Văn hóa và sự công tâm

Ngày 25-9 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”. Các tham luận xoay quanh thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hoàng. Sự nghiệp của Nguyễn Hoàng có lẽ không cần bàn cãi mà phải khẳng định rằng: Nếu hơn 400 năm trước không có Nguyễn Hoàng thì ngày nay chắc gì chúng ta có cả được giang sơn gấm vóc kéo dài tới tận đất mũi Cà Mau.

Nhân sự kiện hội thảo về Nguyễn Hoàng lại nhớ đến trường hợp con đường mang tên Nguyễn Hoàng nối quận 1 với quận 5, TP.HCM, sau ngày thống nhất không hiểu vì sao bị xóa tên. Rồi cách nay hơn một năm, tên Nguyễn Hoàng đã được phục hồi đặt cho một con đường nhỏ trong khu dân cư An Phú - An Khánh, quận 2! Nguyễn Hoàng không có những chiến công hiển hách như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… nhưng di sản, công nghiệp to lớn của ông để lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm tiền đề cho con cháu ông nối tiếp sự nghiệp mở cõi về phương Nam sau này. Công đức ấy của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chẳng lẽ không thể so sánh với một vài nhân vật lịch sử tầm tầm mà tên được đặt cho những đại lộ trong thành phố, trong khi tên đường Nguyễn Hoàng bị xóa sổ ba mươi mấy năm, giờ lại đem đặt cho một con đường bé tí ở vùng ven!

Một sự kiện khác có liên quan tới văn hóa đáng chú ý trong tháng qua là Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) công bố giải Sách hay năm 2013. Theo lời Ban Tổ chức, giải thưởng năm nay chọn những cuốn sách “mang tư tưởng, triết lý tiến bộ, đồng thời có tính khai minh hoặc sáng tạo cao” cho từng lĩnh vực. Có bảy hạng mục sách được trao giải, mỗi hạng mục gồm sách viết và sách dịch. Điều thú vị là năm nay có hai tác giả nổi tiếng ở miền Nam trước 1975, hiện định cư ở nước ngoài đoạt giải là nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường với tác phẩmThần, Người và Đất Việt và nhà văn Lê Tất Điều với tác phẩm viết cho thiếu nhi Những giọt mực. Cả Tạ Chí Đại Trường lẫn Lê Tất Điều đều từng đoạt giải Văn học Nghệ thuật của miền Nam trước năm 1975 trong đó có tác phẩm Những giọt mực. Mong là tin hiệu vui này tiếp tục được nhân lên, bởi đất nước tuy đã thống nhất hơn 38 năm rồi, với chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Nhà nước nhưng đây đó vẫn còn những sự phân biệt, kỳ thị với một số tác giả miền Nam trước 1975. Tuy có thể trong quá khứ, một vài người có vấn đề tư tưởng này nọ nhưng một số tác phẩm của họ có giá trị cả về học thuật lẫn tính nhân văn, được khẳng định qua thời gian mấy mươi năm. Những tác phẩm này lâu nay không được in lại. Hầu hết các tác giả này hiện nay đã cao tuổi, có người định cư ở nước ngoài, có người đã mất mà tác phẩm của họ vẫn chưa được in lại ở trong nước. Điều này không chỉ thiệt thòi cho tác giả mà còn là sự thiệt thòi cho những độc giả trẻ có thể đã nghe đến tiếng tăm tác phẩm và tên tuổi tác giả nhưng chưa một lần được đọc.

Đã đến lúc nên công tâm và đánh giá khách quan với những di sản lịch sử, văn hóa. Đừng để quá muộn. Có thể nêu trường hợp Phạm Quỳnh như một điển hình. Ông là một nhà văn hóa lớn với những công trình trước tác đồ sộ, trong một thời gian dài đã bị đánh giá lệch lạc, chủ quan rồi đẩy vào quên lãng cả hơn nửa thế kỷ nhưng nay đã được sưu tầm, in lại rất trân trọng.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm