Trùng tu di tích để kinh doanh cà phê?

Lầu Tứ Phương Vô Sự được xây dựng vào năm 1923 thời vua Khải Định. Vốn dĩ đây là nơi giải trí của hoàng gia và cũng là nơi học tập hằng ngày của các hoàng tử và công chúa vào thời cuối triều Nguyễn. Đến tháng 10-2010, công trình này được khởi công trùng tu và hoàn thành với mức đầu tư hơn 9 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nơi đây lại trở thành một quán cà phê, thậm chí một số bạn trẻ ngay trong ngày đầu khai trương đã đến đây để đánh bạc. Từ đây nhiều nhà nghiên cứu Huế cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận lại việc kinh doanh di tích như thế nào cho thỏa đáng?

“Tạo cảm giác ông hoàng bà chúa ngày xưa”

Ngày 22-5, quán cà phê Tứ Phương Vô Sự Lầu đã chính thức khai trương và mở cửa đón khách từ 6 giờ sáng đến 22 giờ tối hằng ngày. Trong tờ rơi quảng cáo của quán cà phê này ghi rõ: “Không gian kiến trúc sang trọng và đa dạng, phong cách phục vụ chu đáo tạo cho bạn cảm giác của những ông hoàng bà chúa ngày xưa khi đến với Tứ Phương Vô Sự”.

Chủ quán cà phê cho biết: “Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức đấu thầu, chúng tôi tham gia và trúng thầu, được kinh doanh ở đây trong vòng ba năm. Mỗi năm, chúng tôi phải đóng 200 triệu đồng. Quán hoạt động chủ yếu phục vụ cho du khách tham quan kinh thành Huế nhưng nếu người dân nào muốn vào cũng được. Chúng tôi đang trình lên cơ quan chức năng để tổ chức biểu diễn ca Huế cho du khách”.

Trùng tu di tích để kinh doanh cà phê? ảnh 1

Khách tham quan ngồi uống cà phê trong di tích Lầu Tứ Phương Vô Sự. (Ảnh chụp ngày 22-5) Ảnh: ĐÌNH DŨNG

Ngay từ ngày đầu, quán đã thu hút khá đông khách đến. Toàn bộ không gian của Lầu Tứ Phương Vô Sự sắp xếp la liệt bàn ghế để phục vụ khách. Một quầy tính tiền được đặt ngay chính phòng trung tâm. Thậm chí trên lầu 2, chúng tôi còn chứng kiến cảnh một bàn bốn bạn trẻ ngang nhiên đánh bạc.

Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung Tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết việc mở thêm dịch vụ giải khát trên Lầu Tứ Phương Vô Sự đã được UBND tỉnh đồng ý nên trung tâm tổ chức đấu thầu. Ông Phùng Phu khẳng định quan điểm ngay từ đầu của trung tâm là mở dịch vụ nước giải khát để đáp ứng nhu cầu của du khách. Vì trước đó, đã có nhiều du khách phản ánh và đề nghị với phía trung tâm nên có một không gian trong hoàng thành để khách có thể sau một chặng đường dừng lại nghỉ ngơi và uống nước. Tuy nhiên, đây vẫn là nơi chủ yếu trưng bày kết hợp với bảo tàng để du khách có thể tra cứu tư liệu, đọc các cuốn sách về triều Nguyễn chứ không chỉ đơn thuần là bán cà phê. “Chúng tôi sẽ xem lại cách triển khai của nhà đầu tư” - ông Phùng Phu nói.

Ứng xử với di tích phải có thái độ trang nghiêm

Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Nguyễn Đắc Xuân, cho biết: “Việc chúng ta phục hồi được Lầu Tứ Phương Vô Sự là một việc làm rất quý. Nhiệm vụ của các nhà chuyên môn là phải phục hồi cho đúng lại di tích. Đặc biệt, Lầu Tứ Phương Vô Sự vốn dĩ ngày xưa là nơi học của ông hoàng bà chúa thì việc bài trí lại bàn ghế trong di tích này cũng phải rất trang nghiêm và làm như bảo tàng. Đây sẽ như một nơi để du khách đến tham quan và hiểu được một phần lịch sử”.

Ngoài ra, cũng theo nhà nghiên cứu, với một quần thể di tích rộng, các nước trên thế giới cũng có hình thức bán thêm tài liệu, bản đồ liên quan đến di tích, cà phê, nước ngọt, bánh nhẹ nhưng tuyệt đối không phải là quán và phải bán phía sau di tích. “Chúng ta không nên cực đoan cấm nhưng cũng không thể để cho các cá nhân xâm phạm di tích. Đặc biệt, không thể dùng nơi bài trí lại các bàn ghế vua chúa học để sắp xếp bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê” - ông Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cũng cho rằng: “Lầu Tứ Phương Vô Sự vốn dĩ từng là nơi để các hoàng tử, công chúa học bài. Như vậy chúng ta phải sử dụng đúng chức năng của nó là chức năng giáo dục chứ không phải để kinh doanh như vậy”.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cũng nói thêm, cách đây nhiều năm, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng từng cho mở một nhà hàng trong khu vực Thế Miếu, kinh thành Huế. Sau khi mở nhà hàng này cũng đã xảy ra những việc không hay và UBND tỉnh đã có quyết định dời nhà hàng đến địa điểm khác. Một bài học kinh nghiệm như vậy đã từng có nhưng không hiểu sao giờ lại lặp lại.

“Thực ra, chúng ta có thể có một góc nhỏ để bán nước giải khát cho du khách nhưng không thể dùng toàn bộ di tích để kinh doanh. Kinh doanh như thế là có hại cho di tích, làm di tích không còn tính trang nghiêm. Hãy tôn trọng di tích và có thái độ đối xử với di tích một cách trang nghiêm” - nhà nghiên cứu Phan Thuận An nói.

Sẽ điều chỉnh lại nếu xâm phạm di tích

Lầu Tứ Phương Vô Sự ý nghĩa để hóng mát, ngắm cảnh, du khách cũng cần một điểm dừng chân, nghỉ ngơi uống nước. Đây cũng không phải là nơi thờ tự vì vậy quan điểm của UBND tỉnh là muốn để Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm thử vừa phục vụ du khách và vừa làm di tích sống động hơn, có nguồn thu. Tuy nhiên, nếu việc kinh doanh đó quá lấn chiếm di tích, xâm phạm di tích thì UBND tỉnh sẽ xem xét lại và đề nghị điều chỉnh.

Ông Ngô Hòa,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm