Thiếu 20 ngàn USD, số phận "Trung úy" sẽ ra sao?

Lý do rất đơn giản: thiếu 20 ngàn USD để thực hiện khâu cuối cùng: hòa âm lập thể (Dolby Surround). Số phận Trung úy sẽ ra sao?

Năm 2005, vị đạo diễn “mạnh miệng” Hà Sơn tuyên bố với báo giới rằng, phim Trung úy cần số kinh phí 6 tỷ đồng, trong đó 3 tỷ do Nhà nước đầu tư dưới hình thức cấp vốn. 50% còn lại, đoàn phim sẽ huy động bằng cách treo bảng... bán phim! Năm 2006, nằm trong số tiền tài trợ cuối cùng của Nhà nước dành cho điện ảnh (cùng với các dự án khác, như: Chơi vơi, Rừng đen...), phim Trung úy chính thức được nhận hơn 2 tỷ đồng. Và theo đạo diễn Hà Sơn, đoàn phim được cầm 550 triệu đồng ra trường quay... Với số tiền ít ỏi này, đoàn phim đã phải tiết kiệm đến mức tối thiểu các khoản chi phí. Cho đến giờ, Hà Sơn vẫn chưa hề nhận một đồng cát sê cho đạo diễn, tác giả, đoàn phim cũng đóng góp 34 triệu đồng với mong muốn có được một bộ phim tử tế!

Thiếu 20 ngàn USD, số phận "Trung úy" sẽ ra sao? ảnh 1

 Đạo diễn Hà Sơn

* Anh và thông tin về phim Trung úy từng làm “nóng” nhiều trang báo trước khi bấm máy. Nhưng sau khi phim quay xong, anh có vẻ rất lặng lẽ?

- Bởi vì đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Làm cho xong phần âm thanh mono để hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, với số tiền Nhà nước đã tài trợ. Nhưng anh em ở đoàn phim không chịu. Vì nếu làm âm thanh mono thì lãng phí quá!

Bộ phim thực sự tạo ra sự chú ý mặc dù mới chỉ trong nội bộ đồng nghiệp và các nhà quản lý, nhưng Nhà nước không thể cấp thêm kinh phí để phim có được âm thanh tốt hơn. Đoàn làm phim không kham được nữa, mà hãng phim thì càng bi đát hơn. Xin nói thêm, số tiền 2 tỷ 60 triệu đồng Nhà nước tài trợ cho phim Trung úy là 70% kinh phí, và 30% còn lại Hãng phim phải đầu tư thêm. Thực tế, hãng không đầu tư thêm mà còn khấu trừ. Chúng tôi chỉ được cầm 550 triệu đồng ra trường quay. Trong khi cùng thời gian này, kinh phí để thực hiện Chơi vơi, hoàn toàn không dính một cảnh bom đạn nào cả, qua báo chí tôi được biết cũng đến hơn 5 tỷ đồng. Còn với phim Đừng đốt là tiền tỷ với hai con số.

Trong quá trình làm phim, chúng tôi cũng gặp những khó khăn rất khách quan. Thời gian thực hiện 2 phút kỹ xảo mất gần một năm trời nhưng hiệu quả lại không như mong đợi.

* Điều anh nói là khó khăn chung của những người làm điện ảnh chứ không của riêng ai.

- Bạn biết không, không chỉ là chuyện tiền nong. Tại sao cho đến giờ Nhà nước không đầu tư nổi thiết bị âm thanh 5.1 cho điện ảnh VN, mà đều phải ra nước ngoài. Rẻ nhất là đưa sang Thái Lan, một nền điện ảnh phát triển sau chúng ta rất lâu. Chưa vội trách sản phẩm điện ảnh VN có đáp ứng nhu cầu của công chúng hay không mà hãy hỏi đã có tổ chức nào, kể cả cơ quan quản lý điện ảnh, nghiên cứu thực sự công chúng điện ảnh VN hay không? Người bảo có, người bảo không, người bảo công chúng méo mó, rồi quay lại chê trách điện ảnh VN.

* Rất nhiều phim gần đây đã tìm thêm được nguồn tài trợ ngoài ngân sách Nhà nước. Liệu Trung úy có hy vọng?

- Một phim chiến tranh cách mạng đi kêu gọi đầu tư từ bên ngoài quả là điều vô cùng khó khăn. Thế nhưng đã có. Sự hài lòng của nhà đầu tư đã có. Nhưng từ hài lòng đến quyết định đầu tư thì còn phải chờ xem đã.

Thiếu 20 ngàn USD, số phận "Trung úy" sẽ ra sao? ảnh 2
Cảnh trong Trung úy

* Có thông tin không chính thức rằng, phim Trung úy đã bị một số cơ quan liên quan phản ứng vì nhiều chi tiết nhạy cảm. Điều đó có đúng không, thưa anh?

- Ai cũng hỏi, nghe đến Trung úy từ công chúng đến nhà đầu tư đều nghĩ nó bị cắt. Có một số cảnh bị cắt, nhưng nó không ảnh hưởng gì đến nội dung và hình ảnh của phim. Phim Trung úy là một sự thành thật với quá khứ. Và đến thời điểm này, sự thành thật đó cũng là một sản phẩm hàng hóa. Khi xem phim Trung úy, công chúng sẽ tin câu chuyện phim là thật, con người trong phim là thật... Nó không hô hào khẩu hiệu... Khung cảnh bộ phim hoàn toàn bịa đặt. Đó là một vùng ba biên giới, chả nói rõ ở vùng biên giới nào. Si Pha cũng là nhân vật từ... trên trời rơi xuống. Phim đã cố tránh những gì nhạy cảm nhất, mặc dầu đã có ý kiến của các cơ quan liên quan e ngại.

* Số phận phim Trung úy ra sao, nếu không tìm được nhà đầu tư?

- Phim sẽ vẫn ra vào đầu năm 2010 dù có tìm được tài trợ hay không. Tôi chỉ mong muốn một điều ở bộ phim này, khi khán giả mua vé vào xem, ra khỏi rạp thì nói: cũng được.


Theo Thu Hằng (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm