Từ thế giới phim, nghĩ đến… “Đơn đặt hàng lịch sử”

Nỗ lực của giới làm phim rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những câu chuyện lịch sử trên phim truyện nhựa Việt Nam vẫn không đủ kéo khán giả đua nhau đến rạp. Ngược lại, người xem thưa thớt, thậm chí èo uột.

Tạo nên cơn sốt vé, vì sao?

Phải chăng chỉ có phim “tình cảm mùi mẫn” mới ăn khách? Không hẳn. Xin đơn cử: Những phim lịch sử chiến tranh như Tình anh em, Khu phi quân sự bên Hàn Quốc đã tạo nên những “cơn sốt vé” tại các phòng chiếu.

Tình anh em dẫn ra câu chuyện của hai anh em Lee Jin Tae và Lee Jin Seok, họ đều có mặt trong quân đội Nam Hàn thời điểm chiến tranh Nam Bắc vào thập niên 1950. Những cảnh tượng người chết như rạ dưới làn bom đạn khiến phải rùng mình. Trong khi người anh Jin Tae lao vào cuộc nã súng, được tặng thưởng huân chương thì người em Jin Seok mang một cảm thức bàng hoàng đi suốt cuộc chiến, không ngừng kêu gọi sự thức tỉnh lương tri. Tại sao lại coi rẻ sinh mạng con người đến mức sẵn sàng xuống tay giết chóc, không ngại vấy máu? Bộ phim nhấn mạnh một tầm cao hơn, nhân bản hơn, với tư tưởng coi sinh mạng con người là thiêng liêng nhất, hạnh phúc cho con người là cao nhất, không thể có điều gì đứng cao hơn để buộc con người trở thành phương tiện. Thông điệp về tình con người, tình anh em được cất lên đầy xúc động.

Còn phim Khu phi quân sự thì độc đáo ở bối cảnh tập trung nơi khu phi quân sự Bàn Môn Điếm. Ở đó, ngay đến chiếc bóng của con người cũng không được phép… đổ bóng qua lằn ranh phân chia hai miền. Chi tiết này mang tính ẩn dụ đầy nhức nhối. Lịch sử phân cách hai miền Nam Bắc đau thương đã được “hàn gắn” bằng câu chuyện giữa trung sĩ Nam, trung sĩ Soo Hyuk của Nam Hàn với trung sĩ Kyung Pil và binh nhì Jung của Bắc Hàn. Ban ngày họ đứng canh gác lạnh lùng trơ ra như phỗng nhưng tối đến thì hai người lính Nam Hàn lại lẻn qua doanh trại của hai người lính Bắc Hàn. Ban đầu là sự làm quen dè dặt, thậm chí còn bị nghi kỵ bởi “diễn biến ý thức hệ”, để rồi… trong họ bùng vỡ nhu cầu được sống bằng tình nhân ái. Những viên đạn được tháo ra khỏi nòng đem làm trò chơi. Những tiếng cười giòn tan của tuổi trẻ vang lên. Nhưng… thực tế cuộc chiến vẫn hiện diện một cách sỗ sàng. Khi viên sĩ quan Bắc Hàn phát hiện thuộc cấp của mình “mất cảnh giác”, đang giao du vui vẻ với đối phương, ông ta lạnh lùng đe dọa binh nhì Jung với mức kỷ luật khắc nghiệt. Oái oăm thay, trong tình thế xô xát trực diện giữa binh lính hai bên, Jung bị trúng đạn của trung sĩ Soo Hyuk của Nam Hàn. Soo Hyuk chĩa súng vào đầu tự vẫn. Bằng sự tự sát, Soo Hyuk thực hiện một hành vi tạ lỗi trước người đồng bào của anh.

Yếu tố nhân văn đặt giá trị con người lên hàng đầu trong những tình huống kịch tính thẳng thắn, chân thực nhất đã là lý do làm thổi bùng lên mối thiện cảm nơi khán giả dành cho hai bộ phim vừa nêu. Họ đua nhau đến rạp là vì vậy.

Tạo nên sự thay đổi, bao giờ?

Phải chăng một số phim lịch sử của Việt Nam, vài năm trở lại đây, chưa có được sự độc đáo trong tính nhân văn nên… “cơn sốt vé” vẫn còn là giấc mơ chưa thấy nổi? Phim lịch sử Việt Nam vẫn còn thiếu cá tính trong sáng tạo, trong phân tích lịch sử mà thiên về sự minh họa chung chung. Hay là… thị hiếu của người đến rạp chưa được “nâng cấp” để chịu mua vé xem phim lịch sử? Câu trả lời nằm trong sự chọn lựa trước hai câu hỏi vừa nêu.

Nếu đổ lỗi cho thị hiếu khán giả, như đã từng có ý kiến “đòi nâng cấp”, dòng phim lịch sử có lẽ vẫn cứ phải đứng ngoài phòng vé. Nhưng nếu giới làm phim tự trách mình trước khi trách người, một hy vọng thay đổi ắt sẽ đến.

Khán giả cần gì?

“Theo những gì tôi chứng kiến trên điện ảnh phim truyện lâu nay, có một điều quan trọng cần phải nêu lên: Người ta hay nói tới những chiến công mà ít thấy phía sau của những chiến công là gì?” - nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng trăn trở. “Do công việc của một nhà nghiên cứu, tôi được mời tham gia viết bia tưởng niệm, viết địa chí, lịch sử chiến khu… nên có nhiều dịp tiếp xúc, tìm hiểu thực tế. Qua đó tôi nhận ra vai trò thầm lặng của người dân mình lớn lắm. Trong thời chiến, đồng bào mình có những hũ gạo nuôi quân, cứ một tuần lại có người đi thu. Hoặc như chuyện “mẹ vá áo, chị cho khăn” đối với người lính, bây giờ viết lại trong các văn bia, nhiều người từng sống và chiến đấu năm xưa đọc lại cũng phải khóc, phải bùi ngùi… Thật đáng trách, ít ai nghĩ đến vai trò lớn lao mà thầm lặng của đồng bào để tôn vinh, ở đây là tôn vinh bằng hình tượng nghệ thuật trên phim ảnh”.

Lúc sinh thời, nhà văn Sơn Nam đưa ra ý kiến: “Công trạng quân sự được nhắc đến nhiều trên phim ảnh, ai cũng biết. Nhưng còn mấy điều phải biết, nhất là cho giới trẻ hiện nay. Như phong trào đấu tranh dân chủ của sinh viên, trí thức ở đô thị miền Nam trước kia, phong trào quá mạnh mẽ ngoài mức tưởng tượng nhưng xưa nay chưa thấy phim truyện nhựa đề cập đúng tầm vóc. Tôi nghĩ đó là sự công bằng trong ghi nhận lịch sử. Cuộc chiến vừa qua nhằm giành độc lập và công bằng, tuy nhiên mục tiêu công bằng thì chưa xong, sự phân hóa giàu nghèo vẫn còn. Làm phim mà không nêu lên những đòi hỏi từ lịch sử, nối dài từ xưa đến nay thì không dễ thuyết phục khán giả”.

Vài ví dụ về phim lẫn ý kiến nêu trên có thể gợi ra sự tham khảo cần thiết chăng? “Đơn đặt hàng lịch sử”, “đơn đặt hàng nhân văn” đang là sự mời gọi đầy thử thách nhưng cũng lắm thú vị đối với giới làm phim Việt Nam.

THƯ THƯ

Phim truyện Giải phóng Sài Gòn ngốn hàng chục tỉ đồng.

Chung một dân tộc nhưng bị ngăn cách bởi sự phân biệt ý thức hệ (cảnh trong phim Khu phi quân sự).

Cảnh kết thúc trong phim truyện Giải phóng Sài Gòn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm