Vi phạm cả tố tụng lẫn nội dung, bị kháng nghị hủy án

Theo hồ sơ, bà Nguyễn Thị Hoa không có chồng, chỉ có một người con nuôi tên Nguyễn Phước Thảo. Tháng 12-2010, bà Hoa chết (không có di chúc), để lại khối di sản gồm một căn nhà, hai thửa đất và hơn 100 triệu đồng. Sau đó ông Thảo đến UBND xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách) kê khai đăng ký, chuyển tên quyền sử dụng đất và rút số tiền mặt của bà Hoa tại ngân hàng. Tuy nhiên, việc chưa thực hiện xong thì ông Thảo bị tai nạn giao thông chết.

Sau đó, ba chị em của bà Hoa là bà Nguyễn Thị Khi, Nguyễn Thị Trước, Nguyễn Thị Sương đã lập tờ thỏa thuận với nội dung chia di sản thành ba phần bằng nhau, riêng căn nhà thì để cho bà Trước ở và thờ cúng bà Hoa. Hiện phần tiền đã được các bà chia đều (sau đó bà Khi đem số tiền mình được chia đưa cho bà Trước và bà Sương để làm mộ ông bà) nhưng phần đất vẫn do bà Trước quản lý. Vì vậy, bà Khi và bà Sương đã khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà Trước phải chia đất.

Tháng 3-2013, TAND huyện Chợ Lách xử sơ thẩm, bác yêu cầu của bà Khi và bà Sương. Tòa nhận định tờ thỏa thuận của các đương sự trái quy định bởi khi bà Hoa chết, ông Thảo là người thừa kế di sản. Ông Thảo lại là con ruột của vợ chồng bà Trước nên sau khi ông Thảo chết thì vợ chồng bà Trước được thừa kế toàn bộ di sản này. Riêng số tiền hơn 100 triệu đồng các bên đã chia, bà Khi đã giao phần tiền của mình cho bà Trước, bà Sương để làm mộ ông bà. Vì vậy, phía bà Trước phản tố yêu cầu được nhận lại phần tiền đã chia là không có cơ sở.

Theo VKSND tỉnh Bến Tre, bản án sơ thẩm xác định hai thửa đất tranh chấp gần 2.400 m2 là chưa chính xác vì theo đo đạc thì chỉ có hơn 2.200 m2. Theo kết quả định giá, một thửa là 300.000 đồng/m2, một thửa 500.000 đồng/m2 nhưng bản án tuyên chung một giá 500.000 đồng/m2, dẫn đến án phí cao, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của đương sự.

Cạnh đó, bản án tuyên không đúng với biên bản nghị án. Biên bản nghị án nêu bác yêu cầu phản tố của bà Trước đối với bà Sương, không đề cập đến bà Khi nhưng bản án lại tuyên bác yêu cầu phản tố của bà Trước đối với cả bà Sương lẫn bà Khi.

Mặt khác, vợ chồng bà Trước là người thừa kế di sản của ông Thảo, đơn phản tố phải có cả hai người cùng đứng tên nhưng trong đơn lại chỉ có mình bà Trước đứng tên. Chồng bà Trước ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng trước ngày bà Trước ký đơn phản tố. Đúng ra trước khi hòa giải về nội dung phản tố, thẩm phán phải yêu cầu chồng bà Trước có đơn yêu cầu phản tố bổ sung hoặc hướng dẫn cho ông này cùng đứng tên với bà Trước, sau đó mới ủy quyền. Tòa cũng không thông báo cho chồng bà Trước biết để tham gia hòa giải. Trong các biên bản hòa giải đều không có ý kiến của ông này là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Ngoài ra, tòa sơ thẩm bác yêu cầu đòi chia di sản của bà Khi và bà Sương là có căn cứ. Tuy nhiên, trong đơn phản tố cũng như quá trình giải quyết, bà Trước yêu cầu tòa công nhận phần đất thuộc di sản của ông Thảo, sau đó công nhận cho vợ chồng bà được trọn quyền sử dụng… Tòa sơ thẩm không nhận định yêu cầu của bà Trước có căn cứ hay không, cũng không tuyên ai có quyền sử dụng đất là chưa giải quyết hết yêu cầu của đương sự…

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm