DỰ THẢO CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ NGHỆ SĨ

Thẩm định tài năng: 15, 20 phút là xong!

Dự thảo đề án cấp chứng chỉ hành nghề biểu diễn vừa được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) (Bộ VH-TT&DL) đưa ra đang gây nhiều dư luận trái chiều. Chiều 4-6, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, về một số vấn đề liên quan.

Muốn được yêu mến hãy đi thi

. PV: Thưa ông, đối với những người có tài năng nhưng không qua đào tạo thì con đường nào để họ được cấp chứng chỉ hành nghề?

Thẩm định tài năng: 15, 20 phút là xong! ảnh 1
+ Ông Nguyễn Đăng Chương: Trong dự thảo đề án chúng tôi đã đề cập rõ, những người được cấp thẻ phải hội đủ ba điều kiện: Tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó. Sẽ có hai loại thẻ được cấp. Loại thứ nhất dành cho các nghệ sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật và có danh hiệu. Loại thứ hai dành cho các nghệ sĩ không được đào tạo bài bản nhưng có năng khiếu và được công chúng yêu mến. Đối tượng mà bạn nói tới nếu được cấp sẽ được cấp thẻ thứ hai. Vì vậy, muốn được cấp thẻ họ phải thể hiện được tài năng của mình để các đơn vị Nhà nước người ta thấy được tài năng, từ đó xét đến việc cấp hay không.

. Quy định còn có yếu tố được công chúng yêu mến nhưng chưa được cấp thẻ thì làm sao họ được biểu diễn để được công chúng yêu mến?

+ Hiện nay nếu ai có tài năng thì có thể tham dự các cuộc thi. Rất nhiều cuộc thi do truyền hình tổ chức, địa phương tổ chức, hằng năm đều có các liên hoan nghệ thuật không chuyên ở các tỉnh, các sở, ban ngành… những người đó có thể tham gia để chứng minh tài năng của mình. Theo tôi, trong cơ chế hiện nay, lĩnh vực NTBD như một mảnh đất màu mỡ, ai cũng có thể thể hiện tài năng, bất cứ hạt giống nào có khả năng cũng có thể nảy mầm.

Thẩm định tài năng: 15, 20 phút là xong! ảnh 2

. Nếu đề án được thông qua, đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ thẩm định cấp thẻ hành nghề?

+ Sở VH-TT&DL ở các địa phương sẽ đảm nhận việc này. Ai công tác ở đâu thì trình hồ sơ cho sở đó để được thẩm định. Tùy mỗi địa phương, sẽ có nơi người ta làm hội đồng hoặc các ban. Đối với nghệ sĩ hoạt động rồi thì họ dựa trên hồ sơ để xét. Đối với trường hợp đặc biệt, có thể căn cứ trên các giải liên hoan, cuộc thi… hoặc có thể nghe thể hiện tài năng, chừng 15-20 phút là xong.

Không lo thất bại nhưng đừng kỳ vọng

. Có ý kiến lo ngại việc này sẽ đẻ ra cơ chế xin-cho, đặc biệt là giao cho địa phương thì dễ xảy ra tiêu cực?

+mỗi công dân hãy củng cố niềm tin ở chính mình, ở xã hội. Không nên dựa vào những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra trong xã hội để mất niềm tin ở chính ta và những việc cả nước đang làm được. Khi chúng ta chưa làm mà chúng ta nghĩ khó không làm được thì không bao giờ chúng ta làm được.

. Trước đây thẻ hành nghề cho nghệ sĩ đã được cấp lần đầu tiên sau đó đã bị bãi bỏ vì gây phiền hà. Vậy ông có ngại đề án này cũng rơi vào lối mòn đó?

+ Khái niệm ngày xưa là giấy phép hành nghề, còn bây giờ là chứng chỉ hành nghề. Từ khái niệm, nội dung, bản chất của vấn đề đều hoàn toàn khác nhau. Cơ quan quản lý nhà nước đặt ra vấn đề này vì lợi ích chung thì đã suy nghĩ rất kỹ. Xác định làm mà thất bại thì chúng ta không nên làm làm gì.

. Khi thông tin về dự thảo đề án được đưa ra, qua phương tiện truyền thông nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ lo ngại thẻ hành nghề sẽ gây khó cho việc quản lý hơn?

+ Tôi trân trọng ý kiến của mỗi cá nhân nghệ sĩ, đó cũng là những căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước tham khảo. Tuy nhiên, nó không đại diện cho hơn 7.000 nghệ sĩ đang hoạt động trên cả nước nên cũng chỉ là những ý kiến đơn lẻ mà thôi.

. Với đề án này, ông có kỳ vọng đem lại cho hoạt động NTBD những đột phá tích cực?

+ Tôi quan niệm đây là một việc hết sức bình thường mà cơ quan quản lý phải làm, đòi hỏi phải có sự chung lưng của xã hội, nghệ sĩ, của cơ quan truyền thông. Mục đích hướng tới là để làm lành mạnh hơn, tốt hơn hoạt động quản lý NTBD trong thời kỳ hội nhập đang diễn ra hết sức phức tạp hằng ngày, hằng giờ. Nếu chúng ta đặt kỳ vọng quá cao thì dễ rơi vào… lãng mạn.

Chứng chỉ không phải cây đũa thần

Mấy năm gần đây, sự nở rộ của các hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) kéo theo sự xuất hiện của một số ca sĩ “nhảy nhót hay hơn hát” và một số người mẫu “thoáng trong trang phục, sơ sài về nghệ thuật” đã khiến các cơ quan chức năng thật sự lúng túng trong quản lý.

Mới đây nhất, trước thềm hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu lĩnh vực NTBD tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM hôm 3-6, Cục NTBD đã phải lần đầu tiên “tuýt còi” một cuộc thi liên quan đến nhan sắc khi đang gần cán đích. Hành động này được coi là quyết liệt của Cục NTBD nhưng cũng một lần nữa bộc lộ sự thiếu giám sát của đơn vị này khi để sự đã rồi mới ra tay.

Riêng với Quy định về chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ tại hội nghị trực tuyến đã nhận được 80% ý kiến đồng thuận trong khi nhiều vấn đề trong đề án vẫn còn nhiều điểm chưa thuyết phục. Dự thảo đề án đề cập đến tiêu chí cấp chứng chỉ, trong đó có loại thẻ hành nghề thứ hai được dành cho “các nghệ sĩ không được đào tạo bài bản nhưng có năng khiếu và được công chúng yêu mến”. Yếu tố không được đào tạo bài bản rất dễ thẩm định nhưng năng khiếu lại là yếu tố khó có thước đo chuẩn để định lượng.“công chúng yêu mến” lại là một tiêu chí mà nếu đem ra bàn cân, những nghệ sĩ trẻ, chưa nhiều cống hiến và được biết đến với những màn hở hang không khéo lại được yêu mến hơn những nghệ sĩ chân chính thuộc các loại hình truyền thống, lâu lâu mới xuất hiện một lần trước công chúng.

Các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của nghệ sĩ ở nước ta dường như không thiếu. cái thiếu là một cơ chế giám sát hữu hiệu để tất cả đều được đặt vào “chiếc vòng kim cô”, thay cho việc trao cho họ từng chiếc vòng một để rồi cơ quan quản lý phải rộng tay để giám sát từng người đeo vòng như thế. Như ý kiến của đại diện Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ đã phát biểu: “Chứng chỉ không phải là cây đũa thần trong quản lý. Các cơ quan quản lý cứ làm sát vấn đề, làm tốt khâu kiểm định chương trình thì sẽ không cần thêm chứng chỉ hành nghề”.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm