Xiếc rong, ca sĩ kẹo kéo... đi thi

“Liên hoan nghệ thuật đường phố” sẽ diễn ra từ ngày 18-12-2015 đến ngày 3-5-2016.

Tất cả những ai chọn cách trình diễn một loại hình nghệ thuật nào đó như ca hát để bán kẹo kéo hoặc bán vé số, nhảy múa, xiếc rong, ảo thuật… ở vỉa hè để kiếm sống và thỏa mãn đam mê nghệ thuật đều có thể tham gia liên hoan.

Bỏ cây kéo vàng để làm xiếc đường phố

Đến với liên hoan, nghệ sĩ xiếc đường phố Trường Giang, sinh năm 1993, bày tỏ rất muốn tham gia nhiều cuộc thi nghệ thuật trước đây mà chưa có cơ hội. Tham gia cuộc thi này, anh muốn mình được khán giả biết đến nhiều hơn, được học hỏi nhiều hơn. Anh không quan trọng chuyện đoạt giải hay không, quan trọng là ở cuộc thi này anh được thể hiện đam mê nghệ thuật của mình. “Tôi ước mơ làm nghệ thuật từ nhỏ nhưng ở quê nên không có điều kiện. Lớn lên, tôi lên thành phố làm đầu bếp được sáu năm thì bỏ việc đi hát rong để bán kẹo kéo, rồi chuyển sang xiếc - ảo thuật nhờ học hỏi từ những anh em diễn rong như mình. Tôi thấy yêu thích và thoải mái với cuộc sống này vì được tự do sống với đam mê dù không phải ai cũng có cái nhìn thiện cảm về nghề này. Tôi rất vui vì có cuộc thi tổ chức riêng cho anh em làm nghề ở đường phố như tôi” - Trường Giang hào hứng.

Anh Phi Đức, sinh năm 1971, có hơn 10 năm làm nghề ảo thuật đường phố với ngón nghề nuốt dao lam. Để chọn trở thành một nghệ sĩ đường phố, anh Đức đã bỏ nghề làm tóc, bỏ salon tóc cho vợ làm dù bản thân đã đoạt giải ba cuộc thi “Cây kéo vàng toàn quốc” cách nay hơn 10 năm.


Nghệ sĩ đường phố Trường Giang biểu diễn trong buổi công bố “Liên hoan nghệ thuật đường phố” tại báo Tuổi Trẻ chiều 18-12. Ảnh: HB

Anh bảo mình hài lòng với việc được biểu diễn nghệ thuật hằng đêm dù có khi chỉ diễn trong các quán nhậu, ở các vỉa hè để chờ tiền bo của khách.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia một cuộc thi nghệ thuật nào vì trước giờ tôi chỉ cặm cụi mưu sinh với suy nghĩ phải làm nghề cho thật hay, thật giỏi để khán giả hài lòng. Nghề này có người thương, kẻ ghét; có người trọng, kẻ khinh, có những lúc mình không được tôn trọng nhưng có những vị khách là đại gia rất hâm mộ mình, mời mình cụng ly, khen ngợi… Tôi không bao giờ mặc cảm hay tự ti với nghề cả mà luôn tự nhủ mình là nghệ sĩ, có đam mê nghệ thuật, có lao động nghệ thuật, đem niềm vui đến cho khán giả, phục vụ khán giả để đổi lấy chén cơm. Chúng tôi cũng giống như những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu vậy thôi. Nghĩ vậy nên tôi sẽ tham gia cuộc thi này một cách hết mình” - anh Đức nói.

Sân chơi đầu tiên

Trên khắp thế giới, nghệ thuật đường phố (hát rong, xiếc, múa, ảo thuật, tạp kỹ…) là một loại hình hoạt động dân gian có từ lâu đời và gắn liền với việc mưu sinh. Như một quy ước, các cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ… phần lớn hoạt động và tập trung ở các thành phố lớn hoặc khu thị tứ. Họ chọn hoạt động nghệ thuật này như là một nghề lao động chính đáng, thậm chí khá nổi tiếng và được xã hội chấp nhận.

Đã có nhiều liên hoan nghệ thuật đường phố được tổ chức trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có một vài lần liên hoan nghệ thuật đường phố được tổ chức ở những năm gần đây. Song đó chỉ là những liên hoan dành cho những nghệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, có cả những người nổi tiếng bước ra đường phố biểu diễn miễn phí cho du khách thưởng lãm.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một liên hoan nghệ thuật đường phố được tổ chức cho những nghệ sĩ tay ngang, lấy đường phố làm sàn diễn chính để kiếm sống như hát rong, xiếc rong trong các quán nhậu, lề đường. Liên hoan do báo Tuổi Trẻ và Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM cùng với Công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức.

Tạo hồn cho phố đi bộ

“Liên hoan nghệ thuật đường phố” được ra đời dựa trên những ý kiến của bạn đọc báo về việc phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM thiếu vắng một cái hồn vì nó không có những hoạt động gì khác biệt những con phố khác cả. Nên chăng có những hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố diễn ra thường xuyên trên con phố này, tạo hồn cho phố như ở nhiều con phố đi bộ trên thế giới. Liên hoan này mong muốn thúc đẩy việc phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ nhanh chóng có hồn từ những hoạt động nghệ thuật đường phố.

Ông XUÂN TRUNG, Phó Tổng Biên tập báoTuổi Trẻ,
đại diện ban tổ chức liên hoan

Từ cuộc liên hoan này sẽ có nhiều vấn đề đáng bàn như thế nào là nghệ thuật đường phố, nghệ sĩ đường phố… Liệu những nghệ sĩ đường phố này có được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép hành nghề hay không…

Nghệ sĩ HỮU LUÂN, Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn
và điện ảnh TP.HCM

_______________________________________

Cơ cấu giải thưởng của liên hoan trị giá 300 triệu đồng gồm một giải nhất trị giá 100 triệu đồng, một giải nhì trị giá 50 triệu đồng, một giải ba trị giá 30 triệu đồng và nhiều giải thưởng phụ khác. Hình thức tổ chức và bầu chọn đều được thực hiện trên mạng Internet qua trang báo Tuổi Trẻ điện tử và truyền hình online của báo Tuổi Trẻ (plo.vntv.tuoitre.com). Các cá nhân hay nhóm nghệ sĩ tham gia tự quay clip mình biểu diễn và cho biết địa điểm mình thường xuyên biểu diễn gửi cho ban tổ chức để đăng tải trên mạng. Khán giả sẽ bầu chọn cho các giải thưởng của liên hoan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm