ chức tang lễ cho ông. Tôi liền chớp lấy cơ hội này, hạ quyết tâm phải đưa thi hài ông nội tôi vào quan tài cho bằng được, để làm hình mẫu thay đổi nhận thức về tang ma cho đồng bào H’Mông. Bởi vì tôi nghĩ nếu bây giờ không làm thì mãi mãi tôi sẽ không bao giờ làm được nữa. Thời điểm đó, các cụ trong gia đình, dòng họ cực lực phản đối cách làm của tôi. Các già làng, trưởng bản và người dân chửi tôi nhiều lắm. Họ bảo tôi là đứa cháu bất hiếu, bỏ ông vào cái hòm kín bưng như vậy thì ông làm sao đưa được trâu bò đi theo. Họ nói chỉ 2-3 tháng sau ông sẽ về bắt tôi đi. Nhưng tôi không sợ” - ông Pó kể lại.

Và như thế, ở vùng biên giới Việt-Lào, ông Pó trở thành người H’Mông đầu tiên đưa người chết vào quan tài.

Một tháng, hai tháng sau, đồng bào vẫn thấy ông Pó sống khỏe. Đến nay đã là sáu năm đi qua kể từ đám tang phá bỏ hủ tục cũng là ngần đó thời gian ông Pó thường lặn lội vào những bản xa xôi nhất của huyện Mường Lát như đỉnh Pa Đén, Sài Khao để tuyên truyền, vận động đồng bào H’Mông xóa bỏ hủ tục tang ma. Mỗi lần bị đồng bào H’Mông phản đối thì ông Pó lại lấy dẫn chứng về đám tang ông nội của mình, về sáu năm ông còn sống mạnh khỏe chứ không bị ông quay về bắt đi.

Có người nghe xuôi tai, có người phân vân, cũng không ít người cố chấp cãi lại rằng sớm muộn gì ông Pó cũng phải trả giá bằng cái chết bởi dám bước qua lời nguyền. “Tôi cũng buồn vì sự cố chấp của đồng bào mình nhưng tôi không nản lòng. Tôi nghĩ là sự vận động của mình như mưa dầm thấm lâu, còn sức thì tôi còn đi vận động”.

Ông Lâu Minh Pó đi vào các bản xa xôi động viên bà con H’Mông thay đổi hủ tục tang ma. Ảnh: ĐT

Một đám tang của người H’Mông theo nếp sống văn hóa mới khi đưa người chết vào quan tài. Ảnh: ĐT

Chín năm quyết trao tiền, cấp đất chôn người chết

Anh Sung Văn Lâu, người bản địa, trú xã Nhi Sơn, là một trong những người “đẻ” ra dự án “đưa người chết vào quan tài” từ những năm 2010. Anh đau đáu: “Người ta thấy rõ những hệ lụy để lại sau mỗi tang ma của người H’Mông là đói nghèo, lạc hậu, bệnh tật. Nhưng để họ bứt phá ra khỏi hủ tục thì quả thật không dễ dàng và cũng chẳng phải chuyện một sớm một chiều”.

Cũng theo anh Lâu, nếu chỉ bằng vận động tuyên truyền thì chưa đủ nên cần phải xây dựng một đề án, chính sách cấp tỉnh để tuyên truyền rộng, bài bản. Cùng với đó là những hỗ trợ cụ thể, quy định rõ các chức năng, trách nhiệm của các tổ chức, vai trò của các cấp chính quyền địa phương.

Năm 2010, đề án sơ bộ “Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào H’Mông” được trình nhưng ở cấp phòng chưa chấp nhận, nhiều lãnh đạo chưa thấy thuyết phục để có thể triển khai được. Sang năm 2011, có rất nhiều nguồn ý tưởng từ cơ sở, các địa phương để hỗ trợ xây dựng đề án hoàn chỉnh, thuyết phục và được lãnh đạo ban ủng hộ. Năm 2012 đề án được UBND tỉnh phê duyệt. Cho mãi đến năm 2015, đề án mới thực sự đi vào triển khai thực tế.

Bà Hà Thị Nhơn, Phó Phòng dân tộc UBND huyện Mường Lát, cho biết: Đến nay đã có 13/40 bản thực hiện theo đề án đưa người chết vào quan tài và cũng đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đây là phong tục, tập quán gắn bó lâu đời với người dân nên cần có thời gian để việc vận động, tuyên truyền đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Cao Văn Cường cho biết hiện nay kinh phí tổ chức tang ma của đồng bào H’Mông đã được hạn chế, không tốn kém nhiều như những năm trước. Và nếu thời gian mà người chết được để lại trong nhà thường là năm ngày thì giờ đây cũng đã giảm xuống còn 1-2 ngày. Để xóa bỏ hoàn toàn hủ tục lạc hậu này, đề án cần tiếp tục được các cấp quan tâm. Trong đó, sự quan tâm đáng chú ý là hỗ trợ đồng bào H’Mông xây dựng nghĩa địa tập trung, cũng như hỗ trợ kinh phí để đồng bào mua quan tài, tổ chức đám tang.

Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cho hay: Kể từ khi đề án được phê duyệt triển khai sâu rộng, mỗi gia đình có người chết được tỉnh hỗ trợ tám  triệu đồng, gồm năm triệu đồng mua quan tài, ba triệu đồng tổ chức đám tang. Đồng thời, tỉnh quy hoạch thu hồi đất, xây dựng tám nghĩa địa dành cho tám bản ở xã Pù Nhi là xã điểm thực hiện đề án. Và đến nay đã có 123 đám tang của người H’Mông thực hiện đưa người chết vào quan tài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm