Vấn nạn di dân - EU cầu viện LHQ

Năm ngày sau thảm kịch tàu chở người nhập cư châu Phi chìm ngoài Địa Trung Hải (800 người chết), các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức hội nghị khẩn cấp vào tối 23-4 (giờ địa phương) tại Brussels (Bỉ).

Báo chí châu Âu ghi nhận hội nghị chủ yếu phát đi thông điệp chính trị hơn là đạt được các giải pháp hiệu quả. Rốt cuộc hội nghị chỉ đạt mức đồng thuận tối thiểu. Nước nào cũng lo “mình vì mình” thay vì “mình vì mọi người”.

Giám sát Địa Trung Hải: Theo báo Le Monde (Pháp), tuyên bố chung của hội nghị EU chỉ nhất trí một giải pháp cụ thể là tăng gấp ba kinh phí cho các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn trên Địa Trung Hải (chiến dịch Tritonở vùng biển Ý và Malta cùng với chiến dịch Poséidon ở vùng biển Hy Lạp).

Các chiến dịch này do Cơ quan châu Âu quản lý hợp tác tác chiến ở biên giới bên ngoài các nước thành viên EU (Frontex) tiến hành.

Ngân sách EU dành cho các chiến dịch trong năm 2015 và 2016 sẽ tăng từ 3 triệu euro/tháng lên 9 triệu euro/tháng. Hội nghị EU chưa nhất trí mở rộng phạm vi chiến dịch Triton đến gần Libya hơn nữa.

Biểu tình tại Brussels (Bỉ) ngày 23-4 với biểu ngữ ủng hộ người nhập cư “Chúng tôi không nguy hiểm. Chúng tôi đang gặp nguy hiểm”. Ảnh: AFP

Tăng cường lực lượng: 15 nước EU, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, đã cam kết cung cấp thêm tàu thuyền, máy bay trực thăng và sĩ quan.

Pháp cam kết đưa thêm một tàu tuần tra, một tàu kéo ngoài khơi và tăng gấp đôi số chuyên gia. Anh đề nghị điều động tàu HMS Bulwark là một trong những tàu chiến lớn nhất, ba trực thăng và hai tàu tuần tra. Đức cam kết đóng góp hai tàu chiến. Bỉ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch nhất trí điều động mỗi nước một tàu.

Dù vậy, báo Les Echos (Pháp) ghi nhận nếu tàu có sẵn thì EU phải cũng thuê. Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định Anh chỉ điều động tàu miễn phí với điều kiện đừng phân bổ người di dân đến Anh.

Chia sẻ gánh nặng người nhập cư: Hội nghị EU chỉ đưa ra con số áng chừng 5.000 người nhập cư phải chia đều để các nước EU tự nguyện tiếp nhận. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng con số này chưa đầy đủ. Rốt cuộc tuyên bố chung không nêu ra con số nào cụ thể.

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Thủ tướng Angela Merkel đề nghị sắp tới phải sửa đổi Công ước Dublin II của EU (quy định người di dân đến nước nào thì nước đó phải giải quyết).

Mở chiến dịch quân sự: Hội nghị EU chỉ khẳng định quyết tâm phát hiện, bắt giữ và phá hủy tàu trước khi bọn đưa người sử dụng tàu đưa người di dân sang châu Âu. Như vậy phải mở chiến dịch ở Libya. Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp: Chiến dịch do EU hay chỉ một số nước chỉ đạo? Có cần Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết?

Anh, Pháp, Ý đều muốn mở chiến dịch quân sự dưới thẩm quyền của Hội đồng Bảo an LHQ.

Tuyên bố chung của hội nghị EU đã đề nghị Cao ủy Đối ngoại Federica Mogherini chuẩn bị kế hoạch mở chiến dịch quân sự của EU ở Libya trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và nhân quyền.

Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố Pháp và Anh sẽ soạn dự thảo nghị quyết về mở chiến dịch quân sự để trình lên Hội đồng Bảo an LHQ. Trước mắt, ông sẽ bàn với Tổng thống Nga Putin về vấn đề này.

Ngày 23-4, vào lúc EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh về người nhập cư, hàng trăm người mang theo quan tài đã tuần hành trên các đường phố Brussels để tưởng nhớ những người nhập cư bị đắm tàu đồng thời kêu gọi EU chú trọng quan điểm nhân đạo hơn là an ninh. Trong khi đó, EU dự kiến sẽ cùng Liên minh châu Phi tổ chức hội nghị thượng đỉnh về chủ đề người nhập cư ở Malta. Châu Âu mong muốn các nước châu Phi kiểm soát biên giới tốt hơn để ngăn chặn nạn di dân trái phép.

Mở chiến dịch quân sự chống bọn đưa người di dân sẽ phức tạp, tốn thời gian, cần được LHQ cho phép, được chính phủ Libya nhất trí, phải động viên bộ máy quân sự và phải chấp nhận thiệt hại nhân mạng.

Báo LE MONDE (Pháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới