Mùa vui trên đất kiệu

Huyện Thăng Bình được xem lại vựa kiệu lớn nhất ở tỉnh Quảng Nam, trong đó có thể nói xã Bình Phục là vựa kiệu lớn nhất, nhì của huyện. Khi mặt trời vừa ló dạng, trên những cánh đồng kiệu thuộc thôn Tất Viên (Bình Phục) bà con hối hả thu hoạch kiệu để bán cho kịp dịp tết Nguyên đán sắp tới. Trên cánh đồng kiệu, mặc dù vất vả nhưng ai cũng nở nụ cười. Theo như đa số người dân trồng kiệu ở thôn này cho biết, mùa kiệu năm nay có năng suất khá hơn so với năm ngoái nên đem lại thu nhập lớn cho nhiều người đầu tư vào loại cây này.

Bà Trần Thị Thìn (58 tuổi, ngụ thôn Tất Viên) vừa thoăn thoắt cắt củ kiệu vừa nói hớn hở: "Năm nay gia đình trồng được cả thảy gần 1 ha kiệu giống, đến nay thu hoạch đã hơn phân nửa số diện tích trên. Do chăm sóc tốt nên kiệu cho năng suất cao, gần 750 kg/sào". Với giá bình ổn 17.000-22.000 đồng/kg nên gia đình bà đã thu được lãi chừng hơn 20 triệu đồng. Phần còn lại ước tính sẽ cho thu nhập cao hơn vì gần sát tết có thể giá kiệu sẽ được đẩy lên thêm 3.000-4.000 đồng/kg. Nhờ vào cây kiệu mà gia đình bà có một số tiền kha khá để trang trải vào dịp tết sắp tới.

Bà Thìn cho biết ở vùng đất cát pha xã Bình Phục phù hợp với cây kiệu nên phần lớn bà con ở đây thường đầu tư vào trồng loại cây này. Bắt đầu xuống giống từ tháng 7 âm lịch cho đến nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ thu hoạch này đa số người dân đều thu được kiệu năng suất cao. Đặc biệt năm nay củ kiệu được thương lái đổ xô đến mua nên giá không bị ép hạ như mọi năm. So với cây lúa và hoa màu khác thì cây kiệu cho lãi suất cao hơn từ ba đến năm lần.

Ở cánh đồng kiệu, lão nông Nguyễn Hồng Nhân (trú thôn Tất Viên, đã có thâm niên hơn 10 năm trồng kiệu) dẫu đã ở cái tuổi trên “thất thập” nhưng vẫn canh tác với ba sào kiệu. Vụ này thu được chừng 6.000-7.000 đồng tiền lãi. Theo như ông cho biết, nếu người nông dân mà không có mấy sào kiệu này thì cũng không biết dựa vào đâu để có đồng ra đồng vào tiêu tết.

Đối với chị Hoàng, vào cái mùa kiệu tết cũng là thời gian chị có thêm được việc làm, thêm thu nhập để cùng chồng lo mùa tết cho những đứa con. “Từ đầu tháng đến nay, tôi đi nhổ và cắt kiệu thuê cho mấy người trong xã thu nhập cũng khá, ngày hơn 150.000 đồng. Thấy năm nay bà con vui làm mình cũng vui. Ở quê mà không có kiệu thì chẳng biết sống sao, đây giống như cây cứu tinh của bà con nông dân trước mùa tết vậy” - chị Hoàng cười nói.

Ở dọc tuyến đường liên thôn của xã, hàng chục tiệm thu mua kiệu và nén của bà con. Đang vun lại đống kiệu, ông Đinh Hoàng Long - một chủ thu mua kiệu cười nói hớn hở: “Ở cái đất ni bà con làm kiệu nhiều lắm, chủ yếu những dịp này thì mới có tiền để chi tiêu tết. Giá kiệu năm nay cũng không dao động mấy, mình thu mua kiệu dễ dàng, bà con lại vui". Kiệu lớn được xuất đi các đầu mối ở TP.HCM, kiệu nhỏ thì xuất đi mấy tỉnh gần như Đà Nẵng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thông - Phó Chủ tịch xã Bình Phục cho biết năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này là cả xã lại vui như tết, họ trồng kiệu và thu hoạch kiệu nên cũng có số tiền kha khá để hy vọng cái tết ấm no. Trong thời gian tới, địa phương đang tính đến phương án sẽ khoanh vùng quy hoạch các hộ dân trồng kiệu lại để sản xuất, nâng cao thương hiệu sản phẩm kiệu của địa phương mình. Đồng thời, cũng mong muốn có được nhà máy chế biến kiệu ở địa phương để tăng thêm hiệu quả sản xuất cho người dân. 

 
Bà con đang hối hả thu hoạch mùa kiệu bán tết.

 
Bà Thìn đang cắt kiệu vừa nhổ được

Ông Nhân mặc dù đã cao tuổi nhưng vẫn canh tác kiệu  

 
Chị Hoàng có thêm thu nhập từ mùa kiệu tết nhờ công việc làm thêm

Người dân hớn hở mua bán kiệu tại điểm thu mua

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm