Xiếc Việt Nam sử dụng động vật hoang dã trái phép?

Tổ chức quốc tế này cho hay thông tin trên nhận được hồi giữa tháng 3, và nếu đúng vậy thì đây là việc làm sai trái. Bởi gấu ngựa là loài động vật hoang dã, quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao, được pháp luật Việt Nam cũng như công ước quốc tế bảo vệ, cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại.

Tổ chức Động vật châu Á đã có văn bản đề nghị Liên đoàn Xiếc Việt Nam cung cấp thông tin, giải thích sự việc.

Trao đổi với PLO, nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: "Đầu tiên, chúng tôi khẳng định không săn bắt, không buôn bán, trao đổi những cá thể gấu. Về hai cá thể gấu ngựa con, chúng tôi thừa nhận rằng bộ phận tiếp nhận hai con gấu đó đã làm giải trình tiếp nhận chưa đúng thời điểm để báo cáo cho kiểm lâm".

Ông Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại buổi làm việc với PV. Ảnh: An Hiền 

Tình ngay…

Theo ông Thắng, tháng 7-2018, có một người đi xe máy mang theo bao tải chứa hai cá thể gấu ngựa khoảng hai tháng tuổi, trong tình trạng nguy kịch đến nhờ đoàn xiếc cứu chữa. "Khi đó hai con gấu đều bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng, sức khỏe trong tình trạng nguy kịch. Lúc tiếp nhận, bác sỹ thú y của đoàn xiếc chỉ biết cấp cứu mà không nhớ phải tìm hiểu về xuất xứ, gốc gác của loài gấu này".

Sau hai tháng, hai gấu ngựa con bình phục, được giao cho hai diễn viên của đoàn thú chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc, hai diễn viên này có cho hai cá thể gấu ngựa con tập một số động tác và cho diễn thử một số trò vào khoảng tháng 11, 12-2018.

Hình ảnh cá thể gấu ngựa con không rõ nguồn gốc biểu diễn xiếc được khán giả quay lại video clip. Ảnh cắt từ clip.

"Có lẽ trong khoảng thời gian đó thì khán giả có chụp lại vài bức ảnh. Còn người trong đoàn thú chỉ nghĩ đơn giản rằng những con thú này không phải là thú của liên đoàn, chữa xong thì đợi người kia quay lại rồi đem trả nên không phải báo cáo gì. Chúng tôi cũng vừa quy trách nhiệm cho đoàn thú để rút kinh nghiệm về sự việc này", ông Thắng nói.

Đề cập đến hướng giải quyết hai cá thể gấu ngựa, lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng. Nếu cần thiết sẽ đưa hai cá thể gấu này về tự nhiên hoặc giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã.

Lý của kiểm lâm...

Liên quan đến câu chuyện trên, ngày 11-4, ông Trần Quang Vinh, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo nào của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ giao cho Hạt Kiểm lâm địa bàn xuống kiểm tra xem nguồn gốc của hai cá thể gấu ngựa này như thế nào. Nếu nguồn gốc không hợp pháp thì Chi cục Kiểm lâm Hà Nội sẽ xử lý theo quy định là chuyển hai cá thể gấu ngựa cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã”, ông Vinh nói.

Về vấn đề quản lý động vật hoang dã tại Rạp xiếc Trung ương, ông Vinh cho biết, hàng tháng, Hạt kiểm lâm địa bàn đều ghi chép cụ thể số lượng tăng giảm các loài. Trong sự việc này, nếu cán bộ Hạt kiểm lâm biết có hai cá thể gấu ngựa đang được nuôi nhốt tại rạp xiếc mà không báo cáo thì cán bộ đó sẽ chịu trách nhiệm.

Sẽ chuyển xiếc thú hoang dã sang thú nuôi

Rạp xiếc Trung ương đang quản lý tám cá thể gấu ngựa trưởng thành, một con voi 30 năm tuổi, một số trăn, cá sấu, khỉ… Gấu ngựa là loài động vật hoang dã trong danh mục nguy cấp, quý hiếm, cấm trao đổi, buôn bán, kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, đối với số gấu ngựa trưởng thành đã gắn bó với Rạp xiếc Trung ương từ hơn 20 năm nay thì được xếp vào danh sách theo dõi đặc biệt.

Theo quy định, Liên đoàn Xiếc Việt Nam nếu muốn bổ sung thêm động vật hoang dã để hoạt động diễn xiếc thì phải có sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đồng thời, những loài động vật hoang dã này phải có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, về quá trình nhập khẩu, phải đủ điều kiện về chuồng trại, nuôi nhốt…

Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng cho biết Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang chuyển đổi dần xiếc thú động vật hoang dã sang xiếc thú nuôi. Dự kiến sắp tới, sẽ giới thiệu tiết mục xiếc lạc đà, xiếc trâu, xiếc mèo và tiếp tục đầu tư tiết mục xiếc lợn với quy mô lớn hơn, mang phong cách dân gian Việt Nam để thay đổi, phong phú thêm hình thức tiết mục thú.

“Lộ trình này cần có thời gian để vừa chuyển đổi vừa có đội ngũ diễn viên huấn luyện động vật nuôi. Khi chúng ta nuôi số lượng vật nuôi lớn thì đòi hỏi lực lượng hậu cần tốt để bảo đảm công tác chăm sóc cũng như luyện tập biểu diễn”, ông Thắng cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm