Trăng nghẹn vẫn... nghẹn giải thưởng

Tuy nhiên, trưởng ban tổ chức cuộc thi khẳng định với Pháp Luật TP.HCM rằng “toàn bộ giải thưởng chưa từng công bố”.

Trăng nghẹn vẫn... nghẹn giải thưởng ảnh 1

Kết quả cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ IV-2009

Ban chung khảo: Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu - trưởng ban; nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Chủ tịch LHHVHNT An Giang - thành viên; nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội VHNT Long An - thành viên.

Ban tổ chức: Nhà thơ Phan Huy, Chủ tịch LHCHVHNT TP Cần Thơ - trưởng ban; nhà văn Nguyễn Khai Phong, Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ - Phó Trưởng ban; nhà văn Lê Xuân - Thư ký. Cùng tham dự có nhà văn Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.

Sau khi các thành viên ban chung khảo và ban tổ chức thảo luận, đánh giá điểm chấm 60 bài dự thi của ba giám khảo vòng chung khảo, đã nhất trí kết quả.

Giải nhất: Trăng nghẹn (Hoài Tường Phong - Cần Thơ).

Giải nhì: 1. Sương hồ (Lê Thanh My - An Giang). 2. Đôi bờ (Ngô Thị Thu Vân - Bến Tre).

Giải ba: 1. Hình như (Phạm Nguyên Thạch - An Giang); 2. Về nhà xưa uống rượu (Nguyễn Trung Nguyên - Cần Thơ); 3. Thương nhớ đồng bằng (Thạch Thị Liễu - Hậu Giang).

Giải khuyến khích: 1. Quê cũ bâng khuâng (Hà Ngọc Trảng - Vĩnh Long); 2. Nơi tôi lớn lên (Hữu Nhân - Đồng Tháp); 3. Thơ buồn ta viết về em (Thanh Ngọc - Kiên Giang); 4. Điều còn lại trên cánh đồng (Đông Triều - An Giang); 5. Nắng đã kêu chiều (Lê Minh Tân - Vĩnh Long).

(Theo website Hội Nhà Văn Việt Nam)

Trang web của Hội Nhà văn Việt Nam vào ngày 22-2 có đăng văn bản thông báo kết quả cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ IV-2009 có phần “đã ký” của trưởng ban tổ chức cuộc thi. Theo văn bản này, vào “15 giờ ngày 20-2-2010 tại Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP Cần Thơ, ban tổ chức và ban chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL đã họp xét kết quả cuộc thi” và  “sau khi các thành viên ban chung khảo và ban tổ chức thảo luận, đánh giá điểm chấm 60 bài dự thi của ba giám khảo vòng chung khảo đã nhất trí kết quả: Giải nhất: Trăng nghẹn  (Hoài Tường Phong - Cần Thơ)”. Dự kiến giải thưởng sẽ được trao vào Ngày thơ Việt Nam (ngày rằm tháng Giêng âm lịch, tức ngày 28-2). Tuy nhiên cho đến thời điểm này (gần một tháng sau thời điểm dự kiến), giải thưởng của cuộc thi vẫn chưa được trao, dư luận đang dấy lên thông tin bài thơ Trăng nghẹn đoạt giải nhất bị rút giải thưởng. Để làm rõ vụ việc, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài thơ và ý kiến đại diện ban tổ chức, ban chung khảo của cuộc thi và các nhà thơ có liên quan về sự kiện này.

Do sai sót của một thành viên ban tổ chức!

Ngay trong buổi họp ngày 20-2, ban tổ chức và ban chung khảo có thỏa thuận khi nào có kết luận cuối cùng của ban tổ chức mới công bố. Chưa công bố kết quả ngày 20-2 bởi đó chỉ là ý kiến của ban chung khảo. Tuy nhiên, một thành viên trong ban tổ chức (ông Lê Xuân Bột, thư ký ban tổ chức) làm rò rỉ nội dung trên bằng việc tung lên các trang web nội dung kết quả chưa được ban tổ chức thông qua và tôi chưa ký. Chúng tôi đã họp phê bình thành viên này về việc vi phạm quy chế thi và quy chế phát ngôn. Bởi người phát ngôn về kết quả cuộc thi này không ai khác ngoài tôi - trưởng ban tổ chức.

Ban tổ chức có làm việc với ban chung khảo và ban chung khảo vẫn bảo lưu kết quả. Nhưng những kết quả này vẫn chưa được công bố, bởi ban tổ chức chưa có kết luận cuối cùng. Hiện có hai kênh dư luận hoan nghênh lẫn phê phán bài thơ Trăng nghẹn. Tôi tôn trọng công chúng thơ và tôi sẽ cân nhắc giữa hai kênh dư luận này để đưa đến kết luận cuối cùng. Kết luận của tôi đúng hay sai tôi chịu trách nhiệm trước dư luận.

Dự kiến đầu tuần này sẽ họp trao giải nhưng trụ sở hội ở đây đang sửa, tôi muốn cả hai việc vui cùng tổ chức một lần. Thế nên tuần sau sẽ vừa mừng trụ sở hội mới và trao giải cuộc thi thơ luôn.

Nhà thơ Phan Huy, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP Cần Thơ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long lần IV-2009

Ban chung khảo làm đúng thể lệ!

Trăng nghẹn vẫn... nghẹn giải thưởng ảnh 2

Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu

Sau vòng sơ khảo, ban tổ chức cuộc thi đã chuyển đến ba thành viên trong ban chung khảo 60 tác phẩm thơ lọt vào vòng chung khảo. Ba thành viên ban chung khảo đọc nó trong vòng hai tháng. Mỗi người tự chấm, đánh giá và cho ý kiến cá nhân. Ngày 20-2, chúng tôi cùng họp và tranh luận trong phiên cuối cùng để chọn tác phẩm nào đoạt giải.

Trong suốt quá trình chấm, đánh giá, tất cả chúng tôi đều không được biết ai là tác giả bài thơ mà chỉ chấm trên mã số dự thi. Đến khi chọn tác phẩm đoạt giải mới đối chiếu ra tên tác giả. Sau khi có kết quả xong, ba thành viên đều ký vào biên bản kết quả cuộc thi và gửi lại ban tổ chức. Phần bảo lưu kết quả nằm ở ban tổ chức, chúng tôi không giữ.

Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, Trưởng ban chung khảo cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long lần IV -2009

Ban tổ chức vẫn có quyền rút giải

Trăng nghẹn vẫn... nghẹn giải thưởng ảnh 3
Nhà thơ Vũ Quần Phương

Cho đến thời điểm này, hội đồng thơ chưa có ý kiến gì về sự việc Trăng nghẹn. Riêng cá nhân tôi, tôi đã đọc bài thơ. Bài thơ có nói tới hiện thực nhưng không có dụng ý bôi đen nên không ngại gì. Tuy nhiên là sản phẩm của một cuộc thi, lại được khẳng định, tức là trao giải nhất thì chúng ta nên khuyên tác giả sửa bốn câu cuối, đừng để cái bế tắc vào đoạn kết làm ảnh hưởng toàn bài. Nếu không sửa được bốn câu cuối thì xin sửa một chữ ở câu cuối: “chưa tỏa sáng” thì sửa là “sẽ tỏa sáng” thì không ai bắt bẻ được, lại thể hiện ý chí phấn đấu và lòng tin.

Với một cuộc thi thông thường, nếu ban giám khảo quyết định trao giải, ban tổ chức vẫn có quyền rút giải. Bởi ban giám khảo chỉ là người đọc thuê của ban tổ chức để chấm giải mà thôi. 

Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội Nhà văn Việt Nam

Ở TP.HCM, ban giám khảo toàn quyền

Trăng nghẹn vẫn... nghẹn giải thưởng ảnh 4
Nhà thơ Lê Văn Thảo

Ngay hôm họp công bố kết quả của cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IV-2009, tôi tham dự với tư cách người đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam theo dõi để nắm tình hình sáng tác, tôi không tham gia chấm giải hay tổ chức cuộc thi.

Mỗi giải thưởng có quy chế và thể lệ riêng nên việc ban giám khảo trao giải, ban tổ chức rút giải tôi không ý kiến. Riêng ở TP.HCM từ xưa đến nay, ban giám khảo là những người có toàn quyền quyết định kết quả một cuộc thi. Ban tổ chức chỉ tham gia dưới góc độ phạt nếu tác phẩm dự thi vi phạm quy chế. Ví dụ, khi tác phẩm dự thi sửa quá nhiều, ban tổ chức sẽ can thiệp.

Nhà văn Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách phía Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM

Cuộc chơi thơ càng cần có luật

Cái vụ Trăng nghẹn ở đồng bằng sông Cửu Long làm tôi chợt nhớ hai câu thơ này trong bài thơ Trăng lu của nhà văn Lê Vĩnh Hòa thời đất nước ta đang có chiến tranh:

Trung thu trăng trước chưa về

Nhớ trăng quằn quại bờ tre đầu làng

Trăng nghẹn vẫn... nghẹn giải thưởng ảnh 5
Nhà thơ Chim Trắng

Tò mò, tôi nhờ chú-em-bạn bè ở Mặt trận Tổ quốc Bến Tre dùng sào giựt dừa móc Trăng nghẹn từ vệ tinh xuống xem sao. Trước nhất, tôi thấy rằng bất kỳ một ban giám khảo (BGK) nào tự thân cũng có sự hạn chế nhất định. Nếu BGK đã làm việc dân chủ và công tâm, đã quyết Trăng nghẹn giải nhất rồi thì không một ban nào khác có quyền thay đổi. Điều này đã không xảy ra, bằng chứng là Trăng nghẹn đã được đóng mộc giải nhất. Còn tiếp theo, ban tổ chức cuộc thi phải thực thi nhiệm vụ của mình là phát giải. Cuộc chơi nào cũng có luật, đánh đáo, chạy đua, kéo tay cũng có luật. Cuộc chơi thơ cũng có luật, càng có luật. Nếu có ý kiến của số đông thì số đông cũng chưa chắc đúng nhưng phải thành tâm ghi nhận, chờ nghe tiếp ý kiến khác. Còn việc phát giải là phải thực hiện, không được phép truất giải. Người đọc, người thưởng ngoạn bây giờ bản lĩnh, độc lập lắm, không lo, nếu lo ngại họ bị ngộ độc e rằng chúng ta quá coi thường họ. Vả lại Trăng nghẹn chưa được kết luận là gì cả, chỉ có một kết luận của BGK là đoạt giải nhất, thế thôi.

Còn tôi thấy rằng Trăng nghẹn chưa phải là bài thơ hay nhưng là một bài thơ đứng được. Được bao lâu thì chưa biết, còn chờ điều người ta thường nói đến sáo mòn là vị giám khảo của thời gian.

Thấy rằng Trăng nghẹn không được một tứ thơ mới lạ nhưng nhờ vào sự cảm (rung động chân thành, chữ nghĩa dân dã: Vùng tản cư này ruộng hoang nhà trống/ Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân. Hoặc: Không biết lời bãi buôi để mua lòng người khác). Thấy rằng còn chỗ vụng về trong việc dàn xếp câu thơ (Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó. Như: Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê). Lủng củng quá! Lại thấy rằng Trăng nghẹn có tâm trạng. Tâm trạng nên câu thơ nghèn nghẹn, ray rứt, đôi khi bực bội. Vì vậy, có người đưa tay lên “tôi có ý kiến” là chuyện bình thường chứ không phải bất thường, càng không phải bó tay không dám phát giải. Tôi nghèn nghẹn, tôi đau lòng, thậm chí tôi phẫn nộ, tôi ôm ngực tôi chứ tôi không vung tay đấm vào điều quốc gia không cho phép. Tôi cũng rất thích hai câu rất tâm trạng này:

Cô bạn xưa nách con ngang

nhà mua chịu rượu

Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn

ngó bàn chân.

Nó có sức rung khiến cho những kẻ lãng mạn, kẻ thất tình bất ngờ gặp lại nỗi buồn mình và hát lên khe khẽ. Thấy muốn xin nói nhỏ với tác giả rằng thơ là… là tâm trạng nhưng Trăng nghẹn có vài chỗ  không được kiềm chế, gây sốc không cần thiết. Thấy rằng ban tổ chức cuộc thi trước hết vì luật chơi, sau là vì sự điệu đàng sòng phẳng, thẳng thắn của người miệt sông nước. Hãy phát giải đi! Mong lắm thay!

Bến Tre, 3-2010

Nhà thơ Chim Trắng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ TP.HCM

Trăng nghẹn vẫn... nghẹn giải thưởng ảnh 6

Trăng nghẹn

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,

Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.

Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,

Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,

Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.

Không biết lời bãi buôi để mua lòng người khác,

Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.

Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,

Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.

Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê

vẫn còn đó,

Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,

Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.

Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,

Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,

Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.

Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,

Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,

Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.

Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền

báo hiếu,

Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:

Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,

Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,

Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,

Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.

Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,

Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng

một vùng quê.

Hoài Tường Phong

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm