Vay được USD doanh nghiệp vẫn lao đao

Đó là nội dung Thông tư 25 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu cho rằng trong lúc tỉ giá không ổn định thì việc vay ngoại tệ không có ý nghĩa nhiều lắm khi khan hiếm hợp đồng đặt hàng.

Xuất khẩu đang khó đầu ra

Theo NHNN, việc sửa đổi này nhằm góp phần cân đối cung-cầu ngoại tệ trên thị trường và hài hòa lợi ích giữa bên vay và cho vay, phù hợp với chủ trương của Quốc hội và Chính phủ về ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên hôm 17-12, ông Nguyễn Anh Tuấn, kế toán trưởng Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Baseafood (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết quyết định trên không có tác động lớn lắm đến các DN xuất khẩu, nhất là các DN thủy sản.

Vay được USD doanh nghiệp vẫn lao đao ảnh 1

Việc vay ngoại tệ của doanh nghiệp không có ý nghĩa nhiều khi tỉ giá không ổn định. Ảnh: HTD

Ông Tuấn giải thích: “Việc Baseafood vay được ngoại tệ hoặc tiền đồng vào thời điểm này là không dễ dàng gì nhưng vấn đề khó khăn nhất của DN lại là thị trường. Thị trường xuất khẩu ổn định thì DN mới vay để sản xuất. Đương nhiên khi xuất được hàng thì mới hy vọng có nguồn thu ngoại tệ để bán lại cho ngân hàng. Năm 2008, doanh thu xuất khẩu của Baseafood đạt 28 triệu USD, còn năm nay giảm gần 50%, chỉ đạt 15 triệu USD”.

Rủi ro tỉ giá

Khi xuất khẩu được mà thu lại ngoại tệ thì DN sẵn sàng bán lại cho ngân hàng nhưng ông Tuấn cho rằng có một khó khăn nữa cho DN khi vay ngoại tệ khi tỉ giá không ổn định. So sánh lãi suất vay ngoại tệ 7%/năm với 12%/năm khi vay tiền đồng thì vay tiền đồng có lợi hơn. Ví dụ vay khoảng 100.000 USD trong một tháng với tỉ giá lên sát 18.500 đồng/USD thì sau 30 ngày, chênh lệch lãi suất cuối tháng so với thời điểm vay đầu tháng là khoảng 7-7,5 triệu đồng.

Ngày 17-12, giá niêm yết VND/USD của Ngân hàng Ngoại thương ở mức 18.475 VND/USD (mua vào) - 18.479 VND/USD (bán ra). Trên thị trường chợ đen, USD trội hơn 1.000 đồng. Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, dù đã có thông tin về việc doanh nghiệp, tập đoàn bán ngoại tệ nhưng trên thực tế, đa phần các ngân hàng vẫn không dư dả USD phục vụ cho DN. Bởi vào cuối năm, nhu cầu thanh toán nhập khẩu và trả nợ vay của DN khá lớn. Đồng thời, nhiều DN vẫn găm giữ USD mà không chịu bán cho các ngân hàng.

Ông Tuấn cũng tỏ ra lo ngại: Cung cầu ngoại tệ trên thị trường mất cân đối, tỉ giá không ổn định mà dùng biện pháp hành chính thì cũng không thể tác động lâu dài đến thị trường. Hôm 26-11, NHNN cũng tuyên bố cung ứng đủ nguồn ngoại tệ cho DN. Thế nhưng thực tế hiện nay thị trường vẫn không thực sự ổn định.

“Có nhiều DN nhập khẩu các mặt hàng không phải là thiết yếu, không được ưu đãi mua ngoại tệ thì người ta phải huy động từ các nhà xuất khẩu. Nhiều lần Baseafood được các đơn vị chuyên nhập khẩu đề xuất bán ngoại tệ cho họ. Tôi nghĩ các đơn vị xuất khẩu khác cũng được các DN nhập ôtô, điện thoại... gõ cửa. Đó là tình hình chung của thị trường ngoại tệ hiện nay” - ông Tuấn nhận định.

Tỉ giá hiện nay đang rất bấp bênh, DN chủ yếu tập trung đi tìm thị trường chứ vấn đề tỉ giá không quan trọng lắm, cung-cầu vẫn không ổn định thì việc đưa ra các biện pháp hành chính cũng chỉ là tạm thời.

Ông Nguyễn Trung Kiên, kế toán trưởng Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Hải Phòng), cho biết: Hiện nay, các ngân hàng cũng đã có nguồn ngoại tệ cung ứng cho DN đỡ hơn trước đây. Tuy nhiên, tỉ giá tăng cao tác động rất lớn đến chi phí đầu vào cho sản phẩm. Để tồn tại, DN không còn cách nào khác là phải biết lấy lúc lãi bù lúc khó khăn.

Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia:

Tỉ giá sắp tới có thể hạ

Việc cho các DN xuất khẩu mua ngoại tệ sẽ giúp thị trường ngoại hối bớt căng thẳng. Tuy nhiên, việc lo ngại tỉ giá tăng sẽ là một trong những nguyên nhân đẩy mặt bằng giá năm 2010 tăng cao. Hy vọng với các biện pháp để ổn định thị trường ngoại hối, có thể tỉ giá sẽ hạ trong thời gian tới. Khi ngoại tệ không nằm lại DN mà đồng USD được lưu thông thì chắc chắn tỉ giá sẽ hạ.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm