Nơi yên nghỉ của vị tướng triều Nguyễn

Ngôi mộ cổ mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ thế kỷ 19 ở Sài Gòn nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung. Đây là nơi yên nghỉ của ông Phan Tấn Huỳnh (Phan Tiến Hoàng) - tự Khiêm, từng được vua Gia Long phong tước Huỳnh Ngọc Hầu.

Ngôi mộ nằm bên cạnh đường hẻm với tường rào bao quanh (dài hơn 12 m, rộng khoảng 6,5 m).

Ngôi mộ xây dựng theo phương thức mộ của các danh thần, võ tướng triều Nguyễn - từ ngoài vào trong gồm: bình phong tiền, cổng (cửa), bia mộ, mộ và cuối cùng là bình phong hậu. Bình phong tiền vẽ hình hổ trên nền mây, mặt sau vẽ phong cảnh (biển, núi, cây cối…).

Để vào bên trong khu mộ, phải “chui” vì khi xây mộ, những người thiết kế đã cố tình xây vòm cửa khá thấp (khoảng 1,4 m) để những ai bước vào khu mộ phải cúi đầu trước anh linh người đã khuất.

Cổng mô phỏng dạng nhà hai mái, lợp giả ngói ống. Trên vòm cửa vào có bốn chữ Hán “Đức hóa lê dân” (dùng đức để cảm hóa chúng dân).

Qua vòm cổng là hương án được xây thành khối đắp nổi các họa tiết trang trí tạo thành hình chiếc sập gụ.

Qua khỏi cổng là mộ có dạng liếp hình chữ nhật gồm hai cấp khá thấp.

Bia trước mộ đúc bằng hợp chất, trên bia khắc chìm chữ Hán với nội dung: Hoàng Việt; Huỳnh Quang Hầu, nguyên Phiên An tổng trấn, Phan Công chi mộ. Niên hiệu đề năm Minh Mạng thứ 5 (1824).

Ông Phan Tấn Huỳnh sinh năm Nhâm Thân (1752) và mất năm Giáp Thân (1824), quê ở Gia Định, thuộc dòng họ Phan Công Thiên từ Quảng Nam di cư vào Nam. Những năm chúa Nguyễn và Tây Sơn tranh chấp, ông đầu quân dưới trướng Nguyễn Ánh rồi làm quan ở cả hai triều đại Gia Long và Minh Mạng.

Cuối mộ là bình phong hậu dạng cuốn thư, giữa là văn bia khắc 18 hàng (dọc) chữ Hán (khoảng 300 chữ) ghi lại công lao, thành tích của Huỳnh Ngọc hầu Phan Tấn Huỳnh.

Nấm mộ có dạng liếp hình chữ nhật giật hai cấp. Phan Tấn Huỳnh được phong tước hầu vì có công trong việc khai hoang lập ấp, bình định đất mới mở nên thường gọi là Huỳnh Ngọc Hầu.

Đến năm Gia Long thứ 6 (1807), ông Phan Tấn Huỳnh được tấn phong chức khâm sai đô thống chế tiên quân du đồn quân Thần Sách kiêm chức tả quân phó tướng, giúp ông Lê Văn Duyệt trấn thủ thành Gia Định. Từ năm Gia Long thứ 8 đến 15, ông vâng chiếu dụ điều quân đến Quảng Ngãi để vỗ về yên dân, lập nhiều công lao rồi trở về Gia Định.

Đầu năm Minh Mạng, khi vâng chiếu vào làm tổng trấn Gia Định, tướng quân Lê Văn Duyệt liền xin cho ông Phan Tấn Huỳnh nhận chức phó tổng binh trấn Phiên An. Sau đó hai năm, ông được thăng lên trấn thủ.

Khoảng năm 70 tuổi, ông cáo quan về vườn. Vì sức khỏe suy yếu, nhiều bệnh tật, vào năm Minh Mạng thứ 5, ông tự tìm đến cái chết để giải thoát. Ngôi mộ của ông lâu nay vẫn được người dân xung quanh nhang khói một cách chu đáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm