Đáng chú ý, ông Sáu bị bắt ngày 14-11-1985 mà nguồn cơn có thể không phải vì ông đã phạm tội mà là đã dám tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của người khác. Ông bị bắt vì nghi ngờ buôn bán hàng trái phép, lệnh bắt không có sự phê chuẩn của VKS và không ai chứng kiến. Không biết là đáng thương hay may mắn cho ông mà chỉ chín ngày sau ông được “tạm tha”.
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Chín ngày bị tạm giam đã làm ông Sáu từ một công dân tự do, khát khao cống hiến biến thành tù nhân dự bị bất kể khi nào. Ông không bị giam hàng chục năm như những trường hợp oan, sai khác nhưng những dự định, kế hoạch, ước mơ đã khép lại. 33 năm, ông và gia đình đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, tâm sức để tìm công lý. Có những lúc tưởng chừng như sắp được nếm trải niềm hân hoan nhưng nỗi oan khuất vẫn sừng sững như một tượng đài.
Bởi trải qua một thời gian rất dài, mãi đến tháng 7-2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương kiểm tra, kết luận vụ việc. Tháng 2-2009, UBND tỉnh Đắk Lắk có Công văn 398, nội dung là công an tỉnh nhận trách nhiệm làm sai tố tụng trong quá trình bắt tạm giam, tạm tha và không khởi tố vụ án nhưng lại không có quyết định rõ ràng, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần đối với ông Sáu. UBND tỉnh chỉ đạo: “Công an tỉnh phải có văn bản chính thức công khai xin lỗi ông Sáu”...
Ấy vậy mà mãi tới bây giờ, sau gần 10 năm kể từ khi có những chỉ đạo công minh ấy, ông Sáu mới có thể hết những ngày lo lắng, bức xúc.
Vấn đề là không chỉ có sự thiếu trách nhiệm của những người đã hàm oan cho ông Sáu thời điểm 1985 mà có cả sự vô cảm của những người đã được chỉ đạo sửa sai nhưng không khắc phục ngay.
Chưa nói tới những quy định của pháp luật, chỉ cần những lời dạy của Hồ Chủ tịch, năm lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân Việt Nam… cũng đủ để lực lượng công an không thể làm oan người vô tội. Đáng nói, trong 10 điều kỷ luật thì còn có việc “nghiêm túc tự phê bình và phê bình”, một trong những công tác quan trọng trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức mà Đảng đề cao.
Điều ấy đòi hỏi khi thấy sai, làm oan người vô tội thì bất kể là ai trong quy trình tố tụng đều phải tích cực sửa sai, để những người vô tội như ông Sáu nửa đời người sống trong uất hận. Tận đáy lòng mình, chắc chắn không ai muốn phạm sai lầm, nhất là với những người mà “chí công, vô tư” phải luôn là phẩm chất. Nhưng cái làm người ta hơn nhau chính là việc dám dũng cảm nhìn nhận cái sai của mình, dù ở bất kỳ cương vị nào.
Cuối năm 2016, chính Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng thừa nhận lực lượng công an còn gây ra nhiều vụ án oan dù tỉ lệ rất nhỏ.
“Mặc dù chỉ là tỉ lệ rất nhỏ nhưng lực lượng công an cũng không thể chấp nhận được việc để xảy ra oan, sai đối với người vô tội, làm oan cho người dân tức là vi phạm pháp luật”. Lời của Bộ trưởng Tô Lâm trên đây thực sự dứt khoát và có thể đó cũng là một trong những vấn đề mà sự yếu đuối của kiếp người khó vượt qua được.
Bởi nếu gây ra oan, sai là vi phạm pháp luật thì cũng đồng nghĩa với việc những người gây ra oan, sai phải chịu trách nhiệm theo từng mức độ khác nhau. Nhưng chẳng nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của những người bị hàm oan khi mấy chục năm bị tước những quyền cơ bản. Và những người gây ra oan, sai có chịu trách nhiệm đến đâu thì đó cũng là lẽ công bằng mà hệ thống pháp luật lấy làm mục đích.
Ông Sáu sẽ được minh oan sau 33 năm làm nghi can. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc công lý đã nhọc nhằn lặn lội xuyên qua hai thế kỷ. Hy vọng trong tương lai, công lý sẽ không bị cản ngăn để những án oan không làm nhức nhối xã hội.