Tế xã tắc: Chỉ phục dựng nghi lễ cung đình

Tế xã tắc là lễ quan trọng xếp vào hàng quốc lễ của tất cả triều đại quân chủ độc lập ở Việt Nam. Đây là nghi lễ cúng thần đất và thần lúa, cầu mong đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, sau khi chế độ quân chủ kết thúc thì đàn xã tắc trở thành một phế tích. Trên cơ sở đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phục dựng lại lễ hội này để người dân và du khách biết đến nghi lễ cung đình.

Phục dựng để bảo tồn văn hóa

Lễ tế xã tắc năm 2011 sẽ được tổ chức từ 18 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 20-3 (nhằm ngày Giáp Tuất (16-2) năm Tân Mão). Đây là năm thứ tư lễ tế này được phục dựng và Thừa Thiên-Huế là nơi duy nhất của cả nước còn bảo tồn được đàn tế nguyên vẹn. Lễ tế năm nay sẽ gồm ba phần là: lễ xuất cung, quy tụ 550 diễn viên, hai voi, bốn ngựa tham gia; phần hai là lễ tế; và thứ ba là lễ hồi cung.

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nội dung phục dựng lễ tế năm nay nhằm tái hiện lễ hội cung đình. Thêm nữa là tạo một môi trường diễn xướng cho nhã nhạc, múa cung đình… Đặc biệt, phục dựng lễ tế còn nhằm thực hiện ước muốn tâm linh của người dân, cầu bình an, mong mưa thuận gió hòa.

“Ngày xưa lễ tế này thuộc về chế độ quân chủ, thuộc về một người là ông vua nhưng chúng tôi quan niệm khi phục dựng lễ hội này nên hướng tới thuộc về nhân dân. Tức là hướng đến mọi người đều được quyền làm chủ người hiện tại, tự mình lên đàn tế bày tỏ ý nguyện của mình với trời, với đất, cầu mong bình an” - ông Hải nhấn mạnh.

Tế xã tắc: Chỉ phục dựng nghi lễ cung đình ảnh 1

Lễ tế xã tắc được phục dựng nhằm tái hiện một nghi lễ quan trọng của cung đình. Ảnh tư liệu: MAI PHƯƠNG

Sao không cúng thật mà phải diễn?

Nhiều nhà nghiên cứu Huế cũng như người dân băn khoăn là tại sao không tiến hành một lễ tế thực sự mà lại phải là diễn? Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói: “Tôi cho rằng chúng ta phải đi từ cái căn bản của xã hội ngày nay và phải có trách nhiệm với tư duy, nguyện vọng của dân hiện nay. Nước Việt Nam vốn là một nước có đời sống tâm linh rất rõ, có thật và phải thừa nhận nó. Những người làm văn hóa phải quan tâm đến đời sống tâm linh của dân chúng. Rõ ràng chuyện phục hồi Lễ tế xã tắc là việc làm rất đúng. Thêm nữa, lễ này có ý nghĩa tích cực cầu quốc thái dân an, mùa màng tốt lành. Ngày xưa, vua đứng ra tế, ông vua là con trời đại diện cho dân chúng để cúng, giúp cho dân, cho nước. Giờ không còn vua kể ra người đại diện chính quyền phải tế. Nếu được như vậy thì rất tốt. Nếu không được thì chính quyền hãy ủy quyền cho hội trưởng người già hoặc có thể là những người đại diện các dòng tộc làm chủ tế… Giờ làm giả vua thì tôi không thích lắm vì chúng ta đang biến một việc tâm linh thành vở diễn. Theo tôi nên khắc phục, làm sao hướng đến một lễ tế thực sự là tốt nhất” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh.

Diễn để tạo khung cảnh trang trọng

Còn theo nhà nghiên cứu Vĩnh Cao thì phải có diễn viên để lễ tế long trọng. Trước đây, khi vua cúng thường có nghi trượng, đoàn tháp tùng. Nếu quan lại cúng thì đơn sơ hơn. Hiện để diễn tả lại lễ hội thì phải có hình thức kèm theo. Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao cũng cho biết trước Lễ tế xã tắc sẽ có lễ cáo, tức là có cúng thực tế do đại diện chính quyền làm. Còn Lễ tế xã tắc tổ chức ngày 20-3 là phục dựng để cho người dân coi.

“Diễn chỉ tạo một khung cảnh trang trọng để thể hiện lòng thành dễ hơn chứ không phải có ý diễn trò. Lễ tế còn để giáo dục con người biết kính trọng truyền thống, chứ không phải dạy họ mê tín dị đoan” - ông Vĩnh Cao giải thích.

Bàn thêm về điều này, ông Hải giải thích: “Chiêu tập diễn viên đóng vua vì chúng tôi muốn tái tạo một nghi lễ cung đình. Khi đó, đương nhiên phải có vai vua, vai quan, binh lính để người ta hình dung được một lễ cung đình như thế nào. Xong lễ, chúng tôi mời đại diện của chính quyền, của nhân dân lên dâng hương. Đó là phần tâm linh để đáp ứng nguyện vọng người dân. Đến khi nào trở thành nghi lễ tâm linh thì khi đó đại diện chính quyền nhân dân làm lễ thực sự chứ không phải là lễ tế kiểu phục dựng như thế”.

Sẽ đề xuất hướng tới lễ tế cho cộng đồng

Sau một thời gian phục dựng, chúng tôi sẽ đề xuất thành lễ hội tâm linh của cộng đồng. Người chủ tế đó có thể không phải là Nhà nước nữa mà Nhà nước chỉ là hướng dẫn cho cộng đồng thực hiện. Sẽ không còn vua, quan nhưng chiêng trống, múa cung đình, nhã nhạc vẫn thể hiện để giữ không khí nguyên thủy của lễ. Dần dần sẽ phải chuyển nhưng vẫn phải được sự thống nhất của lãnh đạo tỉnh và của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Ông PHAN THANH HẢI, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

Tham gia lễ tế phải nghiêm túc

Các thiết bị điện thoại không được dùng. Riêng với diễn viên đóng vai vua được lễ hội quy định trai giới nghiêm ngặt, ví như phải ăn chay mấy ngày trước ngày lễ diễn ra, tâm thanh tịnh, không được gần phụ nữ trong những ngày trước khi lễ tế diễn ra. Người dân tham gia lễ tế phải nghiêm túc, mặc áo dài, không được ăn mặc phản cảm.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm