PHIM NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC:

Vũ Ngọc Đãng chưa vượt qua cái bóng của mình

Chỉ có điều, số lượng người xem cao, không đồng nghĩa với một phim… hay.

1. Người viết bài này chưa xem “Ngôi nhà hạnh phúc” của Hàn Quốc, nên chắc chắn không có bất cứ một sự so sánh nào. Cốt lõi, vẫn chỉ là nêu cảm nhận về chính sản phẩm “Made in Việt Nam” - phim “Ngôi nhà hạnh phúc” do Vũ Ngọc Đãng làm đạo diễn.

Vũ Ngọc Đãng chưa vượt qua cái bóng của mình ảnh 1

Diễn viên Minh Hằng và Lương Mạnh Hải trong phim Ngôi nhà hạnh phúc.

Xem “Ngôi nhà hạnh phúc” không khó để nhận ra cha đẻ của nó là ai. Vẫn là những gương mặt diễn viên quen thuộc (ngoại trừ Minh Hằng trong vai Minh Minh), vẫn một cách diễn quen thuộc và thường xuyên bắt gặp lại bối cảnh quen thuộc. Lời thoại của diễn viên hình như không nhằm phục vụ cho tính cách, cho hoàn cảnh của nhân vật. Động một tí người xem lại nghe Vương Hoàng (Lương Mạnh Hải) hoặc Bá Thông (Hiếu Hiền), Kiều Nhi (Tường Vy)… nhắc “đạo diễn Vũ Ngọc Đãng sắp làm “Bỗng dưng muốn khóc” phần 2 đó nha”.

Cảnh Bá Thông và Kiều Nhi nói về phim “Bỗng dưng muốn khóc” đã thấy hơi kỳ, nhưng người xem còn khó chịu và… ngượng hơn khi nghe họ nói về chính những vai diễn của mình trong phim này theo kiểu “Anh nhớ Hiếu Hiền đóng vai gì trong phim này nhỉ? Ừ vai Hiều. Dễ thương ghê”! Lời thoại trong “Ngôi nhà hạnh phúc” thường tự nhiên chủ nghĩa, tưởng như vậy là đời thường, nhưng lại chẳng ăn nhập gì với tính cách nhân vật.

Tệ hơn, khán giả có cảm giác các diễn viên đang cố tình quảng cáo cho chính đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, lời thoại ấy lại là lời của đạo diễn này “gắn” vào miệng cho diễn viên nói thì đúng hơn.

2. Thêm nữa, sân bóng đá với bãi cỏ vàng “bị lạm dụng” tối đa trong phim. Khán giả đã quá quen thuộc hình ảnh những anh chàng mặc quần sịp chạy tung tăng trong sân bóng ở những bộ phim trước đây của Vũ Ngọc Đãng.

Đến “Ngôi nhà hạnh phúc” thì hình ảnh ấy không chỉ xuất hiện 1 đến 2 lần, mà ở cấp số nhân. Các nhân vật khi không biết làm gì lại kéo nhau ra sân bóng để chạy bộ, đi dạo, hóng mát. Vương Hoàng chạy một mình, có khi chạy cùng Minh Minh. Hình ảnh lặp lại, nhưng thôi, tạm chấp nhận. Nhưng khi Đình Phong rủ Minh Minh đi chơi, hai người cũng mang bánh mì, nước suối ra sân bóng ngồi và xem như thế là thơ mộng thì kể cũng lạ và kỳ. Vương Hoàng và Bảo Yến đi chơi cũng lại ra sân bóng.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho rằng, sự cố tình ấy của mình có cái hay riêng, nhưng người xem muốn “bội thực” và thấy “dị ứng” với sân bóng cùng những anh chàng thể thao mặc quần đùi.

Rõ ràng, nó chẳng góp phần tôn thêm vẻ đẹp cho nhân vật, lại càng không khắc họa hay phát triển điều gì cho nội dung câu chuyện, cho tính cách nhân vật. Dường như khi không biết cho nhân vật làm gì, đạo diễn lại cho họ ra sân bóng để phim… có đủ thời lượng.

3. Trong phim, ngoại trừ Minh Hằng thể hiện khá tốt vai Minh Minh và Lam Trường ngày càng nhuần nhuyễn trong vai Đình Phong, thì Lương Mạnh Hải không có gì mới. Xem anh diễn, nếu không nhìn thấy Minh Hằng, khán giả cứ ngỡ đang xem “Bỗng dưng muốn khóc” hay “Đẹp từng centimet”. Cũng kiểu diễn lừng khừng, nói năng nhát gừng, điệu bộ cử chỉ chẳng khác những nhân vật mà anh từng thủ vai. Vương Hoàng của Lương Mạnh Hải cho thấy, anh đang có sự giậm chân, sự “đóng khung” trong cách diễn.

Còn Thủy Tiên vào vai Bảo Yến lại gượng gạo, lúc nào cũng thấy cô một kiểu chu miệng (vui, buồn, hờn giận gì cũng thế), trang phục thì “mát mẻ” hết cỡ. Nhiều khán giả có cảm giác, Thủy Tiên đang cố trình diễn những trang phục gợi cảm, trong một show trình diễn thời trang nhiều hơn là đang đóng phim.

Gần đi hết chặng đường, nhưng “Ngôi nhà hạnh phúc” không có nhiều tình huống; nội dung phim, tính cách nhân vật không có sự phát triển. Mọi thứ chỉ dừng ở mức: phim có hình ảnh đẹp, diễn viên đẹp, bối cảnh nhà cửa, xe đẹp. Mà những điều ấy, người xem đã được thấy ở những bộ phim trước đây của Vũ Ngọc Đãng.

Theo TÙNG KHANH (SGGP) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm