Thiếu dần những vở kịch sâu lắng

Thế hệ diễn viên tương lai chọn một vở diễn mang giá trị sâu sắc cho buổi “nghiệm thu” kết quả học tập của mình. Điều đó chứng tỏ rằng tâm huyết của những nghệ sĩ tương lai là những vở diễn bi kịch, có giá trị nghệ thuật, nơi để diễn viên khẳng định tài năng diễn xuất, sự hóa thân đến tận cùng cảm xúc nhân vật. Thế nhưng, những vở kịch mang giá trị đẹp thật sự của sân khấu ở thời điểm này khá hiếm hoi.

Xem để cười, rồi quên

Khán giả yêu mến sân khấu kịch vẫn không thể quên những vở kịch từng làm nức lòng người xem và làm nên tên tuổi nhiều nghệ sĩ: Dạ cổ hoài lang, Đèn không hắt bóng, Hãy khóc đi em, Bí mật vườn lệ chi, Tiếng vạc sành,... Nhưng ở thời điểm này, khán giả khó mà tìm thấy những vở diễn có nội dung sâu sắc, giá trị nhân văn như thế. Thay vào đó là những vở kịch đậm chất hài. Một sự thay đổi gần như không cưỡng lại được của các sân khấu kịch khi đang chạy theo xu hướng khai thác tiếng cười.

Chỉ có những bi kịch mang giá trị nhân văn sâu lắng mới có thể đọng lại trong lòng khán giả. Trong ảnh: Cảnh trong vở Trong hào quang bóng tối của đạo diễn Lý Khắc Luynh
Chỉ có những bi kịch mang giá trị nhân văn sâu lắng mới có thể đọng lại trong lòng khán giả. Trong ảnh: Cảnh trong vở Trong hào quang bóng tối của đạo diễn Lý Khắc Luynh

Sân khấu 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TPHCM) lâu nay vẫn kiên trì đi theo chính kịch, nhưng những vở bi kịch ở đây cũng đã bắt đầu được pha loãng, nhẹ nhàng hơn đồng thời cũng hời hợt hơn bởi chất hài được khai thác nhiều hơn.

Khi vở Kẻ nói dối đa tình (đạo diễn Hàn Quốc Kim Eun Sung) ra mắt, nhiều người nói rằng đây là một vở hài kịch “xem được”, khá thú vị vì lối diễn xuất tự nhiên, không cường điệu của các diễn viên. Nhưng cũng không ít người cho rằng vở kịch này xem chỉ để giải trí cho vui, khó đọng lại gì về cái gọi là giá trị nghệ thuật hay ý nghĩa nhân văn, sâu sắc.

Không riêng Kẻ nói dối đa tình, nhiều vở kịch bây giờ được dàn dựng chỉ đơn thuần nhằm mục đích giải trí. Sân khấu Kịch IDECAF có Hợp đồng mãnh thú, Sát thủ hai mảnh, Lùng người trong mộng... mà cái cười được khai thác đôi khi vượt qua khỏi ranh giới cho phép của sự hài hước, đến mức quá lố và phản cảm.

Hay như Kỹ nghệ lấy Tây, Quả tim máu... của sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng mang đậm chất hài hước trên nền bi kịch; Sân khấu 5B cũng “nhượng bộ tiếng cười” bằng những vở diễn có nội dung nhẹ nhàng, vui cả làng như: Kính thưa Oshin, Nhà trọ tình yêu, Ngôi nhà của những linh hồn...

Sân khấu cứ như chạy theo trào lưu: từ ma quỷ đến cảnh nóng, đồng tính rồi hài hước. Thiếu một sự kiên định bám trụ vào giá trị nghệ thuật chân chính. Thậm chí để câu khách, các sân khấu kịch khai thác cả những vấn đề nhạy cảm, hình ảnh nhân vật đồng tính bị lạm dụng. Dạng nhân vật đồng tính được khai thác ào ạt nhưng lại thiếu một góc nhìn chia sẻ, cảm thông. Trên sân khấu, họ chỉ được khai thác ở góc độ đi đứng ẻo lả, nói năng cợt nhả, điệu bộ lả lơi – tất cả chỉ nhằm mục đích gây cười. Chưa kể họ còn bị những nhân vật khác chê cười, khinh khi, sợ hãi. Vẻ đẹp chân thực của sân khấu kịch có vẻ như càng lúc càng bị lu mờ trước những “sáng tạo nghệ thuật” chỉ nhắm đến mục đích doanh thu.

Cần những giọt nước mắt

Đạo diễn Ái Như nói: “Chúng tôi dựng vở vì khán giả và hẳn nhiên cũng không hề muốn đưa khán giả vào một bi kịch nhọc nhằn không lối thoát. Nhưng sẽ luôn có điều gì đó đọng lại sau những tiếng cười”. Và chị đã làm được điều này khi xây dựng được cả thanh âm của nụ cười nhưng cũng đầy suy ngẫm cho vở Cho em 150 phút phiêu lưu.

Sân khấu kịch vốn vẫn mang tính giải trí. Nhưng như thế không có nghĩa là dễ dãi, hời hợt. Sự nhẹ nhàng trong cảm nhận của người xem không thể là tiếng cười được khai thác quá nhiều mà là giá trị từ nét đẹp của cuộc sống, con người và tình yêu được gieo trên số phận của nhân vật. Đan xen cái hài như thế nào để vở không bị lạc nhịp và hời hợt là bản lĩnh của đạo diễn.

Vở Người điên trong ngôi nhà cổ (đạo diễn Ái Như), Trong hào quang bóng tối (đạo diễn Lý Khắc Luynh) trên Sân khấu 5B hay Người đàn bà không ngủ (đạo diễn Tuấn Khôi), Tiếng vạc sành (đạo diễn Thanh Thủy)... của sân khấu Kịch IDECAF có sự hài hước duyên dáng len nhẹ trong lời thoại nhưng giá trị nội dung và những ám ảnh bi kịch của nhân vật vẫn cứ mãi đeo đẳng trong lòng người xem. Cánh đồng bất tận (đạo diễn Minh Nguyệt) cũng là một bi kịch nhưng vẫn tạo nên một sức hút đặc biệt khi công diễn ở Sân khấu 5B. Khán giả vẫn rất cần những vở diễn có chiều sâu, lắng đọng và để lại chút dư âm trong cảm nhận.

Tiếng cười chỉ có thể là một liệu pháp giải trí nhất thời, tạo cảm giác thoải mái cho khán giả nhưng chỉ có những giọt nước mắt rơi từ những bi kịch đẹp mới có thể đọng lại trong lòng người xem. Vì vậy, sân khấu vẫn cần những bi kịch về những góc khuất nội tâm của con người, mang những giá trị đẹp và lắng sâu.

Ước muốn của người nghệ sĩ

Có chứng kiến cảnh đạo diễn Ái Như nghiêm khắc, chăm chút từng cử chỉ, cách đi đứng, diễn xuất và lời thoại cho các bạn sinh viên trong buổi luyện tập vở Đèn không hắt bóng mới thấy sự chỉn chu, cẩn thận từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của một nghệ sĩ trên sân khấu là vô cùng quan trọng. Nhưng khi diễn hài, diễn viên không cần quá lao tâm vào cảm xúc của nhân vật. Có khi, các diễn viên không kiềm chế được bản thân đã bật cười ngay trên sân khấu trong những phân đoạn quá hài hước.

Một diễn viên thường diễn hài kịch cũng nói rằng diễn hài không phải đầu tư công sức quá nhiều và diễn cũng chỉ là để góp vui cho khán giả, chứ cũng không mong rằng vai diễn ấy sẽ đọng lại gì. Anh nói rằng một vai diễn có số phận, có nội tâm sâu sắc vẫn luôn là ước muốn của nghệ sĩ.

Theo TIỂU QUYÊN (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm