Thú xiếc và nghề dạy thú

Vở diễn được tăng cường 12 loài thú của Đoàn xiếc thú Hồng Lộc. Làm thế nào để có được đoàn xiếc này là câu chuyện dài của ông bầu - người dạy thú hiếm hoi ở Việt Nam - NSƯT Hồng Lộc.

Sự gắn bó với nghề xiếc thú của ông bầu Đoàn xiếc thú Hồng Lộc bắt đầu bằng một tai nạn nghề nghiệp. Từng theo học xiếc thú chính quy tại Liên Xô từ năm 1972, sau đó về công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Hồng Lộc có đến ba huy chương vàng, năm huy chương bạc cho chuyên môn biểu diễn dây căng, đế thống và đã được phong NSƯT. Năm 1990, Hồng Lộc bị gãy cổ tay trong khi biểu diễn. Để trụ lại với nghề, anh chuyển sang diễn xiếc thú và trở thành người dạy thú xiếc có tiếng trong nước, đoạt huy chương vàng tiết mục xiếc thú với gấu ở Trung Quốc năm 2008. Câu chuyện với anh lúc nào cũng xoay quanh những con thú xiếc.

Thú có tình

Hồng Lộc kể không phải con thú nào cũng có thể làm xiếc bởi thú cũng như người, có con rất thông minh, học giỏi nhưng cũng có con học ngu, dạy mãi không được. Những con thú có thể làm xiếc trước hết phải khỏe, không dị tật, nhanh nhẹn, hoạt bát và không được nhút nhát. Người dạy xiếc thú muốn chọn một con phải ngồi nhiều giờ liền trong nhiều ngày để quan sát bầy thú xem chúng đùa nghịch, sinh hoạt thế nào. Con nào nằm nhiều dứt khoát không chọn. Có con chọn rồi, vất vả dạy rồi nhưng vẫn phải bỏ vì nó làm không hay.

Thú xiếc và nghề dạy thú ảnh 1

Tiết mục xiếc cá sấu của Đoàn xiếc thú Hồng Lộc. Ảnh: Hòa Bình

Nhiều loài thú xiếc có mặt trên sân khấu chỉ có vai trò “đạo cụ” như gà, vịt, bồ câu, trăn, ngựa…, chỉ một số ít loài có trí thông minh cao, thích hợp làm xiếc như gấu, khỉ, chó… Thông minh nhất là khỉ nhưng hiếu động, mất kỷ luật nhất cũng là khỉ. Bắt đám khỉ xiếc vào nề nếp thật chẳng dễ chút nào nhưng với Hồng Lộc, dạy gấu làm xiếc mới là khó nhất vì gấu to lớn, dềnh dàng mà phải làm những động tác rất khó như chạy xe đạp, chạy xe máy, trồng chuối… Tuy nhiên, gấu cũng là loài vật để lại nhiều kỷ niệm nhất với anh.

Dạy hơn 30 con gấu cho các đoàn xiếc khắp Việt Nam, Hồng Lộc ấn tượng nhất với con gấu tên An của Đoàn xiếc Long An. Con gấu này thông minh đến mức có những động tác các con gấu khác phải tập cả tháng mới xong thì nó chỉ nghe và tập 1-2 ngày là làm được. Riêng ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Hồng Lộc rất thương con gấu tên Nhất bởi nó có nghĩa và rất mến chủ. Dạy thú cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mỗi ngày đến cơ quan việc đầu tiên anh làm là ra thăm các con thú. Cứ nghe thấy mùi anh từ xa là con Nhất đã đập cửa ầm ầm đòi gặp. Bởi thế mà thành giai thoại ngày nào anh vào cơ quan lúc nào là mọi người biết ngay nhờ vào tiếng đập cửa của con Nhất.

Chuyện của người làm xiếc thú

Ở buổi diễn phúc khảo của vở Tarzan và những người bạn, do bất ngờ có sự thay đổi về giờ giấc nên tiết mục xiếc trăn đã phải đưa diễn viên thực tập lên thế chỗ diễn viên chính đi vắng. Diễn viên thay thế đã bị trăn cắn mấy nhát chảy máu mà vẫn phải tiếp tục diễn như không có chuyện gì. Nghệ sĩ Hồng Lộc cho biết: “Đó là việc phải chịu với người làm xiếc thú. Không một người làm xiếc thú nào mà trên người không có sẹo. Một ngày, người dạy thú phải mất ít nhất 8-10 tiếng để chăm sóc, huấn luyện thú. Khi nó quen chủ rồi thì ngày nào cũng phải chăm nom cho nó mến mình bởi càng gần gũi với nó càng tránh được tai nạn xảy ra”.

Hồng Lộc kể có những tai nạn thương tâm xảy ra với người làm xiếc thú. Và cả giới làm xiếc ai cũng biết câu chuyện của bác Đức - một diễn viên xiếc gấu nổi tiếng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nhiều năm trước, vào đêm diễn cuối cùng trước khi nghỉ hưu, tuy đã linh tính thấy những bất an nhưng bác Đức vẫn ra diễn cùng ba con gấu. Tai nạn xảy ra khi một con tấn công bác, hai con còn lại bị kích động cũng lao vào tấn công theo. Đoàn xiếc phải dùng những biện pháp mạnh để đánh bọn gấu, kể cả đốt lửa để cứu bác nhưng vẫn không kịp, bác Đức đã bị cắn nát mặt, nát tay, tàn phế vĩnh viễn…

Hồng Lộc chia sẻ: “Với nghề này, chỉ những con thú hoang dã mới làm xiếc tốt vì thú nuôi sức đề kháng kém, không nhanh nhẹn, khôn ngoan bằng thú hoang. Diễn chung với hổ, báo, sư tử… ít nguy hiểm hơn diễn với gấu vì động tác của chúng đơn giản, người diễn luôn đứng ở khoảng cách xa và có roi để điều khiển cũng như tự vệ. Trong khi động tác của gấu rất khó, người diễn phải áp sát và chẳng có gì để tự vệ. Sau tai nạn của bác Đức, những người làm xiếc gấu chỉ chọn những con gấu con hoang dã còn bú bình để nuôi dạy. Những con nào đã được mẹ dạy rồi chủ sẽ rất khó dạy và nó sẽ dễ tấn công chủ. Bởi thế khi nào người làm xiếc thú cảm thấy không tự tin là phải ngưng ngay không diễn nữa, hoặc khi những con thú xiếc trở nên hung hãn, khó dạy thì phải bỏ đi, không được tiếc”.

Đoàn xiếc thú duy nhất Việt Nam

Ngoài Đoàn xiếc thú Hồng Lộc, hiện ở Việt Nam chưa có một đoàn chuyên về xiếc thú mà chỉ có nhỏ lẻ vài con thú xiếc trong một đoàn xiếc. Ngay cả những đoàn xiếc lớn cũng dần loại xiếc thú ra khỏi hoạt động của mình vì nuôi thú rất vất vả, tốn kém. Tuy Đoàn xiếc thú Hồng Lộc chỉ có voi, ngựa, gấu, chó sói, dê, trăn, rắn, chó, mèo, gà, vịt, bồ câu, ngỗng, cá heo, hải cẩu nhưng đi đến đâu cũng được các khán giả nhí ủng hộ.

Trong năm 2010 và 2012, sau khi chuyện voi xiếc quật chết người ở Gia Lai, voi kéo gỗ của một đoàn xiếc tư nhân thuê quật chết người ở Đồng Nai thì không đoàn xiếc nào dám cho voi đi lưu diễn tỉnh. Nguyên do khi đưa thú lớn di chuyển đường xa và thay đổi môi trường sống, sự chăm sóc, chuồng trại không tốt, thú sẽ trở nên stress và mất kiểm soát, gây nguy hiểm cho người làm xiếc lẫn khán giả. Hai năm qua, Đoàn xiếc TP.HCM đã đem hai con voi xiếc của mình cho Sở thú và cho tỉnh Đồng Nai chứ không dám giữ để biểu diễn.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm