“Táo quân” bị... hiểu nhầm?

“Táo quân” bị... hiểu nhầm? ảnh 1

Xuân Bắc (Nam Tào), Công Lý (Bắc Đẩu) và Vân Dung (Táo dân sinh) trên sân khấu Gặp nhau cuối năm 2013 - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Gặp nhau cuối năm (còn được gọi nôm na là chương trình Táo quân) chưa phát sóng mà có vẻ “nóng” hơn bình thường. Các ông đề cập đến những vấn đề gì nóng bỏng của xã hội mà người dân quan tâm vậy?

Tin từ Cục NTBD cho biết ngày 1-2, cục tiếp tục gửi công văn đến tổng giám đốc Đài truyền hình VN đề nghị thực hiện nghiêm chỉnh các vấn đề liên quan đến việc xin cấp phép cho chương trình Táo quân 2013 cũng như việc biên tập lại nội dung DVD sẽ phát hành.

Cùng ngày, ông Nguyễn Hà Nam - trưởng ban thư ký biên tập, người được VTV chỉ định phát ngôn về các vấn đề nội dung - cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đã nhận được công văn của Cục NTBD. Đài truyền hình VN sẽ có một buổi làm việc trực tiếp với cục trên tinh thần cầu thị. Những gì chưa đúng với thủ tục, quy định, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, những gì chúng tôi đã thực hiện đúng thì cũng sẽ nói lại cho rõ... “.

C.K. - H.HƯƠNG

- Chúng tôi luôn xác định đây là chương trình khó làm, nhiều áp lực từ khán giả truyền hình với mong muốn chương trình ngày càng hay hơn, nội dung sâu sắc hơn. Năm nay, các vấn đề chương trình đề cập đều là những vấn đề nổi cộm mà báo chí phản ánh suốt năm qua như tình hình kinh doanh khó khăn, nợ xấu, giao thông ách tắc, ý thức người tham gia giao thông, y đức trong bệnh viện, bệnh thành tích trong dạy học và thi cử, quản lý văn hóa trong việc tu bổ đình chùa, cấp phép biểu diễn và quy định xử phạt nghệ sĩ, bóng đá với các vấn đề ông bầu can thiệp vào chất lượng giải đấu và giá cầu thủ bị đẩy lên cao đến mức ảo, gây ngộ nhận về tài năng... Ngoài ra, Gặp nhau cuối năm cũng đề cập tình trạng đất đai đóng băng trong năm qua, kinh doanh bất động sản khó khăn...

Trong lĩnh vực văn hóa, chúng tôi đề cập việc quản lý văn hóa để tạo nên một đời sống tinh thần lành mạnh cho xã hội, mặt trái của các sự kiện giao lưu, hâm mộ thần tượng nước ngoài, cách tạo ra một sự nhận thức văn hóa cần thiết cho nghệ sĩ khi biểu diễn chứ không đơn giản chỉ là các giải pháp xử phạt hành chính, các ý tưởng xây dựng bảo tàng có thật sự phù hợp... Chúng tôi cố gắng hết sức và làm việc hết khả năng có thể, vừa tìm cách suy nghĩ kỹ những hình thức dàn dựng, vừa cùng các nghệ sĩ tập luyện vất vả để chuyển tải các nội dung dưới hình thức hài hước, tạo nên sự hấp dẫn.

* Dư luận rất bất ngờ vì sau chín năm theo dõi Gặp nhau cuối năm, bỗng nhiên các Táo của năm thứ 10 lại có vẻ như khó mà cưỡi cá chép lên trời yên ổn sau cú tuýt còi của Cục NTBD?

- Hiện chúng tôi vẫn đang tập trung khâu hậu kỳ, biên tập chương trình để phát sóng như kế hoạch. Tôi chỉ xin nhấn mạnh: VFC thuê địa điểm để ghi hình và phát vé miễn phí cho cán bộ nhân viên của đài và những khán giả quan tâm yêu thích chương trình, qua đó đóng góp ý kiến cho chúng tôi sau các đêm ghi hình để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện một sản phẩm truyền hình. Chúng tôi không bán vé theo diện tổ chức biểu diễn kinh doanh.

* Trước ba đêm diễn liên tiếp ghi hình, có phải Cục NTBD đã yêu cầu duyệt cấp phép nội dung nhưng phía hãng phim của ông đã từ chối?

- Việc này hiện chưa có thông tin chính thức từ VTV nên tôi xin phép không trả lời.

* Các ông có cân nhắc ranh giới giữa hài hước châm biếm và sự dung tục khi thực hiện chương trình Gặp nhau cuối năm, cụ thể ví dụ mà Cục NTBD nêu ra như “Đẩu pín” theo ông thế nào?

- Với một chương trình có thời lượng dài và được khán giả quan tâm thì chúng tôi sẽ phải cố gắng kiểm duyệt kỹ trước khi phát sóng. Thời lượng phát sóng chỉ bằng 1/2 thời lượng diễn ra tại hiện trường (khoảng 100 phút từ 3 giờ 30 phút trên sân khấu) nên chắc chắn nhiều chi tiết, tình huống sẽ phải cắt bỏ.

* Và cuối cùng, khán giả năm nay vẫn sẽ được đón chờ Gặp nhau cuối năm như thường lệ chứ? Có gì ông còn tiếc vì nhiều lý do mà chương trình có thể sẽ hay hơn nhưng lực bất tòng tâm không?

- Hiện chúng tôi cần khoảng một tuần nữa mới hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Trong điều kiện hiện nay thì hầu hết việc dàn dựng các chương trình đều có những khó khăn nhất định. Để có một địa điểm ghi hình tốt cũng rất khó khăn, đặc thù của Gặp nhau cuối năm thì các trường quay có sẵn của VTV chưa đáp ứng được. Đó là lý do chúng tôi đã phải thuê một nơi biểu diễn chuyên nghiệp như Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội để ghi hình.

Gặp nhau cuối năm không bán vé!

Giám đốc VFC - đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: Lãnh đạo VTV đã làm việc với VFC và ban pháp chế của đài để nghiên cứu kỹ lại tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến vụ việc này. Chúng tôi thấy trong hệ thống văn bản có nghị định 79, điều 14 có thể áp vào trường hợp của chúng tôi. Điều 14 có hai khoản: khoản 1 là các chương trình truyền hình thực hiện trong trụ sở của đài hoặc nhằm mục đích phát sóng thì tổng giám đốc đài chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung và không cần xin phép Cục NTBD, khoản 2 là các chương trình thực hiện ngoài trụ sở đài và có mục đích kinh doanh.

Có lẽ cục đã áp khoản 2 cho chương trình của chúng tôi vì chúng tôi thực hiện ngoài trụ sở đài. Nhưng ở đây chắc có sự hiểu lầm vì chương trình này thuần túy là chương trình phát sóng và không có mục đích kinh doanh, nên lẽ ra phải áp khoản 1. Có lẽ do một số khách mời và phe vé bán vé mời nên người của cục có tham dự đêm ghi hình hiểu lầm?

TH.H. ghi

Theo CÁT KHUÊ (TTO) thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm