‘Về ăn Tết thôi con!’

Sáng 28-1, quảy trên vai chiếc ba lô nặng nhưng lòng anh Nguyễn Thành Sơn lại cảm thấy rất nhẹ nhõm khi hôm nay, anh cùng vợ và con đã xuất viện để trở về quê Đắk Nông ăn Tết.

Bé Mai là con vợ chồng anh chị được phát hiện ra căn bệnh ung thư khi mới chưa đầy 3 tuổi. Ngày xuất viện, dù gương mặt và làn da vẫn còn kém sắc do ảnh hưởng của đợt vào hóa chất trị bệnh, bé lanh lẹ cười đùa với cha mẹ.

Bé Mai là trường hợp được ghép tế bào gốc tạo máu nhỏ tuổi nhất đầu tiên được thực hiện tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM).

Bé Mai tươi tỉnh, lanh lợi sau khi được ghép tế bào gốc chữa bệnh tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: HL

Anh Sơn kể 6 tháng trước, khi đang được gửi trẻ, bé Mai đột nhiên đau bụng. Cơn đau kéo dài cả ngày, anh đưa con đi thăm khám và siêu âm phát hiện có khối u ở vùng bụng dưới.

Anh đưa con từ Đắk Nông xuống TP.HCM để tìm nguyên nhân chính xác và chạy chữa cho con. Kết quả chẩn đoán bé Mai bị u nguyên bào thần kinh ác tính khiến anh suy sụp.

Tuy nhiên, điều anh lo lắng hơn cả là muốn chữa được bệnh cho bé phải ghép tủy mà chi phí rất lớn, lên đến 3 tỷ, dù bảo hiểm tế có chi trả thì gia đình cũng phải bỏ ra 300 triệu đồng, tỉ lệ thành công thấp.

“Con cái bệnh, chúng tôi nghĩ có phải bán cả gia sản cũng phải cứu được con nhưng tỉ lệ thành công cũng không cao nên tôi đã tính bỏ cuộc” - anh Sơn nhớ lại.

Tình cờ, vào thời gian này, BV Nhi đồng 2 đang dần hoàn thiện trung tâm ghép tế bào gốc. Các bác sĩ đã thuyết phục gia đình đồng ý ghép tế bào gốc đồng thời vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí.

Anh Sơn kể: “Từ ngày con bệnh, hai vợ chồng phải cáng đáng chia ra lo cho cả ba đứa, hai đứa lớn mới học lớp 1 và lớp 3. Các con mong cha mẹ và em về đông đủ lắm. Cứ tưởng Tết này sẽ ăn Tết ở bệnh viện luôn đó chớ”. Anh Sơn chia sẻ sau khi đưa con về sẽ mua sắm cho mỗi con bộ đồ Tết, từ khi chạy chữa bệnh cho con, anh cũng không nghĩ tới Tết lại sắp cận kề như thế này.  Bước chân của hai vợ chồng xa dần trong tiếng cười đùa vui vẻ. 

Cả nhà anh Sơn lên đường trở về nhà ăn Tết. Ảnh: HL

Theo TS-BS Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, bệnh nhi là trường hợp nhỏ tuổi nhất được thực hiện ghép tế bào gốc thành công đầu tiên tại BV. Đây là phương pháp lấy tế bào gốc từ tủy xương hoặc từ máu ghép vào cơ thể bệnh nhân để chữa các bệnh lý huyết học, bệnh lý miễn dịch, di truyền và một số bệnh lý ung thư khác.

Tình trạng của bé gái lúc vào viện còn bị suy dinh dưỡng nặng. U nguyên bào thần kinh thuốc nhóm nguy cơ tử vong cao, nếu không được ghép tủy, tỉ lệ sống sót chỉ khoảng 12%.

Sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh xác nhận bệnh nhi đạt đáp ứng điều trị, các bác sĩ BV Nhi đồng 2 đã hội chẩn chuyên môn với BV Truyền máu Huyết học TP.HCM lên kế hoạch thu thập tế bào gốc, phác đồ hóa trị liệu diệt tủy liều cao cho bé trước khi ghép.

Sau ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, sức khỏe bé Mai đáp ứng tốt. Ảnh: HL

Ngày 30-12-2020, sau quá trình chuẩn bị, bệnh nhi được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân tại chỗ tại BV. Sau ghép 10 ngày, bệnh nhi bắt đầu mọc tủy và sức khỏe ổn định.

“Sau khi ghép, do nguồn tủy mới ghép chưa mọc nên bé đối mặt một số biến chứng do hóa trị liệu diệt tủy như tổn thương gan, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, viêm ruột. Vì thế chúng tôi tích cực điều trị nội khoa kháng sinh tích cực, tăng chức năng miễn dịch, bổ sung dinh dưỡng... Do đó, các biến chứng đều được sớm kiểm soát ổn định” - BS Tùng cho hay.

BS Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin về ca ghép tế bào gốc nhỏ tuổi nhất lần đầu tiên ở bệnh viện. Ảnh: HL

Một tuần sau xuất viện và tái khám lại, các dòng tế bào máu đang hồi phục thuận lợi, chức năng gan, thận trong giới hạn bình thường. Bé hoạt bát, ăn uống tốt, không cần truyền máu hay thuốc điều trị biến chứng liên quan ghép.

Dự kiến, bệnh nhi sẽ tiếp tục xạ trị sau vài tuần và điều trị thuốc duy trì sau truyền tế bào gốc 3 tháng nhằm hạn chế khả năng tái phát của khối u.

Tại BV Nhi đồng 2, mỗi năm có khoảng 40 trẻ được chẩn đoán và điều trị nguyên bào thần kinh. Từ năm 2015, BV Nhi đồng 2 phối hợp cùng BV Truyền máu Huyết học thực hiện phác đồ hóa trị liệu mạnh kèm ghép tủy tự thân cho 7 trường hợp. Hiện 5 bệnh nhi còn sống, trong đó 3 trường hợp chưa tái phát ung thư lại sau ghép, 2 bé mất do căn bệnh ung thư tiến triển nặng.

Theo BS Trịnh Hữu Tùng kỳ vọng thành công của ca ghép tế bào gốc tự thân trên bệnh nhi nhỏ tuổi này chắc chắn sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cứu sống các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo khác.

'Con mất rồi vẫn làm được việc tốt'
'Con mất rồi vẫn làm được việc tốt'
(PLO)- Điều an ủi nhất của những người cha, người mẹ hiến tạng con sau khi mất chính là thấy người khác được cứu sống nhờ một phần cơ thể của con mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm