Vì tiền hay vì nghệ thuật?

Việc một công ty vận tải thủy trở thành nhà đầu tư chiến lược của hãng phim quốc gia, khi nắm trong tay 65% cổ phần, đã làm xôn xao dư luận, nhất là trong giới điện ảnh và truyền hình.

Nhiều người cả trong lẫn ngoài giới điện ảnh rất ngạc nhiên khi thông báo cổ phần hóa hãng phim chỉ đăng ba kỳ trên báo Kinh Tế & Đô Thị từ ngày 16 đến 19-1-2016 và trên bản tin của VFS nên ít ai biết. Thời gian công bố chỉ 11 ngày. Và chỉ duy nhất Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) nộp hồ sơ đăng ký và được Bộ VH-TT&DL duyệt. Việc mua bán diễn ra khá nhanh, Vivaso chỉ bỏ ra có 32,5 tỉ đồng mua 65% cổ phần VFS và trở thành nhà đầu tư chiến lược hãng phim. Vậy là hãng phim có hơn 60 năm lịch sử, có cơ ngơi đồ sộ ở Hà Nội lẫn Sài Gòn, cùng hơn 600 bộ phim truyện nổi tiếng trong kho với thương hiệu lớn nhất nước, tất cả chỉ được định giá có 50 tỉ đồng.

Theo cơ quan chủ quản của VFS (Bộ VH-TT&DL) thì bảy, tám năm trước khi đưa ra cổ phần hóa hãng phim có tính cả giá trị đất nên giá quá cao, không ai mua; vì vậy sau này Chính phủ ra nghị định không tính giá trị đất vào nên giá hạ và chỉ có một đơn vị mua là Vivaso. Không biết tổng công ty vận tải thủy này sẽ đầu tư làm phim ảnh ra sao chứ nghe nói họ đã tính chuyện kinh doanh thêm các ngành nghề khác như nhà hàng, xuất khẩu... Mặc dù Bộ VH-TT&DL đã ra bảy điều khoản bắt buộc đối với nhà đầu tư chiến lược, như 90% doanh thu phải từ hoạt động liên quan tới phim ảnh. Tổng Công ty Vivaso cũng cam kết sẽ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim ít nhất năm năm dưới sự giám sát của Bộ VH-TT&DL. Nhưng hãy đợi đấy, để coi công ty vận tải thủy làm phim!

Nhiều nghệ sĩ kỳ cựu gắn bó lâu năm với hãng phim vẫn tỏ ra rất lo lắng cho ngôi nhà chung của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Chính đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc VFS, cũng nói không biết tại sao lại bán hãng phim cho một công ty vận tải thủy không liên quan gì tới điện ảnh. Trong khi đó đạo diễn Vương Đức, Giám đốc VFS, bảo rằng hãng phim thua lỗ triền miên từ nhiều năm qua, nhất thiết phải cổ phần hóa, nếu không sẽ chết.“Ôm nhau ra Hồ Tây chết!”. Nhưng sao lại bán nhanh và bán rẻ hãng phim có thương hiệu tầm cỡ quốc gia như thế? Đó là câu hỏi của nhiều người cả trong và ngoài giới điện ảnh. Thiển nghĩ thương hiệu VFS cùng gia tài đồ sộ hơn 600 bộ phim được dựng trong gần 60 năm qua là vô giá.

Tôi là một người ngoại đạo của điện ảnh mà còn đau lòng khi thấy một thương hiệu phim quốc gia mà mình vẫn được xem nhiều bộ phim giá trị mai này không còn nữa. Huống chi những nghệ sĩ gạo cội đã từng gắn bó sự nghiệp với hãng phim, họ còn buồn biết bao nhiêu, đau biết bao nhiêu khi ngôi nhà chung của họ rơi vào tay nhà đầu tư mới chẳng liên quan gì tới điện ảnh!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm