Sổ tay

Tự lập một nửa coi chừng đau khổ gấp đôi

Có thể nữ MC rất yêu thích việc làm bếp, việc nhà và khoe khéo sự đảm đang của mình. Nhưng tôi biết có nhiều phụ nữ đang bị gánh vác việc nhà và gánh vác rất nhiều trách nhiệm khác bất kể họ có muốn hay không, bất kể họ có đủ thời gian và sức khỏe để cáng đáng hay không. Họ không dám lựa chọn nói “không” chỉ vì quan niệm “phụ nữ thì phải thế”.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) công bố ngày 4-3 mới đây thì phụ nữ Việt dành 20,2 giờ trong tuần để làm việc nhà, trong khi thời gian làm việc nhà của nam giới chiếm xấp xỉ một nửa so với nữ. Và khoảng 1/5 nam giới Việt không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà. Theo ILO, hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, trong khi tỉ lệ này ở cấp độ toàn cầu là 47,2% và tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 43,9%.

Điều đó cho thấy phụ nữ Việt Nam thật sự “hai giỏi”, vượt xa phụ nữ khu vực và thế giới cả về thời gian làm “việc nhà” lẫn tỉ lệ tham gia “việc nước”. Tuy vậy, vẫn có nhiều phụ nữ tự trách bản thân mình và xem việc bị chỉ trích là đương nhiên nếu họ không chu toàn việc nước, việc nhà trong thời điểm nào đó.

Để bước ra khỏi tình trạng bị lệ thuộc, phụ nữ cần xây dựng cho mình tinh thần phải tự lập. Tuy nhiên, ngay cả khi đã tự lập về kinh tế nhưng không có sự tự lập về tư tưởng, phụ nữ vẫn bị trói buộc vào các quan điểm bất bình đẳng, vẫn vì định kiến và phán xét của người khác mà lựa chọn điều mình không muốn. Chỉ tự lập một nửa - tức là chỉ tự lập về kinh tế mà không giải phóng bản thân khỏi những lập trường bất bình đẳng, rất có thể phụ nữ sẽ đau khổ gấp đôi, vất vả gấp đôi.

Phụ nữ cũng như đàn ông đều có quyền lựa chọn và dấn thân cho những công việc họ yêu thích, có quyền tổ chức sắp xếp, tổ chức cuộc sống theo cách họ cảm thấy có ý nghĩa mà không bị phán xét, hạ thấp chỉ vì giới tính của họ. Có nhiều phụ nữ yêu thích công việc nội trợ và chọn nó làm sự nghiệp, điều đó thật sự có ý nghĩa. Nhưng vẫn còn đó những phụ nữ bị buộc phải từ bỏ sự nghiệp hoặc hy sinh sức khỏe để cáng đáng việc nội trợ chỉ vì định kiến “phụ nữ không làm thì ai làm?”.

Hãy để phụ nữ làm những điều để cuộc sống của họ có ý nghĩa và hạnh phúc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm