Thương tiếc tác giả Sơn nữ Phà Ca

Soạn giả cải lương Quy Sắc đã qua đời tại nhà riêng ở C16 cư xá Vĩnh Hội, phường 5, quận 4, TP.HCM, để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và người mộ điệu.

Ông sinh năm 1924 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương, tên thật là Nguyễn Phú Quý. Nghệ danh Quy Sắc là cách ông chơi chữ đánh vần tên của mình. Ông có bằng Thành chung của Pháp, thời trẻ là thầy giáo dạy Việt văn. Thời đó cải lương lại rất thịnh hành nên thầy Quý mày mò tự viết tuồng, với vở đầu tiên là Nghiệp giáo. Cái duyên sân khấu đến với ông khi ông là gia sư dạy kèm cho nghệ sĩ Thanh Nga và gặp soạn giả Nguyễn Phương - vốn là thầy tuồng chính cho Đoàn cải lương Thanh Minh và tình cờ quen biết soạn giả Kiên Giang. Hai người viết vở cải lương Người vợ không bao giờ cưới, tức Sơn nữ Phà Ca. Vở tuồng rất thành công, đem lại huy chương vàng giải Thanh Tâm cho nghệ sĩ Thanh Nga khi mới 16 tuổi. Từ đó cái tên Quy Sắc mới nổi tiếng. Soạn giả Kiên Giang kể, Quý đưa ông một kịch bản có tên là Đời sơn nữ để nhờ chỉnh sửa giúp. Ông đã xem và gia cố lại, sửa tựa thành Người vợ không bao giờ cưới, ký tên chung Phúc Nguyên - Kiên Giang. Phúc Nguyên là tên con gái lớn của Quy Sắc. Vở diễn thành công rực rỡ, hai ông đã cao hứng hứa gả con cho nhau. Con trai đầu của soạn giả Quy Sắc đã có tên là Mộng Long nên con gái lớn của soạn giả Kiên Giang dù có tên khác cũng được gọi là Phà Ca từ bé đến lớn.

Thương tiếc tác giả Sơn nữ Phà Ca ảnh 1

Soạn giả Quy Sắc và vợ. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Tại đám tang ông, soạn giả Kiên Giang ngậm ngùi cho biết: “Ông này sống rất hiền, đối xử với bạn bè, mọi người rất được. Là thầy giáo nên ổng mang nhiều tâm huyết xã hội, thường viết những đề tài phê phán cái xấu, xây dựng xã hội. Nếu có viết về tuồng lịch sử, tuồng của ổng cũng gửi gắm tư tưởng về xã hội đương thời, xây dựng tình người, nhân cách con người cao đẹp”. Năm 1972, khi Đoàn cải lương Bạch Tuyết - Hùng Cường thành lập có vốn rất lớn, đoàn này đã tin tưởng đặt hàng Quy Sắc viết ba vở cải lương Trăng thề vườn thúy, Má hồng phận bạc, Từ - Kiều ly hận để khai trương. Năm 1988, ba kịch bản này, dưới sự biên tập lại của soạn giả Mộc Linh, lại được khán giả cả nước nồng nhiệt, trân trọng đón nhận qua vở cải lương video Kim Vân Kiều do nghệ sĩ Bạch Tuyết đạo diễn và thực hiện. Từ xa, không về TP.HCM được, qua điện thoại, nghệ sĩ Bạch Tuyết xúc động: “Sự ra đi của một người luôn làm người khác thấy buồn mà với một người tài hoa như soạn giả Quy Sắc là cả một sự thương tiếc lớn. Tôi vô cùng thương tiếc ông. Ông là một người sống có nhân cách. Là thầy giáo, tuồng ông viết giàu tính văn chương và ông làm việc rất cẩn trọng với từng câu chữ, chi tiết trong vở tuồng. Điều đó làm tôi nhớ mãi”.

Tổng kết lại, đến cuối đời, soạn giả Quy Sắc viết được khoảng 70 vở tuồng và thường hợp soạn với nhiều soạn giả tên tuổi khác như Kiên Giang, Loan Thảo, Mộc Linh, Nhị Kiều-Cô Nguyệt… Bài vọng cổ nổi tiếng nhất của ông là bài Cô bán đèn hoa giấy. Bài hát này thập niên 1950 từng đem lại danh hiệu “Đệ nhất nữ danh ca vọng cổ” cho nghệ sĩ Thanh Hương. Nghệ sĩ Lệ Thủy do ngưỡng mộ bài hát này mà tập tành ca hát để trở thành nghệ sĩ và cũng nổi tiếng khi hát lại Cô bán đèn hoa giấy.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm