Cô Lizzy Ran đang rất hài lòng với cuộc sống của mình. Nữ bác sĩ độc thân 29 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc có thu nhập tốt và rất biết cách sử dụng thời gian rảnh của mình bằng cách đi chơi với bạn bè hoặc lên Internet ở nhà.
Tuy nhiên, mẹ cô thì ngày càng lo lắng.
“Mẹ tôi cực kỳ lo cho tôi. Bà cho rằng lập gia đình và có con là những việc một người phải làm trong cuộc đời. Tôi thì không nghĩ thế, hôn nhân không cần thiết với tôi” - cô Ran nói.
Theo cô, hôn nhân là do số phận quyết định và cô không có ý định thúc giục chuyện này.
“Nếu tôi may mắn và gặp được người đàn ông phù hợp với mình là chuyện tốt. Nhưng nếu tôi không đủ may mắn để gặp một người như vậy thì cũng tốt thôi, tôi sẽ chấp nhận. Chắc chắn tôi sẽ không buộc bản thân phải đi tìm một người đàn ông và cưới anh ta” - cô Ran nói.
Theo SCMP, suy nghĩ của nữ bác sĩ Ran 29 tuổi là suy nghĩ điển hình của giới trẻ Trung Quốc sinh sau năm 1990. Cô Ran là một phần của thế hệ những người trẻ không vội ràng buộc với hôn nhân - kết quả của các thay đổi to lớn về xã hội và kinh tế của Trung Quốc thời gian qua.
Nhiều phụ nữ trẻ hài lòng với cuộc sống độc thân, đồng nghĩa chỗ đứng của hôn nhân trong xã hội Trung Quốc đã thay đổi. Ảnh: AFP
Những thay đổi này đã đảo ngược truyền thống đối với thế hệ trẻ Trung Quốc. Và các nhà nghiên cứu cho rằng ảnh hưởng của cái “xã hội độc thân” đang thành hình không chỉ tác động lên cá nhân và cả lên quốc gia.
Có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi suy nghĩ này từ mạng xã hội. Mùa hè qua, một câu “những người sinh sau năm 1990 không muốn lập gia đình” trên mạng Weibo đã thu hút hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ ý kiến.
“Lập gia đình là một gánh nặng, và tôi không muốn nhận gánh nặng đó. Có lẽ tôi là người vô trách nhiệm” - một người dùng Weibo viết.
Một người khác chia sẻ: “Tôi đã tranh cãi với mẹ về chuyện hôn nhân. Bà chỉ trích tôi không trưởng thành và không sâu sắc về cuộc sống, và tôi nói với bà rằng có một khoảng cách thế hệ lớn giữa chúng tôi”.
Cũng có thể nhìn thấy những thay đổi này qua thực tế giảm mạnh số người kết hôn. Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, con số người đăng ký kết hôn trong năm ngoái là 10,11 triệu người, giảm mạnh so với 13,47 triệu người trong năm 2013.
Vậy nguyên nhân là gì?
Theo nhà nghiên cứu về phát triển phụ nữ Wang Jufen tại Trường Phát triển xã hội và chính sách công thuộc Đại học Phục Đán (Thượng Hải), sự sụt giảm tỉ lệ hôn nhân cho thấy phụ nữ Trung Quốc đã được trang bị học vấn tốt hơn và trở nên độc lập hơn về tài chính.
“Trong nhiều trường đại học, chúng tôi nhận thấy có nhiều nữ sinh viên tốt nghiệp hơn nam sinh viên. Và số lượng nữ ứng viên học lên thạc sĩ hay tiến sĩ cũng ngày càng tăng hơn. Vì thế phụ nữ không cần phụ thuộc về kinh tế vào đàn ông như các thế hệ trước đã thể hiện điều này thông qua hôn nhân” - theo bà Wang.
Theo bà Wang, có một lý do nữa giải thích tại sao nhiều phụ nữ, đặc biệt phụ nữ làm công việc văn phòng ở các thành phố lớn vẫn còn độc thân. Đó là những phụ nữ này vẫn mong muốn và chờ đợi một đối tác nam học vấn tốt hơn mình, giàu có hơn mình, mà không có suy nghĩ “nhìn xuống” một chút để có thể tìm được một bạn trai.
Các thay đổi đã giúp phụ nữ Trung Quốc dễ kiếm việc làm hơn, đồng nghĩa ngày càng nhiều phụ nữ trẻ không còn chú trọng nhiều đến hôn nhân. Ảnh: ALAMY
Một lý do nữa, sự an toàn xã hội được mở rộng cũng làm những người trẻ mất dần nhu cầu phải kết hôn và tạo dựng gia đình của riêng mình.
Ông Gui Shixun, Giám đốc Viện Nghiên cứu dân số tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói rằng bên cạnh thực hiện một phần trách nhiệm phải duy trì dòng giống gia đình, các cặp vợ chồng ngày trước gầy dựng gia đình và có con với suy nghĩ con sẽ chăm sóc họ về già. Các cặp đôi đăng ký kết hôn vì họ có kế hoạch có con.
Ngày nay, thực tế bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế phủ sóng hầu hết người dân khắp thành thị đến nông thôn Trung Quốc và hôn nhân không còn cần thiết nhiều, theo ông Gui.
“Với thực tế xã hội và kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, quan điểm chọn bạn đời của người trẻ đã thay đổi” - ông Gui nhận định.
“Trước kia, người ta cho rằng một người không làm đúng đạo làm con nếu không sinh con. Nhưng ngày nay thì họ nghĩ không có con trong suốt cuộc đời mình cũng tốt thôi” - ông Gui nói.
Theo một thăm dò tại Trung Quốc, hiện chỉ khoảng 14% người trẻ nước này cho lập gia đình là một mục tiêu trong cuộc sống của mình. 70% nói sẽ cân nhắc chuyện cưới khi gặp được người phù hợp với mình. Riêng 16% còn lại nói thẳng họ sẽ không lập gia đình.
Một số trường hợp cũng chọn chiều theo áp lực gia đình. Tại Thượng Hải, cô Xiao Lei và bạn trai lâu năm vốn đã sống chung trong hai năm có kế hoạch sẽ làm lễ cưới vào cuối tháng 10, sau khi cha cô ra tối hậu thư cô phải kết hôn trước khi bước sang tuổi 38 vào tháng 11.
“Đây là giữ sĩ diện cho cha tôi. Ông nói ông có thể chịu được khi con gái cưới chồng ở tuổi 37, nhưng ông sẽ mất mặt nếu tôi đợi đến tuổi 38 hay sau đó nữa mới cưới. Vì thế, ông nói với bạn trai tôi hoặc làm lễ cưới trước khi tôi bước sang tuổi 38 hoặc chấm dứt mối quan hệ này” - cô Xiao nói.
Và để xoa dịu cha cô, bạn trai 43 tuổi của cô đã đồng ý.
Các bà mai ở TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông sẽ còn khó khăn hơn nhiều để chống lại xu hướng chọn cuộc sống độc thân hiện nay ở Trung Quốc. Ảnh: MCT
Cô Ran nói cô cũng hy vọng có người yêu nhưng thực sự cô không có thời gian tìm kiếm.
“Sau thời gian làm việc, tôi đọc sách để trau dồi chuyên môn, và phần lớn thời gian rảnh còn lại tôi xem tivi hay đọc tiểu thuyết trên mạng. Tôi cũng hay đi du lịch với bạn bè, họ đều là các cô gái trẻ và độc thân như tôi. Nói tóm lại, tôi quá bận và không có thời gian để tìm một người đàn ông và tìm hiểu anh ta” - cô Ran chia sẻ.
Thêm nữa, cô Ran, vốn chưa từng có mối quan hệ yêu đương nào lâu dài, cho biết cô không lạc quan về khả năng cô sẽ có một cuộc hôn nhân thành công vì cô đã chứng kiến quá nhiều cặp vợ chồng không hạnh phúc quanh mình.
Ở quy mô quốc gia, tại Trung Quốc ngày càng có nhiều cặp vợ chồng không hạnh phúc và ly hôn. Con số các vụ ly hôn ở Trung Quốc tăng từ 1,33 triệu vụ năm 2003 lên 4,37 triệu vụ năm 2017, theo số liệu từ Bộ Các vấn đề dân sự nước này.
Một thăm dò của Viện Khoa học xã hội Đại học Bắc Kinh năm 2016 cho thấy với bộ phận các cặp vợ chồng sinh sau năm 1980, tỉ lệ ly hôn của họ trong vòng 15 năm hôn nhân tới 13,5%, cao gấp ba lần tỉ lệ ly hôn của thế hệ cha mẹ họ.
Ông Gui với chuyên môn là một nhà nghiên cứu về dân số cho rằng tỉ lệ hôn nhân thấp sẽ không giúp làm tăng tỉ lệ sinh thấp, ngoài ra còn đẩy nhanh sự già hóa xã hội Trung Quốc và làm cho lực lượng lao động ngày càng eo hẹp.
Trung Quốc đã bỏ chính sách một con vốn tồn tại hàng thập niên từ năm 2016 và hiện đang cân nhắc hạ tuổi kết hôn cho nam lẫn nữ nhằm tăng tỉ lệ sinh.
Tuy nhiên, theo nhà nhân khẩu học Mu Guangzong tại Đại học Bắc Kinh, điều này có vẻ không giúp gì nhiều khi thế hệ trẻ có vẻ thích cuộc sống độc thân hơn.
Trung Quốc đã bỏ chính sách một con từ năm 2016. Ảnh: AFP
“Trí tuê nhân tạo, một nền kinh tế thịnh vượng, các dịch vụ xã hội tiện lợi, tất cả đều góp phần hỗ trợ cho cuộc sống độc thân của con người. Hôn nhân không còn là một điều cần thiết với cuộc sống một người, và điều này đồng nghĩa một “xã hội độc thân” đang tới” - ông Mu Guangzong nhận định.
Theo ông Mu Guangzong, độc thân cho phép người ta tận hưởng hoàn toàn tự do của mình nhưng bên cạnh đó cũng có nhược điểm là thiếu sự nối kết.
“Thật khó tưởng tượng một xã hội chỉ dựa vào từng cá nhân, thay vì các gia đình vốn có sự ấm áp và bền vững?” - ông Mu Guangzong đặt câu hỏi.