'Vùng biến mất' của một tài xế

Anh Trần Kiêm Hạ có nhiều năm làm tài xế ở báo Pháp Luật TP.HCM trước khi về hưu. Trong thời gian đó, anh cũng đã có nhiều bài báo viết về cuộc sống ở những vùng đất đã đi qua. Những bài báo của anh được đánh giá cao về độ sống động, hấp dẫn và nhân văn.

Nhà văn Trần Kiêm Hạ - bây giờ chúng tôi có thể gọi anh như thế, đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện về cuốn sách mới nhất của anh - Vùng biến mất.

Chắt chiu ký ức cả đời

. Phóng viên: Sau khi Vùng biến mất ra mắt, hẳn anh nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả?

+ Nhà văn Trần Kiêm Hạ: Tôi nhận được rất nhiều phản hồi. Có nhiều người bạn nghề viết lách, họ khen ngợi, động viên, góp ý về văn phong, cách xử lý câu chuyện. Ngoài ra, có nhiều bạn bè, độc giả nhắn tin, phản hồi rằng những câu chuyện này rất gần gũi, đời thường. Có lẽ vì vậy mà nó dễ đọc và có nhiều độc giả thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.

. Tại sao anh lại đặt tựa cho cuốn sách này là Vùng biến mất?

+ Vùng biến mất là một truyện ngắn trong tuyển tập được rút ra làm tựa sách. Đây là câu chuyện về một cặp vợ chồng yêu thương, gắn bó với nhau cả đời nhưng khi ở ngưỡng tuổi xế chiều, cuộc sống chung bị lỗi nhịp, tình dục không còn hòa hợp, có những khoảng trống không hiểu nhau. Người đàn ông đã bị cuốn vào một mối quan hệ tưởng là gió thoảng mây bay rồi từ đó mà bị đẩy vào bi kịch.

Tôi muốn mọi người nhìn cuộc sống từ lăng kính thực tế. Đàn ông và đàn bà đều có những mong muốn, những nhu cầu mà có thể họ không nói ra do sợ bị đánh giá. Tôi đã có những người bạn rơi vào tình cảnh này, tìm kiếm những mối quan hệ ảo để bù đắp cho khoảng trống của mình nhưng đổ vỡ đớn đau là thật.

Tác giả Trần Kiêm Hạ và người bạn đời Đặng Thị Thúy Ngần. Ảnh: HỒNG MINH

. Anh ấp ủ bao lâu để hoàn thành tập truyện ngắn này?

+ Tôi đã chắt chiu, tích lũy những ký ức của mình cả đời, sau này mới viết. Tôi sẽ viết tiếp nữa vì còn những câu chuyện tôi chưa viết ra. Cảm xúc và chất liệu để viết thì luôn có sẵn đấy. Cuốn sách này tôi viết bằng bản năng, viết vì niềm vui của bản thân. Sau tuyển tập này, tôi dừng lại một nhịp để đọc và chiêm nghiệm thêm. Đọc sách giúp tôi tự học hỏi về cách viết, cách xử lý câu chuyện bằng kinh nghiệm chứ không chỉ bằng bản năng.

Đau đớn và cảm phục các nhân vật của mình

. Đọc tập truyện ngắn của anh, tôi nhận thấy anh có sự quan sát rất tốt nhưng cảm xúc ở một số truyện vẫn bị lưng chừng, không được đẩy tới tận cùng…

+ Tôi đồng ý với nhận định này. Có những truyện tôi đã dằn vặt cùng nhân vật, đã đẩy cảm xúc của mình lên tới ngưỡng. Nhưng có truyện tôi đã xử lý đi xử lý lại nhiều lần, không phải vì tôi chưa hài lòng mà có nhiều lý do riêng, tôi không thể đẩy nhân vật của mình tới ngưỡng cuối cùng của cảm xúc.

Sau nhiều lần lựa chọn, tôi đã lựa chọn cách xử lý nhẹ nhàng và nhân văn nhất có thể. Các nhân vật của tôi đều có nguyên mẫu ngoài đời thực. Nhiều người quen của tôi đọc sách là nhận ra ngay.

Tôi luôn quan sát những người quanh mình, những người mình đã gặp. Sự nhân hậu, hướng thiện, nhân văn của họ khiến tôi xúc động. Ví dụ trong truyện ngắn Người bắt rắn trong tập truyện, chú Xum là một người đàn ông nghèo khổ, sống dưới đáy xã hội nhưng luôn giữ được sự lương thiện, ngay thẳng. Cái chết của chú khiến tôi dằn vặt lẫn cảm phục rất nhiều.

Trần Kiêm Hạ được nhiều độc giả biết đến khi anh ra mắt phóng sự dài kỳ“Cuộc đời sau tay lái” đăng trên báo Tuổi Trẻ. Loạt phóng sự này đã tạo được độ rung xã hội, dư âm của nó đã biến thành một diễn đàn thời sự trên tờ báo này và được in thành sách. Mới đây, anh vừa ra mắt tập truyện ngắn Vùng biến mất.  

Tư liệu chính là những trang nhật ký

. Anh thích viết như vậy, sao không bắt đầu sớm hơn?

+ Tôi chỉ viết khi có thời gian rảnh. Trước đây tôi làm những công việc khác, cũng rất thú vị, chỉ thỉnh thoảng viết báo. Khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian tôi mới dành toàn tâm toàn ý cho công việc viết lách. Nhưng trước đây dù chưa nghĩ là có ngày nào đó mình sẽ viết văn, viết báo thì tôi đã viết nhật ký. Viết nhật ký là một cách rất hay để mình lưu giữ ký ức, làm mới lại cảm xúc của mình trước những điều đã cũ.

Tôi từng có một thời gian làm việc bên Iraq, chứng kiến những cuộc xung đột xảy ra trên đất nước này. Khi làm tài xế ở báo Pháp Luật TP.HCM, ban biên tập có đề nghị tôi viết bài báo về cuộc sống ở Iraq, tôi chỉ giở nhật ký ra để viết lại. Những bài viết khác cũng vậy, nhật ký - ký ức là một kho tư liệu quý của tôi.

. Vậy trong những trang ký ức của cuộc đời anh, có điều gì đặc biệt nhất?

+ Đó là người bạn đời của tôi. Mọi giai đoạn của cuộc đời mình, tôi đều có cô ấy bên cạnh để chia sẻ. Tôi gặp cô ấy khi cả hai học chung trong trường công nhân kỹ thuật của Bộ Thủy lợi. Khi chiến tranh biên giới 1979 nổ ra, cả hai đều xung phong lên biên giới. Sau đó tôi đi làm thủy lợi, bà xã làm công tác đoàn thể. Đó là những ngày tháng thanh niên sôi nổi, náo nức, xông xáo cống hiến. Chúng tôi có tuổi trẻ rất ý nghĩa.

Khi tôi nghỉ hưu, tôi có thời gian viết lách nhiều hơn. Vợ tôi luôn bên cạnh động viên, cổ vũ tôi. Lúc này tình cảm chúng tôi còn gắn bó hơn trước kia, chúng tôi có nhiều thời gian dành cho nhau, tận hưởng cuộc sống cùng nhau. Cô ấy luôn là người chia sẻ cảm xúc với tôi, đọc bản thảo của tôi và góp ý đầu tiên. Chúng tôi bên nhau đã 38 năm rồi, tôi rất trân trọng cuộc hôn nhân này.

. Xin cám ơn anh.

Hấp dẫn trước tiên bởi sự chân thực

Cảm nhận của cá nhân tôi khi đọc văn của anh là hấp dẫn, trăn trở và đầy khắc khoải về thế cuộc, về thân phận. Tôi nhớ mình đã “gặp” những nhân vật của anh từ 10, 20 năm trước trong những câu chuyện kể trên xe khi anh đưa tôi đi tác nghiệp. Vì thế sự hấp dẫn trước tiên bởi câu chuyện chân thực và những trăn trở của tác giả trước khi hấp dẫn người đọc bởi bút pháp.

Ông NGUYỄN ĐỨC HIỂN, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm