‘Thánh địa’ cuối cùng của cải lương Sài Gòn

Hơn năm năm qua, khi rạp Hưng Đạo - “thánh địa” của cải lương Sài Gòn từ những năm 1990 - diễn suất diễn cuối cùng vào năm 2010 rồi chính thức đóng cửa, sân khấu cải lương của Nhà văn hóa (NVH) Thanh niên đã trở thành nơi duy nhất ở Sài Gòn, mà có thể là cả nước, còn có những suất diễn cải lương đều đặn để từ người nhà quê, người trí thức cho đến Việt kiều xa quê mê cải lương tìm đến.

18 năm chưa bao giờ lỗi hẹn

Mặc cho cải lương cả nước lay lắt chuyện sáng đèn, suốt 18 năm qua, chưa có một tháng nào sân khấu cải lương này ngưng diễn. Bởi thế, cứ vào những Chủ nhật có chương trình, dù 14 giờ mới mở màn thì 12 giờ đã có nhiều khán giả chờ sẵn. Không chỉ có khán giả nội thành gần điểm diễn mà nhiều khán giả đã lặn lội từ Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ…; hay đón nhiều chặng xe buýt từ Vĩnh Long, Tiền Giang… đến xem. Nơi này không chỉ có khán giả bình dân, người lớn tuổi mà có khá đông khán giả là sinh viên, học sinh, trí thức văn phòng, bác sĩ, kỹ sư, kể cả Việt kiều và người nước ngoài cũng thường xuyên đến xem.

Minh Trí, một khán giả 30 tuổi, làm quản lý nhãn hàng cấp cao đi xem chương trình cùng với bạn là một nhân viên truyền thông vào tối 5-7, cho biết: “Tôi là dân Sài Gòn chính hiệu. Từ nhỏ tôi hay theo má đi coi cải lương. Những năm 1990 tôi với bạn bè đi coi Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm… diễn sôi nổi ở các rạp Hưng Đạo, Thủ Đô, Đại Đồng. Sau này đi làm, thỉnh thoảng tôi coi cải lương ở rạp Hưng Đạo, Nhà hát TP.HCM. Từ khi rạp Hưng Đạo không còn, tôi không biết coi cải lương ở đâu. Tôi có xem một trang web cải lương, thấy họ giới thiệu chương trình ở đây, tôi đến coi và thấy coi được”. Có thâm niên đến ba năm xem cải lương tại sân khấu này, Minh Trí vẫn là khán giả mới. Bởi nơi đây có khá nhiều khán giả kỳ cựu coi chương trình đã hơn chục năm dư, có người coi từ lúc có chương trình cho đến nay. Khi rạp Hưng Đạo mất đi, các điểm diễn này thu hút hơn cả khán giả lẫn nghệ sĩ cải lương. Ca sĩ Thanh Thúy khi làm vở tốt nghiệp đạo diễn bằng vở cải lương Huyền thoại một tình yêu có mặt các nghệ sĩ Quế Trân, Lê Tứ, Tấn Giao… cũng đã đem vở đến sân khấu này công diễn vào tháng 6-2015.

Đạo diễn Thành Bỉ - chuyên viên văn hóa nghệ thuật NVH Thanh niên, người xây dựng và thực hiện chương trình suốt 18 năm qua cho biết: “Năm 1998, NVH Thanh niên đã làm chương trình này với ý nghĩa bảo tồn sân khấu dân tộc, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc cho giới trẻ. Khởi đầu chương trình chỉ làm ở quy mô khoảng 200 người ở hội trường 2 của NVH là sân khấu hài 135. Nhưng chỉ một thời gian sau, do có hiệu quả, chúng tôi đã dời điểm tổ chức về hội trường chính với sức chứa gần 800 khán giả. Sau sáu năm tồn tại thì Đài Truyền hình TP.HCM đã liên hệ với chúng tôi để ghi hình các chương trình này phát sóng trên đài. Sau đó nhiều đài truyền hình khác cũng lần lượt tham gia ghi hình phát lại các chương trình, như các đài Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hậu Giang, SCTV13… Bên cạnh việc mời các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia chương trình, chúng tôi còn xây dựng nơi đây như một điểm đến của nhiều nghệ sĩ cải lương trẻ đang thiếu hụt điểm diễn đến trau luyện mình”.

Một chương trình vọng cổ, cải lương tại sân khấu NVH Thanh niên.

Nghệ sĩ nghiêm túc, khán giả tình nghĩa

Là một sân khấu miễn phí, song suốt 18 năm qua gần như bất cứ nghệ sĩ tên tuổi nào của làng cải lương miền Nam cũng đều đã từng có mặt ở sân khấu này. Có thể kể tên như Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Minh Cảnh, Minh Vương, Lệ Thủy, Phương Quang, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Thanh Tòng, Linh Tâm, Cẩm Thủ, Thanh Ngân, Vũ Luân, Tú Sương, Quế Trân , Lê Tứ, Hữu Quốc…; đến các giọng ca “chuông vàng vọng cổ” mới nổi như Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi… Đạo diễn Thành Bỉ cho biết các nghệ sĩ tên tuổi khi sắp xếp được đều nhiệt tình đến với nơi đây mà không hề đặt vấn đề thù lao. Bởi họ tin, ủng hộ mục đích giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên và bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc của chương trình.

Là cải lương miễn phí, song thái độ của các nghệ sĩ khi đến với nơi này là nghiêm túc, trân trọng chương trình và khán giả chứ không tùy hứng thích thì diễn, không thích thì thôi hay diễn cho có. Thành Bỉ kể khi nghệ sĩ Minh Vương nhận lời mời, ông đã hỏi han giờ giấc rất cẩn thận và có mặt trước 15 phút để chờ ra hát chứ không có chuyện đi sớm về trễ. Nghệ sĩ Kim Tử Long vì chương trình đã thông báo có tên anh nên dù bận show diễn ngoài Hà Nội, anh vẫn tranh thủ bay về vội vàng, đi thẳng từ sân bay đến chương trình để diễn tiết mục cuối chứ không làm khán giả thất vọng.

Từ cái tình bền chặt với khán giả, bất cứ chương trình nào không chỉ nghệ sĩ mới được tặng quà, tặng hoa mà cả đạo diễn Thành Bỉ cũng luôn được khán giả quan tâm khi thì chai nước, khi thì cái bánh bao, ổ bánh mì… rất tình cảm. Có lần một khán giả Việt kiều Pháp còn kiếm bằng được Thành Bỉ để tặng tờ 100 USD. Thành Bỉ không dám nhận nhưng vị này cương quyết thuyết phục rằng ông biết chương trình qua Internet nên khi về nước đã tìm đến xem. Khi xem ông đã khóc vì nhớ một thời vang bóng của cải lương. Nay thì cải lương dẹp hết, khán giả như ông muốn xem không còn biết xem ở đâu. Bởi vậy ông rất quý những người làm cải lương cho khán giả coi như thế này mà không biết thể hiện tình cảm ra sao nên chỉ biết tặng món tiền.

Có những câu chuyện, tình cảm của khán giả như thế nên có thể nói chương trình sân khấu cải lương của NVH Thanh niên TP.HCM đã như một thánh địa cuối cùng của cải lương Sài Gòn ở thời điểm hiện nay và năm năm qua.

Đến coi cải lương, tự giác không mặc quần đùi, đồ bộ

Nhiều khán giả cải lương là những người lao động bình dân quen cách ăn mặc tự do như quần đùi, dép lê, đồ bộ… đến xem cải lương. Đau đầu về chuyện này, một ngày nọ, trước khi chương trình diễn ra, đạo diễn Thành Bỉ đã trần tình, giải thích, năn nỉ khán giả thương chương trình, hãy giúp bộ mặt chương trình được văn minh, tốt đẹp bằng cách khi đến xem không cần ăn mặc đẹp mà chỉ cần gọn gàng, lịch sự để đừng bị phân biệt, so sánh với khán giả các chương trình khác. Vậy mà khán giả không giận, lại còn rất ủng hộ, quyết không làm mất mặt khán giả cải lương. Từ đó về sau họ bảo nhau khi đến xem thì mặc quần dài, bỏ áo vô quần, ăn mặc lịch sự hơn hẳn. Từ chuyện này, ban tổ chức tiến tới chuyện sửa một thói quen khác của khán giả cải lương là ném bông, ném quạt tặng tiền lên sân khấu khi nghệ sĩ đang diễn thành chỉ tặng hoa, tặng quà sau khi nghệ sĩ diễn xong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm