Vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp ở TP.HCM nhưng đi các tỉnh phát triển

Chiều 8-3, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban quý 1 cùng 16 Hội ngành nghề.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, hiện nay các doanh nghiệp (DN) dệt may TP.HCM lạc quan nhưng giá nguyên phụ liệu thô, chi phí logictics bất ổn nên DN gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Xuân, đa số DN nhập nguyên phụ liệu để sản xuất, xuất khẩu nhưng hai năm qua giá sợi cotton tăng 70%, giá nguyên phụ liệu trong nước tăng 40%.

Đặc biệt, theo quy định thu phí hạ tầng cảng biển DN sẽ chịu hai lần phí, một lần cho container hàng nhập khẩu và một lần cho container hàng xuất khẩu, dẫn đến phí chồng phí.

Xăng dầu tăng bất thường dẫn đến phí vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa nhà máy, kho cảng tăng theo trong khi giá bán DN không tăng.

Tiêu thụ thời trang nội địa Việt Nam được định giá 5 tỷ USD. Ảnh minh họa TÚ UYÊN

“DN cố gắng cắt giảm nhiều chi phí cũng như thương lượng với khách hàng nhưng do hợp đồng đã kí từ trước nên muốn điều chỉnh không dễ dàng” bà Xuân nói.

Bên cạnh đó, hiện nay dù Việt Nam xuất khẩu với kim ngạch cả chục tỷ USD nhưng vẫn được định vị là gia công bởi nguyên phụ liệu trong nước đáp ứng 30%-40%. Song song đó, Việt Nam thiếu nhân lực trong thiết kế, thương mại nên ngay chính trên thị trường nội địa DN rất khó khăn.

"thị trường tiêu thụ thời trang nội địa Việt Nam đang được định giá 5 tỷ USD nhưng là cuộc chiến khốc liệt cho các thương hiệu nội địa. Hội mong thành phố thành lập các Trung tâm thời trang để hỗ trợ DN Việt định vị thương hiệu, đặc biệt với thị trường trong nước…"  bà Xuân nói.

Tương tự, ông Bùi Hữu Thiêm, Phó Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, sang năm 2022 những khó khăn từ hai năm trước đến nay vẫn còn đó là chi phí logistics tăng cao, đặc biệt hai thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ và EU.

Cụ thể chi phí logistics từ TP.HCM đi bờ đông nước Mỹ  tăng gấp 10 lần. Ví dụ trước đây chi phí khoảng 2.000 USD đến nay có khi DN phải trả hơn 20.000 USD.

Ngoài nguyên vật liệu đầu vào tăng, gần đây giá xăng dầu tăng cao dẫn đến các nguyên liệu khác, đặc biệt vận chuyển đường bộ tăng…gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên, khi đàm phán giá bán tăng thì DN không đàm phán được.

Các hội ngành nghề chia sẻ tại cuộc họp giao ban quý I. Ảnh: TÚ UYÊN

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày TP.HCM cho biết, xăng dầu tăng, chi phí logistics, đầu vào của ngành gia dày tăng cao và nay thêm phí cảng biển.

"Các DN đang tự hỏi làm xuất khẩu lợi hay không vì với các chi phí trên DN vừa gồng vừa gánh vừa cõng, vừa ẳm các chi phí, còn tay chân đâu để làm ăn…” ông Khánh ví von.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su nhựa TP.HCM cho biết, 10 năm nay đất công nghiệp TP.HCM tăng hơn 5 lần là khó khăn lớn đối với DN. 

“đau đớn hơn phần lớn các DN khởi nghiệp tại TP. HCM lại đi phát triển ở địa phương khác. Giá đất công nghiệp TP.HCM cập nhật đến thời điểm này trên 200 USD/m2. Khi các DN phát triển lớn hơn tí lại ra khỏi TP.HCM" ông Anh nói.

Ông Anh dẫn chứng, các DN trong hiệp hội như công ty nhựa Duy Tân chỉ còn 20% doanh số nằm ở TP.HCM, 80% doanh số ra Long An, Bình Dương hay công ty Casumina doanh số 5.000 tỉ đồng chỉ còn 1.000 tỉ đồng ở TP.HCM, 4.000 tỉ đồng nằm ở các địa phương khác.

Theo ông Anh, làm thế nào để quỹ đất công nghiệp TP.HCM dồi dào lên mới thu hút DN mới đầu tư. Do đó, đề nghị TP.HCM có chủ trương đột phá về quỹ đất công nghiệp.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, qua các đề nghị của hội ngành nghề như TP.HCM cần tăng cường bố trí quỹ đất cho sản xuất công nghiệp; tăng cường hoạt động kết nối giữa DN với ngân hàng; xem xét dời thời gian thu phí hạ tầng cảng biển…Sở sẽ tiếp thu. 

Đồng thời, Sở ghi nhận những đề xuất hiến kế của các Hội trong đó tập trung phát triển đề án logictisc, đặc biệt chú ý đầu tư kho bãi để phục vụ xuất khẩu, gia tăng giá trị nông sản và hàng sản xuất công nghiệp. Tích hợ, cung cấp thông tin về thị trường, chính sách thị trường một cách thuận lợi cho DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm