Trương Nam Hương - Vắt cạn mình cho thơ

Sáng tạo ra những câu thơ thao thức lòng người, nhưng nhà thơ Trương Nam Hương lại rất ngại nói về những con chữ đã thành hình trong những bài thơ đẹp của anh. Anh đi qua tuổi mình bằng những khoảnh khắc sống trọn vẹn cùng con chữ và muốn “để thơ tự đi tìm bạn tri âm, tìm mạch ngầm đến với người đọc”. Và cứ thế, người mang tên của dòng sông Hương xứ Huế như rút ruột mình ra để trút cạn nhựa sống vào thơ, để những con chữ tạc vào tháng năm những hoài niệm, trở trăn chưa bao giờ là quá vãng ...

Trương Nam Hương - Vắt cạn mình cho thơ ảnh 1
Nhà thơ Trương Nam Hương

Nặng tình với “nàng thơ”

Bè bạn thơ thường bảo Trương Nam Hương chưa bao giờ xa thơ lâu. Cứ cách một thời gian ngắn lại nghe tin anh, nếu không phải là ra mắt tập thơ mới thì cũng là nhận được giải thưởng văn học.

“Trương Nam Hương định hình phong cách thơ từ rất sớm; coi trọng khai thác chất liệu ca dao và văn hóa truyền thống, dịu dàng tinh tế trong ngôn ngữ trữ tình. Trong thơ anh có sự giằng xé giữa cảm hứng hương xưa quen thuộc với ý thức tiếp nhận những làn gió mới của thời đại và tâm tình con người”.

Nhà thơ Lê Văn Thảo

Có lúc anh cho ra liền 2, 3 tập thơ mới chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, như tập Đường thi ngẫu dịch ra mắt chưa được bao lâu lại thấy Ra ngoài ngàn năm (tập thơ vừa nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2009) xuất hiện, rồi đến 99 mini thơ. Như thể thơ đã là cội nguồn tâm thức thấm sâu vào trái tim đa cảm của người thích Viết tặng những mùa xưa - cũng tên một tập thơ của Trương Nam Hương.

“Trong cha có một câu hò/ Trong câu hò có con đò sông Hương/ Trong sông Hương có nỗi buồn/ Trong thăm thẳm có vô thường thi ca...”, vì những lẽ đó mà Trương Nam Hương cứ viết, anh mang ký ức vẫn tuôn chảy dạt dào trong hoài niệm để thắp thành thơ.

Trong thời buổi thơ trở nên “mất giá” trong mắt độc giả và bị lấn át nhiều bởi các loại hình giải trí khác như bây giờ thì Trương Nam Hương vẫn tận tụy với thơ và anh được đền đáp khi nhận được sự yêu thích và ngưỡng mộ của độc giả. Trương Nam Hương cũng là một tên tuổi hiếm hoi thuộc thế hệ các nhà thơ sau năm 1975 có tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa.

Nhiều bài thơ của anh cũng đã được phổ nhạc. Nhạc sĩ Lê Trung Tín, người phổ nhạc nhiều tác phẩm của Trương Nam Hương nói: “Tôi như tìm thấy trong thơ của Trương Nam Hương những hình ảnh, tâm tư rất thật của chính mình. Hương viết về Hà Nội cứ như viết cho những đứa con xa đất thủ đô, để một lần được ngược dòng cảm xúc về với đất Hà thành”.

Còn nhạc sĩ Phạm Nguyễn thì nói gần như bị “say” với tính triết lý trong những lời thơ của Trương Nam Hương. Và từ sự đồng điệu ấy mà những Sông 17 tuổi, Hà Nội một thời, Góc nhớ Hà Nội, Viết về hoa cúc, Ru người ru ta, Phấn mưa, Quán nhớ ... đã đi vào những giai điệu trầm lắng và da diết.

Giờ “kẻ say thơ” lại tập trung viết trường ca về Hà Nội. “Không phải viết nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội gì cho to tát đâu, tôi viết như thấy đã đến lúc mình cần phải viết vậy. Có lẽ con người ta càng lớn tuổi càng thích được trở về cái thời trong veo. Tôi vẫn còn giữ nhiều kỷ niệm đẹp về những tháng ngày sống ở thủ đô, viết để tặng tuổi thơ - ký ức một thời với Hà Nội chưa bao giờ phai nhạt. Nhưng đó cũng thật sự là một thách thức rất lớn” - Trương Nam Hương chia sẻ về tập trường ca còn dang dở.

Chấp nhận một hành trình lặng lẽ

Quê cha ở Huế, đằm sâu nghĩa tình quê mẹ ở Bắc Ninh, sinh ra, lớn lên trên đất thủ đô ngàn năm văn hiến và trưởng thành, lập nghiệp ở Sài Gòn - cuộc đời với những hành trình thiên di đủ cho Trương Nam Hương những trải nghiệm sống trong chập chùng ký ức, để gửi vào thơ. “Tôi sống nhiều bằng hoài niệm” - anh bảo vậy. Hoài niệm để nghĩ suy trong Khúc hát ngươi xa xứ, Ban mai xanh, Hè phố tuổi thơ, Cỏ - tuổi hai mươi...

Trương Nam Hương - Vắt cạn mình cho thơ ảnh 2

Nhà thơ Hồ Thi Ca (bên trái) thay mặt Quỹ Tình thơ trao tặng 10 triệu đồng cho nhà thơ Trương Nam Hương tại lễ trao giải Văn học TPHCM-2009 sáng 28-11: Ảnh Nguyễn Tý

Hành trình thơ hơn 20 năm của Trương Nam Hương để lại cho anh  “gia tài” 10 tập thơ và cũng xấp xỉ ngần ấy giải thưởng. Nhưng để có thể đi trong hành trình vạn dặm không có điểm dừng với thơ ca ấy anh phải trải qua những truân chuyên mang nặng nỗi niềm của người cầm bút.

Nỗi thao thức trong anh bây giờ chính là thơ giữa những đổi thay của cuộc sống: “Thời ta sống là thời đại hoang mang mà văn chương cũng là liều thuốc tích cực. Văn thơ phải nói lên tiếng nói của thời đại, sự gồ ghề thao thức trong tâm tư cũng là một điều cần thiết. Nhưng cho dù như thế nào thì thơ cũng phải mang hồn vía của chính dân tộc mình. Đưa thơ vào đời sống phải mang hơi thở của hiện đại”.

“Ai đến với văn chương cũng phải chấp nhận chịu... bầm giập. Mà thơ thì không hứa hẹn với ai điều gì, văn chương cũng không phải lúc nào cũng có thể đáp đền tương xứng cho những “bầm giập” đó. Chấp nhận đến với thơ là chấp nhận đi trong hành trình lặng lẽ” - Trương Nam Hương tâm sự. Văn chương thật sự là một cái nghiệp với những ai nặng nợ, những dòng thơ “từ Huế sinh ra”, “trắc ẩn cánh buồm” đã theo người con xứ Huế Trương Nam Hương đi dọc thời gian và cả đời người.

Thoáng nghĩ về cỏ


Người ta nói yêu nhau, yêu và hôn trên cỏ

Người ta nói chia ly, nói những điều đổ vỡ

Cỏ lắng lòng nghe hết - Thản nhiên xanh...

Người ta cuốc cỏ lên, người ta trồng cỏ xuống

Hết thảy nỗi bi quan, hết thảy niềm hy vọng

Cỏ nhận mình đau ấy - Thản nhiên xanh...

Lịch sử bước chân qua những vương triều _vong thịnh

Cỏ đã đắp lên vua, cỏ đã trùm lên lính

Cỏ công bằng nhân ái - Thản nhiên xanh...

Cao hơn mọi khổ đau. Cao hơn nhiều hạnh phúc

Cỏ biếc như niềm vui, cỏ xanh như nước mắt

Vẫn nhận mình thấp bé - Thản nhiên xanh...

Trương Nam Hương


Theo TIỂU QUYÊN (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm