Xác định đạo nhạc: Bó tay?

Vào năm 2004, khi vấn đề đạo nhạc rộ lên trên các phương tiện truyền thông, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã dựa trên cơ sở bộ đĩa “101 Copy-cover 2004” lập danh sách 70 tác giả và ca khúc bị tình nghi đạo nhạc để báo cáo Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xử lý. Tuy nhiên, những thông tin mà bộ đĩa “101 Copy-cover 2004” đưa ra không chính xác nên Cục đã không đề cập tiếp vấn đề này. Và từ đó đến nay, đạo nhạc vẫn là chuyện bỏ ngỏ, vẫn chưa có căn cứ nào để xác định như thế nào là đạo nhạc, bao nhiêu phần trăm là đạo nhạc...

Việt Nam chưa có quy định

Gần đây, trên một tờ báo trích đăng ý kiến nhạc sĩ An Thuyên - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng muốn xác định một ca khúc có đạo nhạc hay không thì theo luật hai bản nhạc phải có 12 nốt giống nhau liên tục.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhạc sĩ An Thuyên khẳng định ông không phát biểu như vậy. “Cho đến giờ vẫn chưa có quy định cụ thể xác định việc như thế nào là đạo nhạc. Luật pháp Việt Nam chưa hề có quy định mười mấy nốt giống nhau là đạo nhạc” - nhạc sĩ cho biết.

Theo nhạc sĩ An Thuyên, muốn xác định hai ca khúc có sao chép hay không, công việc đầu tiên là phải có hai ca khúc để đối chiếu, sau đó sẽ lập hội đồng để thẩm định lại. Và hội đồng phải làm việc rất cẩn thận bởi không đơn giản là kết luận ca khúc đó sao chép bao nhiêu phần trăm mà đằng sau đó là cả danh dự, uy tín và sự nghiệp của một nhạc sĩ. Nhạc sĩ An Thuyên băn khoăn: “Âm nhạc rất trừu tượng và khó xác định, nó không như văn học đối xứng chữ ra chữ là có thể biết ngay. Vì vậy, không thể đưa ra quy chuẩn như thế nào là sao chép nhạc. Dù trong âm nhạc, nốt chỉ là một bộ phận, nó chưa nói lên hết được ca khúc nhưng chỉ riêng nốt nhạc mỗi người đã sử dụng mỗi kiểu khác nhau: sử dụng nốt giống nhau nhưng tinh thần khác nhau thì làm sao? Hát nhanh, hát chậm, hát mạnh, hát nhẹ... âm nhạc đã khác rồi! Vì vậy phải hết sức cẩn thận khi xác định giống bên nào, không giống bên nào”.

Nhạc sĩ-ca sĩ Duy Mạnh đang bức xúc khi có thông tin cho rằng anh đã “đạo” ca khúc Kiếp đỏ đen.
Nhạc sĩ-ca sĩ Duy Mạnh đang bức xúc khi có thông tin cho rằng anh đã “đạo” ca khúc Kiếp đỏ đen.

Nhiều nước cũng... bó tay!

Đạo nhạc không chỉ có ở Việt Nam mà bất cứ giải thưởng, quốc gia nào cũng có khả năng va phải. Ngay cả giải thưởng âm nhạc danh giá toàn cầu như Grammy cũng từng vấp vào năm 1990 để rồi nhóm hát Milli Vanilli đã phải tuyên bố trả lại danh hiệu nghệ sĩ mới xuất sắc nhất. Thậm chí, ngay cả nữ danh ca Madonna cũng không tránh khỏi nghi án đạo nhạc. Khi ca khúc Frozen đưa Madonna nổi đình nổi đám vào năm 1998, đứng tên tác giả ca khúc là Madonna và một người khác. Những tưởng hào quang sẽ bên cạnh, nào ngờ vào tháng 5-2005, nhạc sĩ Salvatore Acquaviva đã nộp đơn ra tòa án thành phố Mons (Bỉ) kiện Madonna. Theo đơn kiện, một số đoạn nhạc trong bài Frozen đã sao y bản chính từ một bài hát ông viết vào năm 1993. Trong thời gian chờ vụ kiện được giải quyết xong, toàn bộ số tiền thu được từ bài hát Frozen đã bị phong tỏa ở Bỉ!

Một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng chưa có quy định cụ thể để xác định thế nào là đạo nhạc.

Tại Hàn Quốc, đầu tháng 2-2006, nữ ca sĩ Lee Hyo-lee (Hàn Quốc) đã giới thiệu ca khúc Get ya của nhạc sĩ Kim Do-hyun. Sau đó, các diễn đàn trên mạng cho rằng bản nhạc này giống bản Do something của công chúa nhạc pop Britney Spears phát hành trước đó một năm. Công ty Universal Music Publishing Korea đang giữ bản quyền ca khúc Do something ở Hàn Quốc đã gửi bản thu âm ca khúc Get ya sang cho các nhạc sĩ của Britney Spears thẩm định. Ba trong bốn nhạc sĩ kết luận bản Get ya bị ảnh hưởng nặng tác phẩm của họ và một vài đoạn có thể gọi là đạo nhạc. Công ty trên đã chính thức gửi khiếu nại. Nhạc sĩ Kim Do-hyun - người sáng tác bài Get ya tuyên bố mặc dù ông có chịu ảnh hưởng bài Do something khi sáng tác bản Get ya nhưng không sao chép nó trực tiếp. Sau đó, hai bên đã gặp nhau để thương lượng giải quyết tránh khả năng khởi kiện. Và ngay cơ quan chức năng ở Hàn Quốc vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là một tác phẩm đạo nhạc.

Không nhạc sĩ nào đi kiện

Hầu hết các ca khúc của Việt Nam bị cho là “đạo nhạc” đều bị so sánh với những ca khúc nước ngoài. Thế nhưng ở Việt Nam, những vụ đạo nhạc hay nghi án đạo nhạc trong thời gian qua chủ yếu đều diễn ra ở các diễn đàn âm nhạc trên mạng hoặc thông qua báo chí chứ không nhiều nhạc sĩ nước ngoài gửi đơn kiện. Nếu trường hợp bị kiện, chắc chắn các tác giả Việt Nam sẽ không “gánh” nổi!

Và dĩ nhiên với cách làm không “danh chính ngôn thuận” như vậy, cũng như không có quy định cụ thể của pháp luật sẽ chẳng có kết luận nào đưa ra rằng ca khúc đó có sao chép hay không, sao chép cái gì... Và sự việc sẽ vẫn chỉ “lửng lơ con cá vàng” sau một thời gian xôn xao trên mạng, báo chí. Và với tình trạng hiện tại, nhạc sĩ nào “xui” bị nghi đạo nhạc vẫn không thể nào phân bua và ca khúc bị nghi đạo nhạc vẫn cứ vô tư phát hành.

Nói như nhạc sĩ An Thuyên, “Trong thời điểm mà ai cũng có thể thành nhạc sĩ, người người sáng tác, nhà nhà sáng tác thì nhạc sĩ có “chôm” của nước này, nước kia vẫn rất khó phát hiện. Tất cả chỉ biết nhờ vào trăm tai ngàn mắt của công chúng và ý thức của người nhạc sĩ mà thôi!”.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm