TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀI ANH:

Trường dạy làm vua

Nào ngờ không lâu, có tin đồn thổi bà ta đã có âm mưu với bọn nội thị đầu độc vua Đại Bảo để con mình được mau kế vị. Bà ta muốn khỏa lấp dư luận, nhưng ai mà bịt được miệng thiên hạ. Hai năm sau, rét đến rồi ao hồ đóng băng, cây cối chết rụi, dân thiếu áo. Tiếp đến nạn lụt quá to, vì không chăm chút đê điều mà đê vỡ, kinh thành ngập nước đến ba thước ta. Dân oán than. Lúc ấy người già con trẻ ca rằng: “Đời vua Thái tổ, Thái tông, thóc lúa đầy đồng, trâu chả buồn ăn”, ca ngợi hai đời vua trước để chê đời vua hiện nay lười biếng. Thị Anh cho lập đàn cầu đảo, bà đồng phán rằng trời ra tay để trừng phạt người cầm quyền ăn ở thất đức. Bà ta nghĩ, nếu để hoàng tử Tư Thành ở ngoài lúc này nhờ có người lợi dụng danh nghĩa Tư Thành nổi loạn thì sao? Nếu đưa Tư Thành về cung, vừa dễ kiểm soát, vừa được tiếng hiền đức, rộng lượng bao dung vợ lẽ và các con của chồng như cây cù mọc che chở cho bìm sắn trong Kinh Thi.

Để mua lòng mọi người, bà ta nhân danh vua Thái Hòa, hạ chiếu tìm hoàng tử Tư Thành con bà tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao về cung. Nghe tin bà Ngọc Dao đưa đứa con bốn tuổi từ nơi trốn lánh ở An Bang (1) về chùa Dục Khánh ở làng Văn Chương, mé đông trước Văn miếu nơi bà đã sinh Tư Thành.

Khi nội giám mang kiệu đến rước Tư Thành và bà về cung, bà xin cho được ở lại chùa thờ phụng linh vị tiên đế cho đến trọn đời. Thị Anh thấy như vậy càng tiện cho bà ta. Vả theo lệ từ xưa, khi vua băng, một số phi tần và cung nữ phải thủ tiết hầu hạ bên lăng tẩm mãn đời, nay Ngọc Dao tự nguyện làm việc ấy thì còn gì bằng.

Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương, được ở nhà Phiên để, hàng ngày cùng vua Thái Hòa và các phiên vương như Lạng Sơn vương Nghi Dân, con bà Chiêu nghi họ Dương và Cung vương Khắc Xương, con một bà phi khác, học tập ở tòa Kinh Diên. Các nho thần thay nhau vào giảng sách.

Trong số các anh em cùng học với Tư Thành, Nghi Dân lớn tuổi nhất, cũng ngờ ngệch nhất. Cậu ta vẫn hậm hực mình thuộc dòng đích trưởng mà bị biếm truất, lại ghen ghét với vua Thái Hòa vì là con thứ mà được nối ngôi. Cung vương Khắc Xương tính nết hiền lành, bởi biết thân phận mẹ mình vào hàng thấp trong cung nên biết chịu đựng. Tư Thành chăm chỉ học tập, dáng dấp đứng đắn, thông tuệ hơn người. Mỗi khi về chùa thăm mẹ lại được mẹ dạy phải hiếu kính, cung thuận với đích mẫu coi như sinh mẫu, thân ái hòa mục với các anh em. Các giảng quan như Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên, Nguyễn Mộng Tuân vốn là bạn tri kỷ của Nguyễn Trãi trước đây, đã dạy cho Tư Thành biết công lao sáng nghiệp của Cao hoàng, lại giảng cho nghe những áng văn như Bình Ngô Đại cáo, Lam Sơn thực lục nhưng giấu không nói là Nguyễn Trãi thay vua Thái tổ soạn, nhờ vậy Tư Thành đã sớm có ý thức bảo vệ chủ quyền của đất nước. Bài của Tư Thành làm văn đã hay lại giàu ý tứ, được thầy hết lời khen ngợi. Vì thế bà Thị Anh cũng quý và coi Tư Thành như con đẻ, còn vua Thái Hòa thì cho là người em hiếm có.

Năm Kỷ Mão(2) , Nghi Dân  cùng bọn Phạm Đồn, Phạm Ban đang đêm bắc thang vào tận trong cung cấm, vua Thái Hòa và Tuyên từ hoàng thái hậu bị giết. Khi đó kinh thành lửa bốc rực trời, một người dân thấy trong ánh lửa lấp lóa có người khăn vàng, áo vàng, đi hài đỏ, đang hớt hải từ trong cung chạy ra cửa Đông, đoán là người quyền quý, bèn ghé vai cõng bừa lên lưng chạy về tới làng Dịch Vọng. Thì ra người được cứu chính là Tư Thành. Tư Thành hỏi họ tên thì người dân nói mình là Dương Đình Chung quê làng Mạnh Trư, huyện Bình Lục, phủ Nam Xương, trấn Sơn Nam hạ, mới lên kinh dò tìm công việc làm. Tư Thành nhờ Dương Đình Chung tới chùa Dục Khánh, đón mẹ về làng Dịch Vọng. Hai mẹ con  chung sống bên nhau. Tư Thành cư xử bình dân, chan hòa với mọi người nên được dân làng quý mến, hết lòng đùm bọc, che chở. Cũng nhân dịp này, Tư Thành hiểu được cảnh sống lam lũ khổ cực của dân. Tư Thành hồi mới sinh ở chùa được ăn chuối cúng Phật nên tính thích hoa quả hơn cơm cháo. Đến nay lại được dân làng mời ăn cốm Vòng với chuối trứng cuốc, vị dẻo thơm ngọt dân dã lưu lại suốt đời trong lòng ông.

Nghi Dân tự lập làm vua, muốn mượn cái đức của Tư Thành để vỗ yên thiên hạ, nên sai đón Tư Thành về phong làm Gia vương, và vẫn cho ở nhà Tây để trong nội điện. Bà Ngọc Dao lại được xin về ở chùa như cũ.

Tám tháng sau, các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa, giết bọn phản nghịch, giáng Nghi Dân xuống làm Lệ đức hầu.

Khi Nghi Dân bị lật đổ, trong triều có người bàn lập Tư Thành làm vua, nhưng một vị quan là Lê Lăng, can rằng: “Tư Thành còn có người anh nữa là Cung Vương Khắc Xương, không nên bỏ anh lập em, dẫm lại vết xe đổ của Nghi Dân- Bang Cơ. Triều thần đến đón Cung Vương song ông này từ chối. Khi đó họ mới rước Tư Thành lên ngôi bấy giờ ông vừa tròn 18 tuổi.

Vua Quang Thuấn thân đến chùa đón mẹ về cung phong làm Quang Thục hoàng thái hậu, thì thấy bà đang nằm trên giường bệnh. Nhìn thấy con, bà mừng rỡ:

- May quá, vương nhi đã tới đây, ta đang sợ trước khi nhắm mắt không kịp kể cho con nghe một chuyện mà bấy lâu nay mẹ để trong dạ không dám nói cho con biết.

Vua sửng sốt:

- Chuyện gì vậy mẹ?

- Trước tiên mẹ có câu này hỏi con, con có biết ông Nguyễn Trãi là ai không?
Vua ngạc nhiên:

- Từ bé đến giờ chưa thấy ai nói cái tên ấy với con cả.

Bà Ngọc Dao xúc động: “Ông Nguyễn Trãi là đại ân nhân của mẹ con ta. Khi mẹ mới vào cung, hoàng phụ con có năm bà phi, trong đó có hai người được nhà vua yêu quý hơn cả là bà Nguyễn Thị Anh và mẹ. Khi ấy mẹ đang mang thai con, bà Thị Anh sợ rằng một khi mẹ sinh quý tử thì ngôi báu của Bang Cơ con mình sẽ bị lung lay, vì lúc ấy mẹ đang được nhà vua sủng ái. Bà Thị Anh bèn tìm cách vu cho mẹ dính líu vào vụ làm bùa của Huệ phi – Huệ phi tên thật là Nhật Lệ, là con gái Lê Ngân. Ngân bị tố có bàn thờ Phật trong nhà, thường mời thầy cúng về nhà để cầu cho con mình được vua yêu. Nhà vua bắt Lê Ngân tự tử và Huệ phi phải giáng chức. Sau vụ Lê Ngân, mẹ bị kết án phát lưu. Quan Tả gián nghị đại phu kiêm coi hai đạo Đông Bắc, Nguyễn Trãi, biết rõ mẹ bị oan, nên bảo riêng bà Nguyễn Thị Lộ lựa lời khuyên can vua. Lúc này bà Lộ đang giữ chức Lễ nghi nữ học sĩ dạy cung nhân học rất được nhà vua quý mến vì bà vừa đẹp mà hay chữ. Vì vậy nên ý kiến của bà Lộ được nhà vua nghe theo, truyền đưa mẹ ra giam tại chùa Dục Khánh. Ít lâu sau mẹ sinh ra con. Sợ bà Thị Anh theo dõi hãm hại, nên sau khi mẹ sinh nở xong, ông Nguyễn Trãi đưa cả hai mẹ con ra An Bang. Việc tới tai Thị Anh, từ đó bà ta càng oán thù Nguyễn Trãi và Thị Lộ. Bởi vậy khi hoàng phụ con băng tại Lê Chi viên ở làng Đại Lai, huyện Gia Bình, lúc đó có bà Thị Lộ ở bên cạnh, nên bà Lộ bị vu cho là cùng Nguyễn Trãi mưu giết vua và bị bắt ngay đêm ấy.

Nguyễn Trãi sau khi đón vua về nghỉ ở Côn Sơn, thì lên đường đi tuần tra ở vùng Đông Bắc. Hai anh của mẹ là Ngô Việt và Ngô Lộc được mẹ nhờ cậy đã đến gặp Nguyễn Trãi và khuyên ông nên đi trốn. Nguyễn Trãi khảng khái nói:

"Nếu ta trốn thì không khác gì tự nhận mình có tội. Trốn mà không thoát tiếng oan của ta không bao giờ giải được. Còn chống lại triều đình thì có hại cho đất nước. Nhà Minh vẫn đang tìm cách phục thù, nếu họ nhân lúc nước ta nổi loạn kéo quân sang mà ta chưa đủ thời giờ tập hợp dân chúng chống giặc, e trở tay không kịp. Vả lại, bà Thị Anh chỉ ngại có một mình ta, sao nỡ để vì ta mà dân chúng lâm hoạn nạn, lầm than một lần nữa. Ta biết về triều thì bọn gian thần vốn ghen ghét ta coi như cái gai trước mắt sẽ nhân dịp này vào hùa với bà ta khép ta vào tội chết cho bằng được mới nghe.

Ta có thể dùng ngọn bút đánh lui ngàn vạn quân giặc nhưng đành bó tay bất lực trước thói đời. Nhưng Nghi Dân còn đó, biết đâu sẽ chẳng tranh đoạt với Bang Cơ. Để tạo đối trọng với Nghi Dân biết đâu bà ta chẳng tỏ ra khoan dung với Tư Thành, con út của tiên đế để mua lòng thiên hạ. Vậy các anh nên về khuyên Ngô Tiệp Dư cố ẩn nhẫn, một mặt khuyên Tử Thành tỏ ra cung thuận, để bà ta khỏi nghi kỵ, hãm hại, một mặt dạy Tư Thành học hành giỏi giang, giữ đạo nhân hiếu, yêu mến trăm họ để tiếng tốt bay xa, được lòng mọi người. Khi mâu thuẫn giữa Nghi Dân và mẹ con Thị Anh đi đến chỗ chín mùi, bùng nổ, đó là cơ hội thuận tiện để Tư Thành xuất đầu lộ diện.

Đó cũng chính là cái kế “đánh vào lòng người không đánh mà tự khuất” trong Bình Ngô sách mà trước đây ta dâng Thái tổ để ngài diệt giặc cứu nước. Sau đó ta lại soạn Quốc thư bảo huấn để giúp Thái Tông trị nước yên dân. Khi ta dâng sách thì tiên đế không nhận, lại bảo ta soạn nhã nhạc. Ta thưa: “Xin nhà vua giữ lấy đức tốt khiến cho làng xóm không có tiếng oán. Cái gốc của nhạc là ở đó”. Nay ta đưa cuốn Quốc thư bảo huấn cho hai anh mang về trao lại cho Ngô Tiệp Dư để khi Tư Thành trưởng thành, tặng cho Tư Thành để học cách trị nước. Ta nguyện đem thân này làm bùn đất bón cho mầm non Tư Thành thành cây xanh tốt, khai hoa kết quả, cống hiến cho đời”.

Nói xong ông Nguyễn Trãi đưa sách cho hai anh của mẹ, rồi lên đường trở về Thăng Long, nhận lãnh cái án tru di tam tộc…”.

Dứt lời, bà Ngọc Dao lấy ra một cuốn sách đựng trong túi gấm trao lại cho vua. Nhà vua tay run run đỡ lấy cuốn sách.

Sau đó vua khẩn khoản mời mẹ về cung để dự lễ tấn phong Hoàng thái hậu. Bà nhất quyết chối từ, nói mình đã ghê sợ chốn nội cung nơi xảy ra bao chuyện ghen ghét, dèm pha, mưu hại lẫn nhau, để tranh được vua sủng ái hầu giành quyền đoạt vị. Bà chỉ muốn ở lại chùa bầu bạn với những sư ni chất phát, hướng thiện, từ bi mộ đạo. Vua không biết làm thế nào đành xây điện Huy văn ở cạnh chùa cho bà ở, sai cung nữ đến hầu hạ cơm nước và cử ngự y đến chăm sóc thuốc thang. Được ít hôm bà trút hơi lìa trần, vua lập đàn thờ ở cạnh điện, tạc một pho tượng bà, để quanh năm hương khói.

Vua ban chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, truy phong làm Đặc tiến kim tử công lộc đại phu, tước Tán trù bá, cho tìm con cháu còn sống sót để lục dụng, sai Trần Khắc Kiệm sưu tầm thơ văn của Ức Trai được 100 bài thơ đặt tên Ức Trai thi tập.

Đọc xong cuốn Quốc thư bảo huấn Ức Trai thi tập, vua thấy đầu óc mình sáng ra rất nhiều. Dựa vào những điều gợi ý trong sách, ông bắt tay vào việc xây dựng các chế độ, thiết chế điển chương pháp luật. Nghĩ đến bà mẹ chịu khổ vì mình mà cuối đời vẫn sống ở chùa, ông muốn định ra một bộ luật trong đó phụ nữ có quyền được lập người thừa tự riêng, phụ nữ bị án lao dịch được làm những việc nhẹ như trồng trọt, trồng dâu chăn tằm.

Nghĩ đến Dương Đình Chung có công cứu mình mà khi được gọi vào bổ làm quan đã từ chối vì e mình không đỗ đạt gì mà làm quan, người đời sẽ không phục. Vua quyết định phổ cập việc học cho cả con nhà dân thường mà có khiếu, nên cho mở rộng trường Quốc tử giám, gồm nhà Minh luân ba gian, các giảng đường Đông và Tây, mỗi dãy 14 gian làm chỗ giảng dạy, kho chứa ván in sách 4 gian và hai ký túc xá của học sinh, mỗi khu 3 dãy, mỗi dãy 25 gian. Học sinh Quốc tử giám chia làm 3 hạng, được nhà nước cấp lương ăn học hàng tháng là 1 quan, 9 tiền và 8 tiền. Để kiện toàn bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, ông muốn tuyển chọn quan lại bằng con đường thi cử, nên quy định ba năm mở một kỳ thi Hội, những người trúng tuyển được gọi là tiến sĩ, được truyền loa xướng danh, được yết tên trên bảng vàng treo ở cửa Đông hoa, được khắc tên vào bia đá dựng trước Văn miếu và được cấp ngựa, ban áo mũ, cờ biển vinh quy.

Ông mỉm cười nhớ lại chuyện mà mẹ ông kể, khi mới sinh, tính ông đã thích sạch sẽ, nếu đặt vào chỗ dơ ẩm thì khóc thét lên kỳ bao giờ được đặt lên chỗ khô ráo mới thôi. Ông cũng phải làm sao “đặt yên con đỏ trên nệm chiếu” làm cho dân được no ấm. Muốn thế phải ban bố chế độ quân điền, củng cố đê điều, khai hoang lập ấp… khắc phục hậu quả mà bao đời vua Thái Hòa và Nghi Dân để lại.

Để chấn chỉnh quân đội vua cho tổ chức duyệt binh trên sông Bạch Đằng. Vua ngự trên lầu thuyền. Ở mũi thuyền đặt trống bịt bằng da kỳ đà để làm hiệu lệnh.  Ba hồi trống nổi lên, mười chiếc thuyền chiến lớn tiến ra, chia làm ba đội, trung đội thì cờ vàng, thượng đội thì cờ đỏ, hạ đội thì cờ trắng. Quân sĩ đội nón thủy tua đan bằng gai nước, và nón sơn đỏ. Trên thuyền trang bị ồng lửa, nỏ, tên, câu liêm, dáo, trường, liềm quăng, mộc, phiêu, đại đao… Sau khi duyệt quân, vua cho tập trận đồ với các phép, trung hư, thường sơn xà, mãn thiên tinh, nhạn hàng, liên châu, ngư đội, tam tài, thất môn, yển nguyệt. Thấy quân phiên nào vệ ấy, hàng ngũ tề chỉnh, tiến lui có phép tắc, biến hóa linh hoạt, khí thế hùng tráng, vua thầm nghĩ với lực lượng này đã đủ sức giữ gìn từng thước đất, từng tấc sông của Thái tổ để lại.

Tập trận xong, vua dong thuyền ra Hoàng hải, đi tuần xứ An Bang. Thành nằm trên bờ sông Chanh, được gọi là “Tiền thành” vì có thế đất cô tiên nằm, lại có giáng tiên rất trong. Gió mát dịu thoảng mùi mặn của bể và mùi thơm của thông và cây chổi xể. Vua đi thăm khắp vùng, lòng bâng khuâng với bao kỷ niệm. Đâu là hang đá thạch nhũ lóng lánh, giọt nước rơi thánh thót mà mẹ ông từng ẵm ông vào trú ẩn khi quân lính lùng sục. Đâu là khu rừng cây cối um tùm mà mẹ ông đã đào củ mài cho ông ăn, vắt sữa dê rừng cho ông uống trong cơn đói khát xé lòng. Đâu là bếp lửa hồng trên nhà sàn sưởi ấm cho ông trong đêm đông rét như cắt ruột…
Ông hỏi dân địa phương, được biết dân ở đây sống làm nghề muối và đánh cá, có các loại cá: chim, thu, nhụ, dé, song, tráp, kìm, măng, thiều, mòi, lầm, trích, các loại tôm: tôm hùm, tôm càng, tôm rảo, tôm đất, tôm sắt, tôm he, các loại hải sản:  mực ống, mực nang, mực cơm, mực sim, hải sâm, bào ngư, sò huyết. Ông tự nhủ phải giảm mức thuế muối, thuế hải sản để đời sống của dân được dễ chịu cũng để đền ơn dân chúng ở đây đã hết lòng cưu mang mẹ con ông trong khi cơ lỡ.

Thuyền vua qua đảo Tuần Châu vào vịnh Hạ Long. Nhìn các đảo, vua tưởng chừng như từ thời hỗn mang hàng vạn năm trước, tạo hóa đã sai những vị thần khổng lồ dùng búa đục đẽo gọt trau chuốt thành từng tác phẩm điêu khắc sinh động. Đó là các đảo đá hình hộp, hình tháp, hình nón. Các đảo này hoặc đứng đơn độc giữa luồng lạch, hoặc tựa vào sườn một dãy núi khác lớn hơn. Có hòn bề thế, bốn mặt phẳng lì, đen bóng, tựa những tấm gỗ lim bào nhẵn ốp lại. Có hòn uốn cong như chiếc ngà voi, càng lên cao càng bị gió vuốt mạnh, thon nhỏ và nhọn sắc. Các loại cây leo như dây rom, dây so, cháo khế, các loại cây thân gỗ như chổi, sầm, táo sạn, thông đá phủ màu xanh mượt mà lên sườn đảo và đỉnh đảo.

Có những đảo rải rác hình những con rối, lạc đà, cầu vồng yên ngựa, quả chuông. Nhìn ra nam, Nam đông nam, hiện lên con nhạn, con ong, tổ him, con voi, cái mũ, lưỡi gươm, con chim, đông có con hươu, cựa gà, con thỏ, đá hoa… đúng là nghìn hình muôn trạng. Đứng hướng này thấy cái tên thật là đúng, mà vua vòng đi một quãng, lại thấy không phải nữa rồi. Thuyền xuyên vách núi luồn qua những hẻm đá rong rêu những đàn cá nhàn tản bơi đi bơi lại. Những hang oái ăm, những bức thành chơi vơi, mà thốt nhiên thuyền chui vào thấy một trời và nước khác. Vua thầm nghĩ trong mấy ngày tuần du mình đã học được rất nhiều điều từ từng trang sách thiên nhiên thay nhau mở ra trước mắt. Thì ra trường dạy làm vua không phải ở trong cung điện mà ở giữa đất trời rộng lớn, giữa cuộc sống của những người dân một nắng hai sương tạo ra của cải làm giàu cho đất nước.

Đến cửa Lục, thuyền vào bến Hòn Gai, vua cho đóng quân. Trước núi Truyền Đăng. Thoạt nhìn, núi Truyền Đăng như một cái hộp khổng lồ ghép bởi những vách đá liền thớ, thẳng đứng, phẳng phiu. Đỉnh núi nhô lên cao chóp hình nón màu cẩm thạch. Tên Truyền Đăng là do ngọn núi này là một trong những nơi có đồn trú của quân đội triều đình ở vùng biên cương Đông Bắc của đất nước. Ngày ngày người lính gác mắt đăm đăm nhìn về, biên thùy phương Bắc hễ thấy quân giặc kéo vào là lập tức nổi lửa. Lửa đốt bằng củi khô có trộn phân chó sói, cho khói bốc cao lên báo động về đất liền. Những lúc bình thường, người lính gác thấy một ngọn đèn lồng treo trên mỏm núi cao nhất để báo cho những nơi khác biết tình hình vùng Đông Bắc yên ổn.

Vua ủy lạo những người lính biên phòng rồi làm một bài thơ khắc vào vách phía nam của núi Truyền Đăng (Rọi đèn):

Cự lãng uông uông triều bách xuyên
Loạn son kỳ bố bích liên thiên.
Tráng tâm sơ cảm hàm tạm cổ
Túi thư giao đề tốn nhị quyền
Thần bắc khu cơ sâm hỗ lữ
Hải đông phong toại tức lang yến
Thiên nam vạn cổ sơn hà tại,
Chinh thị tu văn yển vô niên (3)
Từ đó núi Truyền Đăng có tên núi Bài thơ.

H.A

………………………………………………………………………..
(1) nay thuộc tỉnh Quảng Ninh
(2)  năm 1459.
(3) Trăm dòng sông chảy mênh mông quanh núi
Quần đảo rải rác như bàn cờ, bể liền trời, sắc xanh biếc
Lòng hùng cảm như khí mạnh biển khơi
Tay ta là thần gió làm cho không gian chuyển động
Ta như chòm sao Bắc đẩu được các vì sao chầu về, mang đội thủy binh mạnh như hùm, đi tuần mặt bể qua đây.
Bể Đông không còn phải đặt phong hỏa đài có củi khô lẫn phân chó sói để khói bốc cao lên báo động nữa.
Non sông trời Nam ta muôn thuở vẫn còn
Chính là lúc nghỉ việc binh để chấn chỉnh văn học
(dựa theo bản dịch nghĩa của Nguyễn Duyên Niên trong sách Quảng Ninh của Thi Sảnh).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm