Chuyện chưa kể về cây cầu 'song sinh' với cầu Ghềnh

Theo tư liệu cuốn “Địa chí Đồng Nai” (NXB Đồng Nai, 2001) cho biết cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát được Pháp xây dựng từ những năm 1903 để phục vụ cho việc khai thác tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa, Sài Gòn - Xuân Lộc. Cả hai cây cầu trăm tuổi này đều do kỹ sư danh tiếng Gustave Eiffel (1832 -1923) thiết kế.

Hai cây cầu sắt bắc qua sông Đồng Nai là hình ảnh thân thuộc với người dân Biên Hòa. Tuy cùng năm ra đời, cùng mẫu thiết kế, cùng chất liệu xây dựng và cùng chức năng, nhiệm vụ quan trọng cho tuyến giao thông đường sắt Bắc - Nam nhưng lạ một điều cây cầu Ghềnh xưa nay lại trở nên “nổi tiếng” hơn và trở thành “biểu tượng Biên Hòa”. Trong khi đó, cầu Rạch Cát lại chịu cảnh thiệt thòi, lếp vé do ít người biết đến.

Sau khi cầu Ghềnh bị sập trưa 20-3 vừa qua thì cầu Rạch Cát lại được gây nhiều chú ý vì đây là cây cầu sắt hiếm hoi và duy nhất có tuổi thọ trên 100 tuổi còn sót lại ở Đồng Nai.

Cầu Rạch Cát xưa. Ảnh tư liệu

Cầu Rạch Cát nối vùng nội ô TP Biên Hòa với Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa). Còn cầu Ghềnh nối tiếp Cù Lao Phố qua khu vực chợ Đồn (phường Bửu Hoà,TP Biên Hòa). Hai câu cầu “anh em” cách nhau khoảng 300 m nhưng không thể thiếu một trong hai vì đã góp phần quan trọng cho các tuyến xe lửa Bắc - Nam chạy thông suốt.

Cầu Rạch Cát có chiều dài hơn 125 m, phân bố thành 3 nhịp, khác với cầu Ghềnh có 4 nhịp. Nguyên thủy cầu Rạch Cát có 3 nhịp hình vòng cung. Sau này nhịp thứ hai sửa lại lại thành hình vuông.

Khác với cầu Ghềnh, chân trụ mố cầu Rạch Cát có dàn khung sắt bao quanh tránh va đập của tàu, thuyền qua lại bảo đảm an toàn và “sức khỏe” cho “cụ” cầu trăm tuổi này.

Các nhịp của cầu Rạch Cát cho đến dầm cầu gắn kết với nhau không phải bằng những bu lông hay mối hàn mà là từng chiếc đinh tán hoàn toàn bằng thủ công.

Sau vụ sập “cụ” cầu Ghềnh, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã có kiến nghị đến Bộ GTVT nên “để mắt” tới cây cầu Rạch Cát nhiều hơn nữa.

Ông Năm Tài, một lão dân Cù Lao Phố, chia sẻ : “Đôi bạn thế kỷ chung một dòng sông, giờ một “cụ” cầu ra đi sớm, còn “cụ” cầu còn lại thì cũng già nua. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần sớm quan tâm, tu bổ, bảo vệ cầu Rạch Cát để con cháu mai sau còn có cái để biết có một di tích trăm năm trên dòng sông Đồng Nai...”

Từ khi cầu Ghềnh sập thì cầu Rạch Cát đã chính thức thay thế “biểu tượng Biên Hòa” của cầu Ghềnh và trở thành “cầu Ghềnh 2” trong lòng mỗi người dân địa phương.

BÙI TRƯỜNG TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm