Trần Tố Nga và Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt

Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt của tác giả Trần Tố Nga vừa chính thức ra mắt độc giả vào ngày 30-8, do NXB Trẻ xuất bản.

Đây là cuốn tự truyện bà viết về đường đời 75 năm đầy đau thương và mất mát của một thời kỳ mà bà từng sống. Toàn bộ số tiền bán được từ cuốn sách sẽ dành để lo cho chi phí của vụ kiện mà bà đã đeo bám suốt nhiều năm qua.

Cuốn sách - hành trình đầy nước mắt

Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt được tác giả Trần Tố Nga viết trên đất Pháp, trong thời gian bà chờ đợi để lên bàn mổ vì căn bệnh ung thư. Cuốn sách không chỉ kể lại câu chuyện đời của riêng một người mà ở đó còn là cuộc sống và tinh thần chiến đấu của một lớp người trong một giai đoạn đầy biến động của dân tộc.

Một điều đặc biệt là cuốn sách được NXB Trẻ xuất bản chỉ trong vòng bảy ngày. “Đó quả là một điều kỳ diệu vì cuốn sách xuất bản trong một thời gian quá ngắn” - bà mở đầu cuộc trò chuyện, gửi lời cám ơn đến NXB Trẻ.

Đó là hành trình mà cô tiểu thư Sài Gòn Trần Tố Nga, học sinh Trường Marie Curie, năm 13 tuổi ra Bắc học Trường học sinh miền Nam. 10 năm trên đất Bắc, bà đã tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa hóa mà chiến tranh vẫn ngày càng ác liệt. Cầm bằng đại học trên tay, bà không chọn ra nước ngoài học tiếp mà khoác ba lô cùng bạn bè vượt Trường Sơn vào Nam để được chiến đấu cùng với mẹ.

Chiến tranh đã qua đi từ lâu, ngỡ rằng hòa bình đã đến thực sự nhưng 40 năm sau chiến tranh, bà mới phát hiện mình và hai người con bị nhiễm chất độc da cam. Ban đầu bà không đồng ý sẽ kiện các công ty hóa chất vì nghĩ mình đã lớn tuổi. “Nhưng sau đó có một cái lẽ mà không cách nào mình từ chối được. Nếu thắng kiện, đó sẽ là án lệ cho tất cả nạn nhân da cam trên thế giới này, dựa trên cơ sở đó đi đòi công lý” - bà nói.

Bà Trần Tố Nga ký tặng sách cho mọi người tại buổi giao lưu. Ảnh: THANH TUYỀN

Từ năm 2015, bà bắt đầu chuẩn bị hồ sơ cho vụ kiện. Ngày 14-5-2014, tòa đại hình Evry của Pháp đã chấp nhận đơn kiện và đơn kiện được chuyển đến 26 tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ tháng 4-2016 đến tháng 7-2017, bà cùng những luật sư của mình trải qua tám phiên tòa. Trong hơn một năm, vụ việc chỉ dừng lại ở chỗ làm thủ tục, không tiến triển gì thêm.

Và chính ngọn lửa bền bỉ đó đã luôn hun đúc trong bà ý chí để chiến đấu tiếp cho vụ kiện. Cuốn sách được ra đời cũng là một cột mốc để bà có thêm sức mạnh chuẩn bị cho phiên tranh tụng lần thứ chín vào tháng 9 tới đây.

Gửi gắm thế hệ trẻ

Bà Tố Nga bộc bạch Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt không dành cho một cá nhân cụ thể nào mà bà xin gửi lại cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ. “Tôi đặc biệt gửi đến thế hệ trẻ vì tôi nghĩ rằng thế hệ chúng tôi đã làm xong nhiệm vụ của mình, đã đi gần trọn đường trần của mình rồi. Tương lai của đất nước, hạnh phúc của nhân dân, sự bình an của mọi người hiện nằm trong tay thế hệ trẻ. Hy vọng các bạn trẻ sẽ đọc Đường trần và thấy rằng đây là điều mà tôi muốn trao lại cho các bạn. Trần Tố Nga chỉ đại diện cho một thế hệ, tôi - thế hệ đi trước trao lại cho thế hệ sau để các bạn đi tiếp con đường của mình” - bà trải lòng.

Bà cũng nói rằng con Đường trần trong thời hòa bình còn gian nan hơn nhiều so với con đường trần trong thời chiến. “Thời chúng tôi bằng sự hồn nhiên mà tranh đấu. Còn các bạn hiện nay phải có nghị lực, dũng cảm để đấu tranh xem cái nào là cái đẹp thực sự, cái nào là cái hạnh phúc thực sự của ngày hôm nay” - bà nhấn mạnh.

Đây là một cuốn sách đặc biệt và quan trọng trong năm 2017 mà chúng tôi xuất bản. Với cuốn tự truyện Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt, có nhiều chi tiết mà chúng ta thấy ở đó không chỉ là câu chuyện của cuộc đời mà còn là không khí lịch sử đã qua của một giai đoạn của đất nước chúng ta. Tác giả đã viết cuốn sách không chỉ bằng ngòi bút, bằng trí tuệ mà còn bằng cả nhân cách và cuộc đời của mình.

Ông NGUYỄN MINH NHỰT, Giám đốc NXB Trẻ

Tại buổi ra mắt, Lê Khánh Duy (một thanh niên trẻ) đã hỏi bà Tố Nga rằng nếu thực sự cô thắng trong vụ kiện chất độc da cam, với mức bồi thường mà cô nhận được, cô mong muốn sẽ làm gì với nó. Bà trả lời: “Ước nguyện cuối cùng của tôi là với những gì mà họ bồi thường, tôi có thể lập một ngôi trường đào tạo nghề cho các nạn nhân da cam... Đừng nhìn nạn nhân da cam với con mắt thương hại mà hãy đồng cảm với họ, làm sao góp sức để thảm họa da cam bớt đi”.

75 tuổi, mang trong mình căn bệnh ung thư và nhiều di chứng khác của chất độc da cam, bà đã hỏi lại người bạn trẻ rằng: “Nếu đến lúc đó cô chết đi thì với khoản bồi thường đó, con có dám thay cô để thực hiện tiếp những gì mà cô đang làm. Thế hệ trẻ các con sẽ làm điều đó chứ!?...”.

Câu hỏi của bà và câu trả lời của Duy: “Dạ có!” một lần nữa khẳng định lại ngọn lửa luôn hừng hực cháy, như tên cuốn sách của bà: Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt.

Không hối tiếc vì sinh ra trong thời chiến

Khi được hỏi rằng có bao giờ bà ước mình được sinh ra trong thời cuộc khác, thời kỳ của sự yên ấm, hòa bình hơn hay không, bà Trần Tố Nga bộc bạch: “Nếu sinh ra trong một thời cuộc, một hoàn cảnh lịch sử khác thì tôi và những người phụ nữ khác, nhiều con người khác đã không phải chịu đựng tất cả gian nan mà dân tộc chúng ta trải qua.

Nếu hỏi rằng tôi có tiếc khi đã sinh ra ở thời chiến hay không thì tôi xin trả lời là không. Vì con người không thể chọn lúc mình ra đời nhưng chúng ta có quyền chọn thái độ sống với thời cuộc đó. Và thật may mắn khi tôi đã chọn thái độ đúng đắn với thời cuộc của mình, dám dấn thân đương đầu với tất cả”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm