Tay vợt tennis huyền thoại Andre Agassi tự lột mặt nạ

Vì một lý do gì đó, Andre đã kể quá nhiều điều cấm kị trong tự truyện này.

Trong làng quần vợt hiện đại, Andre Agassi là một trong những huyền thoại đích thực. Chỉ có 4 tay vợt tennis khác cùng với anh là những người từng giành được chiến thắng cả bốn giải Grand Slam đơn. Anh còn là vận động viên quần vợt duy nhất trong thời vô địch mở rộng đã đoạt tất cả các giải Grand Slam đơn, Tennis Masters Cup, đoạt Davis Cup (Cúp quần vợt đồng đội thế giới) trong màu áo đội tuyển Mỹ và cả huy chương vàng Thế vận hội. Andre cũng đã giành được 17 danh hiệu  vô địch trong ATP Masters Series, đứng đầu thế giới về chỉ số này.

Tay vợt tennis huyền thoại Andre Agassi tự lột mặt nạ ảnh 1

Andre Agassi và Brooke Shields

Không uốn lưỡi vẫn nói

Tay vợt lừng danh, từng ở vị trí số một thế giới, một người chồng mẫu mực, một người cha tận tình của hai đứa con - đó là tất cả những gì xã hội biết tới về Andre Agassi trước khi tập tự truyện "Open" của anh ra mắt bạn đọc. Trong cuốn sách này, Andre đã cởi mở đến mức khiến tất cả mọi người xung quanh đều phải há hốc miệng kinh ngạc: hóa ra là anh từng xài ma túy, sử dụng doping, đánh lừa các quan chức thể thao và buông vô khối trận - nói chung, anh đã tự lột mặt nạ của mình đến mức những người lịch thiệp không thể nào chấp nhận được. Thế nhưng, Andre không sợ phải nói thật, nhất là khi anh đã nhận được 5 triệu USD tiền ứng trước cho tập tự thuật này.

Về Doping: "Năm 1997 tôi đã thường xuyên uống methamphetamine. Và ngay lập tức cảm thấy khoẻ như voi: có lần tôi đã dọn sạch nhà chỉ trong vài phút và thậm chí còn định hút bụi đi văng - đơn giản  là không biết làm gì cho bớt sức đi! Của đáng tội, sau hai ba ngày đầy hứng khởi thì sẽ phải trả giá. Và không chỉ về thể lực. Một lần, khi tôi ở New York, người ta gọi điện thoại tới cho tôi bảo rằng, một trong những kiểm tra doping đã cho kết quả dương tính. Sự nghiệp của tôi có nguy cơ bị tiêu huỷ. Thế là tôi đành phải nói dối. Tôi viết một lá thư gửi cho ATP (Hiệp hội các vận động viên quần vợt chuyên nghiệp): chất bị cấm đó đã có ở trong món coctail mà trợ lý Slim của tôi đã uống, chứ bản thân tôi chỉ làm độc một ngụm  từ cốc của anh ta. Tôi xin các viên chức của ATP bỏ qua cho sơ sảy đó và cuối thư vì sao đấy đã viết "Rất trân trọng". Tôi đã cảm thấy rất xấu hổ. Ở  người ta đã tin tôi, hoặc làm ra vẻ đã tin tôi. Và họ quên luôn chuyện đó...".

Về chơi không trung thực: "Tôi đã cố tình nhún nhường Michael Chang ở vòng bán kết giải vô địch Australia 1996 vì đơn giản là tôi sẽ không thể đọ được Boris Becker, người đã lọt được vào vòng chung kết trước đó. Tôi không thể chịu được anh ta khi anh ta hét lên bằng tiếng Đức và tôi không muốn gặp gỡ anh ta. Trong các trận thi đấu giữa tôi và anh ta, anh ta đã trắng trợn gửi những nụ hôn gió cho vợ tôi, Brooke Shields. Nói chung, bỏ trận - đó là một công việc rất tinh tế, đôi khi bỏ trận còn phức tạp hơn nhiều so với thắng trận. Bởi lẽ phải làm sao để cho không ai nảy sinh một mối nghi ngờ gì cả. Nhưng tôi đã làm được việc đó. Các phóng viên đã không hề nghi ngờ gì cả, mà vì sao đấy họ chỉ nảy sinh ra những mối nghi ngờ khi tôi thua một cách trung thực. Nhưng khi tôi bỏ trận, họ lại viết: "Chắc là do Andre hiện nay không phải ở phong độ tối ưu nhất…".

Về Brooke Shields và Steffi Graf: "Tôi căm thù tennis. Brooke (người vợ đầu tiên của Andre - TG)  đã không hiểu điều này vì cô ấy thích việc cô ấy làm. Có lần cô ấy đã đặt lên trên nóc tủ lạnh một bức ảnh có khung. Trong ảnh là nữ vận động viên tennis người Đức Steffi Graf  (người vợ hiện nay của Andre, hai người có cùng nhau hai con, một trai, một gái  - TG). Brooke mặc cảm vì chân của mình, cô ấy cho rằng, chân cô ấy không quá đẹp. Còn chân của Graf, theo ý kiến của Brooke, "trên cả tuyệt vời". Cô ấy cũng muốn có một đôi chân như thế…

Thế nhưng, như thực tế sau đấy nhiều năm cho thấy, Steffi còn có nhiều ưu điểm hơn thế. Steffi hiểu thái độ của tôi đối với tennis...".

Về người cha: "Cha tôi về bản chất là một người độc tài. Cãi lại lời ông ấy là một việc nguy hiểm. Nếu ông ấy đã quyết định rằng con trai sẽ phải trở thành cây vợt số một thế giới thì có nghĩa là, số phận con trai ông ấy sẽ phải là như thế. Đôi khi, nếu ông ấy không hài lòng về tôi, ông ấy hướng thẳng vào tôi cây pháo tennis (đây là dụng cụ huấn luyện đặc biệt, tung bóng với tốc độ cao ra sân, làm thay việc đối thủ cho người tập luyện - TG) và gần như là bắn tôi liên tục từ nó. Làm tôi rất đau. Và năm 1992, sau khi tôi đã giành được chiến thắng tại Wilbledon, ông ấy đã gào lên với tôi: "Sao con lại có thể kém đến thế ở hiệp thứ tư?".

Về ma tuý:  "Một lần anh trai tôi, khi chúng tôi còn là những cậu bé, bảo: "Nếu bố cho em trước vòng thi đấu uống những viên thuốc nhỏ thì em đứng uống nhé". Tôi hỏi vì sao. Anh trai tôi bảo: "Đó là ma tuý!". Và quả thật cha tôi chẳng bao lâu sau trước cuộc thi giải vô địch trẻ toàn quốc đã bảo tôi nuốt một viên thuốc mà anh trai tôi đã kể. Tôi nuốt và cảm thấy khỏe cực kỳ…".

Về đối thủ chính Pete Sampras:  "Trên trần thế này không có hai người nào lại khác nhau như tôi và Pete. Tôi có lần đã tiện thể hỏi người nhân viên ở khách sạn, nơi Pete hay đỗ xe: "Anh ta cho cậu tiền bo thế nào?". Cậu nhân viên đáp: "Một dollar". Bạn có thể tưởng tượng được không?! Tôi đôi khi phát ghen vì sự mờ nhạt của anh ấy, vì việc anh ấy lại dửng dưng đến thế đối với cảm hứng, với sáng tạo. Con vẹt cũng ít giống người máy hơn anh ta".

Về tóc giả: "Khi tôi 20 tuổi, mỗi sáng tỉnh dậy tôi đã nhìn thấy nắm tóc của mình đã rụng xuống gối. Đó là một phần hình ảnh của tôi, một ngoại hình cuốn hút mà tôi trân trọng. Tôi đã từng tự hỏi mình, liệu tôi có sẵn sàng đội tóc giả để gìn giữ hình ảnh của mình không (thời trẻ, Andre từng có một mái tóc rậm rất bồng bềnh - TG)? Và tôi đã đi tới kết luận rằng, tôi chẳng còn gì hơn để làm cả. Trước trận chung kết của giải Roland Garros năm 1990, tôi đã cầu nguyện. Nhưng không phải về chiến thắng. Tôi cầu nguyện để mái tóc giả của tôi nằm yên được trên đầu. Tôi kinh hãi khi nghĩ tới việc nếu trong thời gian thi đấu trên sân mái tóc giả đó sẽ bị rơi khỏi đầu và khán giả sẽ kinh ngạc rồi cười cợt như thế nào. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu trận chung kết ấy tôi đã bị thua. Nhiều năm sau tôi cạo trọc đầu và nhìn vào gương - một gã đàn ông hói lạ lẫm đang nhìn tôi và cười khẩy…".

Búa rìu dư luận

Những lời thổ lộ chân thành nhưng quả thực quá tiêu cực của Andre đã khiến không ít những đồng nghiệp của anh nổi giận. Marat Safin, tay vợt nam hàng đầu của Nga, tỏ ý kinh ngạc: "Tôi không rõ tại sao anh ấy lại viết ra tất cả những chuyện như thế? Có lẽ anh ấy muốn có số lượng phát hành lớn ư, muốn kiếm tiền ư? Anh ấy đúng là ngốc nghếch hết chỗ nói. Nếu anh ấy cảm thấy mình có lỗi thì hãy đi tới cùng đi - hãy mang trả lại tất cả số tiền kiếm được trên sân thi đấu… Một khi đã thi đấu không trung thực thì hãy trả lại những triệu USD đã kiếm được một cách không chân chính. Và thái độ của anh ấy đối với ATP cũng không hay - ít ra là khi đó họ đã che chở cho anh ấy, vậy mà bây giờ anh ấy lại bóc mẽ họ…".

Còn tay vợt số một thế giới Roger Federer cũng tỏ ra rất thất vọng  và kinh ngạc: "Thực sự khi tôi biết tin trên thì đó đã là một cú sốc. Hi vọng sẽ không bao giờ còn có những trường hợp như vậy nữa. Tennis phải là môn thể thao trong sạch". Một ngôi sao tennis khác là Rafael Nadal, ông vua thi đấu trên sân đất nện, cũng thốt lên: "Với tôi, đó là điều khủng khiếp. Tại sao anh ấy lại tuyên bố những điều đó khi đã gác vợt? Đó là cách giết chết thể thao. Tennis nói riêng và thể thao nói chung cần phải trong sạch và tôi là người đầu tiên muốn điều đó. Những kẻ gian dối phải bị trừng phạt và Agassi đã làm điều đó. Vậy thì phải có hình phạt thích đáng…".

Mặc dù búa dìu dư luận là như thế, nhưng nhìn chung, không ai yêu tennis lại phủ nhận những đóng góp rất đáng kể của Andre cho môn thể thao tuyệt vời này.

Theo PHƯƠNG HOA (An Ninh Thế Giới cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm