Vì sao giá lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đột ngột tăng cao?

Lượng hàng về chợ giảm hơn 34% 

Kết quả khảo sát thực tế của Sở Công thương TP.HCM tại ba chợ đầu mối cho thấy tổng lượng hàng về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh chợ khoảng 900 tấn/ngày đêm.

Bên cạnh đó, qua trao đổi với ban quản lý ba chợ đầu mối, lượng hàng các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, zalo, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn/ngày đêm.

Tổng lượng hàng về chợ sáng ngày 8-7 đạt 21.00 tấn/ngày đêm, giảm hơn 34% so với ngày 7-7 trong đó nhóm mặt hàng thịt gia súc 300 tấn/ngày đêm, nhóm mặt hàng thủy hải sản khoảng 50 tấn/ngày đêm. Nhóm mặt hàng rau củ quả, trái cây khoảng 1750 tấn/ngày đêm.

Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Chi Cục thú y, số lượng heo tiêu thụ trung bình khoảng 4.000 con/đêm tương đương 300 tấn thịt.

Mặc dù chợ đầu mối Hóc Môn đã tạm ngưng hoạt động, mặt hàng rau củ quả, các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen. 

Hàng hóa không vào chợ, tập trung chủ yếu dọc theo hai bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22 hướng từ Ngã ba Chợ đầu mối về bến xe An Sương và ngược lại.

Phương tiện vận chuyển từ các tỉnh giao trực tiếp cho các mối sản lượng đêm qua khoảng 550 tấn.

Chợ đầu mối Thủ Đức đã tạm ngừng hoạt động, các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh bán hàng trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh chợ đầu mối, khu dân cư sau chợ, đường Ngô Chí Quốc sau chợ, đường Xa lộ Hà Nội gần chợ với sản lượng rau củ quả ước đạt 750 tấn.

Tương tự, chợ Bình Điền, đã ngừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch, hiện các thương lái lớn chuyển hình thức kinh doanh giao hàng trực tiếp.

Một số thương lái tập kết hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để giao/nhận hàng, sản lượng rau củ quả khoảng 450 tấn, thủy hải sản khoảng 50 tấn.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, hầu hết giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng do số lượng chợ tạm dừng hoạt động tăng cao, người dân mua nhiều, chợ thiếu hàng cục bộ.

Giá thịt heo pha lóc tăng khoảng 10% - 20% so với ngày 7-7. Như thịt heo đùi 160.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng, thịt ba rọi 210.000 đồng/kg tăng 30.000 đồng…

Riêng thịt gà công nghiệp dao động 52.000 đồng /kg, giá thịt gà công nghiệp bình ổn chỉ 40.000 đồng /kg,  thịt gà ta 94.000 đồng /kg, giá gà ta bình ổn chỉ 84.000 đồng/kg…

Hầu hết mặt hàng rau củ quả đều tăng khoảng 2% - 5% so với ngày 7-7. Mặt hàng gạo, trứng gia cầm nguồn cung dồi dào, giá ổn định.

Nhiều chợ tạm dừng hoạt động phòng chống dịch. Ảnh: TÚ UYÊN

Sức mua tăng đột biến

Sở Công thương TP.HCM cũng cho hay, tại hệ thống chợ truyền thống sức mua tăng khoảng 30%, do có thông tin chính thức Thành phố sẽ thực hiện áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nên người dân đổ xô mua sắm để dự trữ hàng hóa.

Nhiều chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do có liên quan đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số thương nhân đã áp dụng các hình thức bán hàng trực tuyến tại nhà như thương nhân chợ Phùng Hưng, chợ Minh Phụng...

Bên cạnh đó, các quận, huyện phối hợp hệ thống phân phối hiện đại tổ chức các điểm bán lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân. Tại khu vực Hóc Môn có Satra tổ chức ba điểm, quận Bình Tân có Bách Hóa Xanh tổ chức hai  điểm bán lưu động.

Đối với hệ thống siêu thị sức mua ngày 7-7 tăng gấp hai lần so với ngày thường. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sức mua tăng đột biến là đã có thông tin về việc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn thành phố dẫn đến việc người dân đổ xô mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm để dự trữ.

Quy định cách ly bảy ngày người từ TP.HCM gây khó doanh nghiệp

Sở Công Thương TPHCM cho biết, căn cứ văn bản 5389/BYT-MT ngày 7-7 về việc tiếp nhận đối với người từ TP.HCM về địa phương có quy định tất cả người về từ TP.HCM phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng bảy ngày kể từ ngày về địa phương.

Nội dung này gây khó khăn cho một số đơn vị có kho nằm ở tỉnh lân cận như Saigon Co.op có kho phân phối hàng đặt tại Bình Dương và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa các hệ thống phân phối khác như Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh,…

Trước tình hình khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa và việc người dân đổ xô mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm để dự trữ do có thông tin áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn thành phố, Sở Công Thương đã chủ động trao đổi làm việc với các hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong trường hợp thành phố áp dụng Chỉ thị 16.

Theo đó, các đơn vị Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte … cho biết khó khăn lớn nhất đó là việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vô thành phố gây tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá bán sản phẩm.

Thứ hai là tình trạng bị động trong công tác điều phối xe tải chở hàng do khâu kiểm soát giấy chứng nhận âm tính theo cách thức thủ công gây ùn ứ hàng hóa, không đảm bảo 5K.

Thứ ba là công tác xét nghiệm chưa có sự điều phối, hiệp đồng thống nhất giữa TP.HCM và các tỉnh, thành nên thời gian lấy giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm chậm trễ.

"Vì vậy, các đơn vị kiến nghị cần hướng dẫn rõ ràng là hàng hóa của địa phương nào thì có hướng dẫn, phân bổ địa điểm xét nghiệm cụ thể trên địa bàn của từng tỉnh, thành. Tốt nhất nên tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất. Đồng thời cần thống nhất chỉ cần yêu cầu xét nghiệm nhanh, thời gian hiệu lực ba ngày và có hiệu lực lưu hành ba ngày", Sở công thương nêu rõ.

148 chợ truyền thống tạm dừng đóng cửa phòng chống dịch

Tính đến nay 8-7, trên địa bàn TP.HCM có 6/106 siêu thị như siêu thị Bon Grocer (Quận 3), siêu thị Lotte Nam Sài gòn (Quận 7), siêu thị Lotte Phú Thọ (Quận 11), siêu thị Co.opmart Cao Thắng (Quận 10). 

Siêu thị Co.opmart Âu Cơ (Quận Tân Bình), siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (Quận Phú Nhuận) đang tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.  

Và có 85/2.616 cửa hàng tiện lợi, 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối tạm dừng đóng cửa để phòng chống dịch.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm