Trùng tu kiến trúc cổ: Tâm, tầm và tiền

Công tác chuẩn bị kiểm định, vẽ khảo sát, đánh giá hiện trạng, tìm các đối tác và đi tìm vật liệu phù hợp để trùng tu di tích Công giáo này cũng đã mất hơn hai năm. Kể sơ qua để thấy sự chuẩn bị chu đáo của những người lên kế hoạch trùng tu, cùng với tiềm lực tài chính của các tín đồ Công giáo trong kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Hiện nay trong cả nước, cùng với hàng trăm công trình kiến trúc tôn giáo - chủ yếu là chùa - đang được xây dựng hoành tráng còn có nhiều di tích tôn giáo - văn hóa xuống cấp đang được trùng tu, tôn tạo. Nhưng rất tiếc, nhiều ngôi cổ tự được các sư trụ trì tự ý trùng tu, xây dựng mới thêm bên cạnh chùa cũ rất tùy hứng, thiếu hài hòa, có nơi phá vỡ cảnh quan, nhiều nơi như một mớ hổ lốn.

Có thể kể đến ngôi cổ tự trên núi Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai đã bị xây kín cả khuôn viên, nhiều cây xanh đã bị chặt bỏ lấy đất xây dựng, không còn bóng mát, khoảng trống để tín đồ đi lễ Phật thở, khi mà các mỏ khai thác đá quanh núi ngày đêm xả bụi đá bay lên trắng xóa núi đồi! Cũng vậy là chùa Tây Tạng nằm trên đỉnh một ngọn đồi rất đẹp trên đường Thích Quảng Đức - cửa ngõ vào TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngôi chùa trước kia nằm khiêm tốn, ẩn mình trong rừng cây, nay đã được sư trụ trì cho xây dựng thêm nhiều khối nhà to lớn chiếm gần hết diện tích mặt đồi, kín mít, ngột ngạt! Hay như ở trước ngôi cổ tự hàng mấy trăm năm ở làng đá Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng người ta đã xây một cái thang máy dựng đứng trơ ra trước ngôi chùa cổ trông hết sức vô duyên, phá vỡ sự hài hòa của cảnh quan.

Nêu lên vài trường hợp để thấy chuyện trùng tu, tôn tạo đâu chỉ có tiền là đủ, mà phải cần có tầm và có tâm. Bởi thiếu tầm thì làm hỏng những giá trị văn hóa vốn có của kiến trúc cổ như nói trên; còn khi thiếu cái tâm thì người ta tìm mọi cách “chấm mút”, ăn bớt ăn xén khi trùng tu, tôn tạo các di tích. Đằng nào cũng hỏng! Còn khi thiếu “chữ T thứ ba” - tức tiền - sẽ vô cùng khó khăn dẫu tâm huyết đến mấy và tầm hiểu biết sâu sắc đến đâu!

Tôi chợt nhớ lại các công trình bảo tồn và phục dựng các cụm tháp Chăm ở Mỹ Sơn hơn 30 năm trước do kiến trúc sư Kazik người Ba Lan khởi xướng. Kazik là tên gọi thân mật kiến trúc sư - chuyên gia bảo tồn Kazimierz Kwiatkonski. Ông đến Việt Nam lần đầu năm 1980, bị cuốn hút bởi sức hấp dẫn của những tháp Chăm trong phế tích Mỹ Sơn. Năm sau Kazik trở lại Việt Nam và suốt nhiều năm lao vào công việc phục dựng, bảo tồn các cụm tháp đổ nát ở thánh địa Mỹ Sơn. Trong thời gian trùng tu, phục dựng tháp cổ Mỹ Sơn đã có tám người trong đoàn khảo cổ của Kazik bị thiệt mạng vì bom mìn còn sót sau chiến tranh, Kazik may mắn thoát chết. Sau đó Kazik tiếp tục tham gia vào công việc bảo tồn đô thị cổ Hội An, rồi tiếp đó là kinh thành Huế. Kazik là người có công lớn trong việc bảo tồn, trùng tu và góp phần đưa các di tích lịch sử này được ghi danh trong danh sách di sản thế giới của UNESCO. Kazik áp dụng nguyên tắc trùng tu khảo cổ học, tức di tích gốc sẽ được giữ nguyên hiện trạng.

Kazik mất năm 1997 tại Huế khi đang vẽ đồ án trùng tu khu vực Đại nội. Năm 2007, TP Hội An đã dựng tượng Kazik để tưởng nhớ và ghi nhận công lao của ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm