Vô tư xâm hại bãi đá cổ Sa Pa

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nghe GS.TS Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói về bãi đá cổ Sa Pa. Những hình vẽ trên 200 phiến đá nằm trong thung lũng Mường Hoa, huyện Sa Pa khiến những người nghiên cứu Ngôn ngữ đặt giả thiết, có thể trong đó có cả chữ viết cổ.

Trẻ em chọn khối đá cổ làm sân chơi.
Trẻ em chọn khối đá cổ làm sân chơi.

Dẫu không theo chuyên ngành Ngôn ngữ được đào tạo nhưng khi có dịp lên Sa Pa, tôi đã tìm đến đây để thỏa mộng xem người xưa đã viết, vẽ những gì trên những tảng đá đen giữa trời đất.

Ngày đầu tuần, lượng du khách đến Sa Pa không nhiều, nhất là khi các bản tin thời sự liên tục phát đi những thông tin về tình trạng lở đường, lở núi ở Bắc Kạn, Hà Giang. Thế nhưng, do yêu cầu công việc, chúng tôi vẫn có mặt ở Sa Pa.

Cuối buổi chiều, khi các cơ quan hành chính ở vùng đất du lịch này ngừng làm việc, chúng tôi vẫy hai người lái xe ôm đề nghị đi đến bãi đá cổ. Chúng tôi đi trên con đường ven sườn núi, phía trên là những thảm ngô xanh đang trổ hoa riềng màu nâu.

"Đất trời ở đây ưu đãi, người dân chỉ cần nhét hạt ngô xuống đất, mấy tháng sau sẽ thu hoạch bắp mà chẳng cần phải tưới tắm, bón phân", bằng giọng của một nhà nông sành việc đồng áng, anh Trường nói.

Phía dưới con đường là thung lũng với những ruộng bậc thang gập ghềnh màu, trên phủ màu xanh của những ruộng lúa vừa được tưới tắm qua những trận mưa mùa hạ. Anh xe ôm hỏi tôi có đem theo máy ảnh không, khi nghe tôi trả lời có thì anh lại đề nghị dừng lại để chụp ảnh.

Tôi thấy lạ, anh tài xế này lúc trước vừa khoe mình có "lộc" chở khách đi bãi đá cổ, hầu như ngày nào cũng chạy tuyến này mà vẫn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thung lũng Mường Hoa ư? Tôi nói lên suy nghĩ của mình, thì anh bảo ở xứ sương mù, không phải lúc nào thời tiết cũng đẹp như lúc này. Cả ngày hôm nay, bầu trời sầm sập như dọa mưa, bỗng dưng lúc chiều tà lại có nắng đẹp, trong vắt, nếu mấy tay săn ảnh phong cảnh mà gặp được sẽ bấm máy liên hồi.

Dẫu chưa đến bãi đá cổ, nhưng tôi phải thừa nhận quyết định đi tham quan của mình vào buổi chiều muộn không phí hoài. Phong cảnh núi rừng, ruộng nương đẹp như mơ. Thi thoảng, lại bắt gặp trên đường những tay lái người Mông đi xe phân khối lớn, chở vợ đeo gùi trên vai.

Mải mê nhìn ngắm, ngẫm ngợi, bác tài xe ôm dừng chân trước phiến đá cổ đầu tiên trong bãi đá cổ lúc nào không hay. Một toán trẻ em gái, phụ nữ ùa đến như chào đón chúng tôi. Các bé gái trong bộ trang phục người Mông hỏi chúng tôi từ đâu đến, tên là gì, đã ở Sa Pa được mấy ngày... Dù đang chú tâm vào khối đá to, đen trên có nhiều hình vẽ, nét vẽ kỳ lạ nhưng tôi không thể từ chối trả lời những câu hỏi ân cần trên.

Và rồi tôi giật mình khi phát hiện, bên cạnh những nét khắc của người xưa, có ai đó viết tên, viết lời nhắn nhủ của mình lên đó. Những nét khắc cổ xưa hàng trăm tuổi, giờ đây bị những nét viết mới làm cho nổi lên màu đen, cũ kỹ... Thật khó thể chấp nhận nổi kiểu khoe chữ trên thứ cổ vật của thiên nhiên có niên đại cả nghìn năm tuổi thế này được.

Nhìn ra xung quanh, tôi thấy người ta đóng cọc, quây xung quanh tảng đá như làm rào chắn. Nhưng cái kiểu quây cọc này chẳng khác gì thứ rào thưa, không ngăn đàn gà vào vườn bới rau... Đám trẻ em lúc trước vừa vây quanh chúng tôi giờ đây leo trèo lên chóp hòn đá, chơi trò cầu trượt. Những vết trượt đã mòn, xóa mờ hết những hình vẽ trên đó. Với đà này, chẳng mấy chốc những phiến đá để lại dấu ấn của tổ tiên sẽ chỉ còn là những tảng đá vô tri.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết từ năm 1925, một nhà khảo cổ của Viện Viễn Đông Bác Cổ đã phát hiện ra bãi đá hơn 200 tảng lớn nhỏ, trong diện tích 8km2 ở thung lũng Mường Hoa có những nét vẽ kỳ lạ ở trên. Từ bấy đến nay, các nhà khảo cổ, nhà ngôn ngữ học... đã dày công nghiên cứu nhưng mới chỉ đưa ra các giả thiết chứ chưa có được câu trả lời thuyết phục. Những bí ẩn vẫn chưa được giải mã về bãi đá cổ Sa Pa luôn là sự hấp dẫn đối với du khách và các nhà khoa học. Năm 1994, bãi đá cổ Sa Pa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chúng tôi cũng được biết, mới đây, Tiến sỹ Philiper Le Failler, Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội đã cùng các cộng sự tiến hành dập các hình vẽ trên đá. Những việc này là cần thiết bởi nguy cơ nhiều phiến đá đang bị con người mỗi ngày xóa đi những nét vẽ. Tuy nhiên, trước những bí ẩn chưa được giải mã cũng như giá trị lịch sử mà bãi đá cổ này đang mang trên mình, thiết nghĩ, chúng ta phải giữ gìn nó đến mai sau chứ không thể để nó biến mất.

Theo những gì chúng tôi ghi nhận, mỗi ngày có vài chục trẻ, phụ nữ tụ tập quanh các tảng đá để bán hàng, vòi vĩnh xin tiền của du khách. Nhiều khi, đám trẻ nhỏ còn biến các tảng đá đang mang trên mình lời nhắn nhủ của người xưa thành sân chơi. Lượng du khách vẫn tiếp tục đổ về và một số người thiếu ý thức vẫn tiếp tục vẽ nghệch ngoặc lên đó. Nếu không có cách bảo tồn tốt, việc đề nghị UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa thế giới sẽ khó thành hiện thực.

Theo Cao Nguyên (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm