Xem Đáng sống để thấy đời còn đẹp

1. Mỗi câu chuyện là một lối thoát, đó là khẩu hiệu của chùm phim.Mầm sống là bộ phim đầu tiên với nhân vật trung tâm của phim là chị Hoàng Thị Kim Dung, tiến sĩ, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ở tuổi 27, chị lấy chồng và có một đứa con. Mầm sống ấy là niềm vui, là niềm hy vọng của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng rồi tai nạn cướp đi của chị người chồng, người cha đang tràn trề hạnh phúc ấy.

Rồi người phụ nữ Tây học ấy chợt nhớ đến mong muốn của chồng ngày trước: “Hai vợ chồng mình ít nhất phải có hai đứa con”. Vậy là trong lúc tang gia bối rối, chị vẫn kịp tìm đến BS Lê Vương Vệ để bày tỏ sở nguyện của mình. BS Vệ, người chưa từng làm điều nào tương tự nhưng đã quyết định xé rào thủ tục để làm một việc chưa từng có từ trước tới nay, một việc mà ông chưa dám chắc sẽ thành công.

Mầm sống, di sản còn lại của người chồng đã mất bằng sự tiến bộ của y học, sự tận tụy của bác sĩ và lòng tận tâm của người mẹ đã từ từ lớn lên trong chị. Mất chồng nhưng chị vẫn lưu giữ được hình bóng của anh qua những đứa con.

 Chị Hoàng Thị Kim Dung với những mầm sống từ hy vọng.  (Ảnh cắt từ phim)

2. Qua Mầm sống Đáng sống. Câu chuyện ở phim thứ hai kể về anh Tăng A Pẩu ở TP.HCM. Anh mắc phải căn bệnh ung thư ác tính hiểm nghèo và có một giải pháp đầy rủi ro là phẫu thuật với cơ hội sống chỉ 10% nếu ca mổ thành công.

Không từ bỏ cơ hội sống mong manh đó, anh chấp nhận và đã vượt qua. Cuộc sống của một người làm kinh doanh sau khi đối mặt với tử thần cũng bắt đầu rẽ hướng. Anh đam mê với rừng xanh, anh đam mê vác ống kính đi chụp những con chim. Trong phim, người xem chạm được niềm vui, sự tự hào khi anh kể về công việc lạ kỳ mà mình đã từng chọn. Lát cắt về cuộc đời anh không chỉ là câu chuyện về cách ứng xử với cuộc sống của mình, đó còn là cách đối mặt với thử thách đặt ra.

3. Ở phim thứ ba, người xem sẽ được chứng kiến những thước hình lạnh tanh và đầy nỗi sợ. Ở miền đất ấy, có những người dân thấy bom là mừng. Họ sống nhờ bom, nhờ thu gom những mảnh đạn, phế liệu chiến tranh. Ở đó, họ đối mặt với cái chết để kiếm mấy chục ngàn đồng từ tiền bán phế liệu. Có nhà đã mất đi cả ba đứa con trai tráng, có làng xã hàng trăm người đã chết vì công việc tử thần ấy. Giữa những con người cam chịu không lối thoát, một người đàn ông vẫn tìm ra cho mình một con đường giúp anh không phải làm công việc hiểm nguy đó nữa. Con đường ấy gắn với cánh cổng trường đại học.

Chùm phim kéo dài 90 phút, là thành quả của bốn năm bền bỉ của đạo diễn và êkíp. Phim khiến người ta khóc, cười và trân quý cuộc đời hơn. “Những nhân vật của tôi khi cuộc đời rơi vào tai ương, như bao người, họ cũng phải ôm mặt than trời nhưng họ không oán thán mà tìm cách sống tốt. Tôi hy vọng bộ phim sẽ tạo được hiệu ứng tốt cho xã hội” - đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ.

Nếu thực sự để gọi tên cho chủ đề của phim, hẳn đó phải là Hy vọng. Phim khởi chiếu từ ngày 18-11 trên hệ thống rạp BHD và cụm rạp Tháng 8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm